"KHI NHẬN THỨC ĐÚNG SẼ CÓ HÀNH ĐỘNG ĐÚNG"
- Thưa Bộ trưởng, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo nhiều vấn đề rất sâu sắc về văn hóa Việt Nam. Trong đó, chỉ rõ các giải pháp để có thể nâng tầm vị trí của văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Bộ trưởng có thể cho biết những kết quả bước đầu trong thực hiện các giải pháp mà Tổng Bí thư đã chỉ đạo?
Hội nghị Văn hóa toàn quốc để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII do Bộ Chính trị tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 75 năm Bác Hồ tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất. Tại hội nghị, Bộ Chính trị đã dẫn luận, hệ thống lại các quan điểm của Đảng ta, đường lối phát triển văn hóa qua các thời kỳ, khẳng định những thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực văn hóa, đồng thời cũng chỉ ra những bất cập khó khăn. Kết luận hội nghị, Tổng Bí thư đã chỉ ra 6 nhiệm vụ và giải pháp cơ bản để ngành văn hóa, các cấp ủy Đảng tổ chức triển khai thực hiện.
Xác định được tầm quan trọng và nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao, ngành VHTTDL đã chủ động xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện các kết luận nêu trên. Trong kế hoạch tổng thể đã ban hành, ngoài việc đề cập đến tính chất toàn diện đầy đủ, ngành VHTTDL cũng đồng thời lựa chọn các điểm nhấn trọng tâm.
Tôi xin dẫn một vài nhiệm vụ có tính chất trọng tâm mà toàn ngành đã thực hiện qua 6 tháng đến nay. Thứ nhất, chúng tôi cho rằng cần phải giải quyết bài toán nâng cao nhận thức mà Tổng Bí thư đã nhiều lần yêu cầu. Bởi vì, muốn chấn hưng và phát triển văn hóa, yếu tố đầu tiên là phải nhận thức đúng, khi nhận thức đúng thì sẽ có hành động đúng.
Vì vậy mà trong chương trình kế hoạch của Bộ, chúng tôi yêu cầu những người làm văn hóa, rộng hơn là toàn ngành tham mưu đúng, tham mưu trúng cho các cấp ủy Đảng, lãnh đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra và kết luận của Tổng Bí thư đã chỉ rõ. Từ đó để góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Điểm nhấn thứ hai, chúng tôi xác định là khi thực hành văn hóa, phát huy, lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp thì phải nắm chắc được nguồn tài nguyên văn hóa, qua đó nhằm đẩy mạnh quảng bá thương hiệu văn hóa ra với bạn bè quốc tế. Thông qua quá trình này cũng nhằm để rèn luyện, giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống và những giá trị tốt đẹp của văn hóa đã được thế giới công nhận và các thế hệ cha ông ta ngàn năm hun đúc và tạo dựng.
Vấn đề thứ ba là cần phải tập trung giải quyết mối quan hệ giữa con người và văn hóa, trong đó xác định con người là chủ thể, là động lực để xây dựng tổng thể về văn hóa, góp phần làm cho văn hóa trở thành động lực, tinh thần của xã hội, để văn hóa ngang bằng với chính trị và kinh tế.
Thứ tư, đó là phải chú ý đến đội ngũ cán bộ. Hiện nay, có thể nói lực lượng làm văn hóa thì rất nhiều và ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều cơ quan quản lý khác nhau. Ở góc độ Bộ, Sở, thì đó là những người thực hành, quản lý nhà nước về văn hóa. Chúng tôi cũng tập trung xây dựng các kế hoạch chiến lược với mục tiêu, lộ trình rất cụ thể.
Đồng thời, Bộ VHTTDL cũng đã ký kết các chương trình phối hợp liên ngành để nhằm phát huy lợi thế, sức mạnh tổng hợp. Đối với Ủy ban Dân tộc, việc phối hợp này nhằm làm sâu sắc hơn, rõ hơn nội dung phát triển văn hóa dân tộc, gắn phát triển văn hóa dân tộc với nhiệm vụ phát triển kinh tế vùng cao, vùng sâu, vùng xa để rút ngắn khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa đồng bằng với miền núi, giữa thành thị và nông thôn.
Chúng tôi cũng ký kết chương trình phối hợp với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam trong vấn đề hình thành văn hóa doanh nghiệp sản xuất và coi đó là một trong những trụ đỡ để phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa một cách bền vững, đúng nghĩa. Đồng thời, ký kết các chương trình phối hợp với Bộ Công an trong bảo vệ an ninh văn hóa…
Với các địa phương, chúng tôi cũng đề xuất các đồng chí lãnh đạo trực tiếp xây dựng các nghị quyết chuyên đề về văn hóa, rà soát, bổ sung về định hướng và xây dựng các kế hoạch để triển khai thực hiện. Đến thời điểm này, theo thống kê chưa đầy đủ có 53/63 tỉnh thành đã có chương trình kế hoạch hành động, 10 đơn vị là kế thừa các văn bản đang còn có giá trị nên chỉ thực hiện bổ sung thêm nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Qua đó cho thấy nhận thức được nâng lên từ trong chính các cấp ủy đảng và lan tỏa đến toàn xã hội. Nhất là khắc phục được những hạn chế, khuyết điểm, hiểu lệch lạc về cơ quan văn hóa chỉ là tiêu tiền và tổ chức sự kiện để từ đó huy động nguồn lực chăm lo cho văn hóa với nhận thức đầu tư cho văn hóa là đầu tư có tính chất lâu dài đầu tư cho sự phát triển. Cần phải nhìn sự vận động và phát triển văn hóa trong lịch sử và trong suốt cả quá trình vận hành chứ không chỉ nhìn vào hiện tượng mà đánh giá.
Tóm lại ở góc độ triển khai thực hiện, tôi cho rằng đã thực hiện một cách bài bản, khoa học, quyết liệt và đến nay đã có sự chuyển biến ban đầu. Tôi hy vọng với quyết tâm và sức lan tỏa, lĩnh vực văn hóa của chúng ta sẽ có chuyển biến tốt hơn trong thời gian tới.
"KHÔNG THỂ CẦU TOÀN TRONG BỐI CẢNH ĐẤT NƯỚC CÒN KHÓ KHĂN"
- Như Bộ trưởng đã khẳng định thì đầu tư cho văn hóa là một quá trình đầu tư lâu dài cho sự phát triển. Và như vậy chúng ta cần phải có những chiến lược và kế hoạch rất cụ thể. Hiện nay, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030. Quan điểm của Bộ khi xây dựng Chiến lược phát triển văn hóa để có thể thực sự đưa văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh của dân tộc là gì thưa Bộ trưởng?
Bộ VHTTDL đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với 5 quan điểm lớn, 4 mục tiêu và 11 nhiệm vụ, giải pháp. Chiến lược đã rất toàn diện, rất đầy đủ, vấn đề là tổ chức thực hiện nó. Đó không phải chỉ là trách nhiệm riêng của Bộ mà trách nhiệm của tất cả các bộ, ngành và các địa phương.
Trong đó, những người làm văn hóa là những người tham mưu, điều phối giúp Đảng và Nhà nước kiểm soát, tổ chức thực hiện chiến lược này. Trong chiến lược đó chúng ta cũng đề cập và phân kỳ đầu tư, lựa chọn những đề án có tính chất quan trọng, căn cơ để làm.
Trong đó có những nguồn lực đầu tư khá cơ bản và giao cho nhiều bộ ngành tổ chức thực hiện. Như đề án về đào tạo đội ngũ trí thức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, đào tạo đội ngũ trí thức trong lĩnh vực thể thao và nguồn nhân lực có chất lượng cao ngành du lịch; Đề án đầu tư tôn tạo các di tích, di sản văn hóa theo hướng có trọng tâm trọng điểm; Đề án về vấn đề hoàn thiện thiết chế văn hóa theo các cấp độ, thiết chế văn hóa cấp quốc gia, thiết chế văn hóa cấp tỉnh.
Tuy nhiên, chúng ta không thể cầu toàn trong bối cảnh đất nước còn khó khăn, các nguồn lực còn hạn chế, nhưng chúng ta có thể khu trú nó lại. Ví dụ, 3 hạng mục có tính chất cơ bản của thiết chế cấp tỉnh như nhà văn hóa, thư viện hay thể thao thì chắc chắn không thể thiếu.
Tương tự như vậy ở cấp cơ sở, cấp xã cũng phải đạt được những con số được lượng hóa bằng các chỉ tiêu rất cụ thể. Tất nhiên cũng có những chỉ tiêu chúng ta đặt ra để phấn đấu, nhưng cũng có những chỉ tiêu là tiệm cận với hiện thực. Ví dụ như 95 % cấp xã phải có trung tâm văn hóa, điều đó là cần thiết và chúng ta phải làm. Chúng ta phải bố trí quỹ đất để quy hoạch, để xây dựng và làm dần, làm từng bước.
Chúng tôi nghĩ rằng trong chiến lược đó, phải bắt đầu đầu tư cho con người để làm nhiệm vụ điều hành, thực hành văn hóa, tiếp đến là đầu tư cơ sở vật chất để thực hành, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp.
Tôi rất mừng là sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước đã đồng ý giao cho Bộ Văn hóa xây dựng một chương trình tổng thể về chấn hưng phát triển văn hóa Việt Nam. Đây là sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước ta, khắc phục sự hụt hẫng sau khi chúng ta kết thúc chương trình mục tiêu của nhiệm kỳ trước. Đó là cơ sở để chúng ta có điều kiện đầu tư có tính chất lâu dài cho văn hóa.
- Ngày 14/3/2022, tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, Bộ VHTTDL đã tổ chức Lễ phát động chương trình hành động của năm 2022 với chủ đề Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác cán bộ. Tại sao chúng ta lại đặt chủ đề này thưa Bộ trưởng?
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đặt ra phương hướng, mục tiêu đó là khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường. Không chỉ Bộ VHTTDL mà tất cả các bộ, ngành, các địa phương đều phải chọn cho mình phương châm để thực hiện nhiệm vụ này.
Với Bộ VHTTDL, chúng tôi đề ra phương châm hành động "Quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến". Từ phương châm đó, chúng tôi cụ thể hóa theo chủ đề của từng năm để tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Năm 2022, chúng tôi chọn chủ đề Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác cán bộ. Bởi lẽ, năm 2022 là năm thứ hai chúng ta thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Theo quy định, đó là năm chúng ta rà soát để bổ sung quy hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ và tập trung củng cố sắp xếp lại tổ chức bộ máy. Đây là nhiệm vụ chính trị có tính chất thường xuyên, nhưng cũng có thời điểm theo quy định.
Vấn đề thứ hai là trong quá trình xây dựng văn hóa, chúng ta vừa phải tính đến tính toàn diện nhưng đồng thời cũng phải bắt đầu từ những đơn vị, tế bào. Chúng ta đều thấy, môi trường văn hóa có tác động nhằm hình thành nhân cách con người. Vì vậy mà phải chăm lo cho môi trường văn hóa. Nhưng nếu nói môi trường theo hướng rộng quá, toàn quốc và toàn xã hội thì chắc chắn là chưa thể làm ngay được mà chúng ta chọn đơn vị, thôn, bản, ấp, phố, đơn vị, cơ quan, trường học, doanh nghiệp để xây dựng môi trường văn hóa.
Chúng ta cần làm thực chất Cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, khắc phục bệnh thành tích, phát huy giá trị văn hóa của từng vùng miền, của từng đơn vị, lan tỏa những điều tốt đẹp nhất trong đơn vị đó để có tác dụng khuyên bảo, răn đe bằng các quy định quy ước, quy chế do cộng đồng xây dựng.
Nếu làm tốt những vấn đề trên thì sẽ hình thành được một lối ứng xử văn hóa văn minh, khắc phục được những sự xuống cấp về mặt văn hóa, sự băng hoại về đạo đức đang âm thầm diễn ra.
"KHÔNG RẬP KHUÔN, MÁY MÓC"
- Bộ trưởng có nhắc đến vấn đề con người và ứng xử, đó cũng là một trong những chỉ đạo của Tổng Bí thư về việc tập trung xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam. Vậy trong hệ giá trị con người Việt Nam, nền tảng gia đình đóng vai trò quan trọng như thế nào thưa Bộ trưởng?
Nghị quyết của Trung ương đã nhấn mạnh về nội hàm của hệ giá trị con người Việt Nam. Chúng tôi nghĩ rằng đã rất đầy đủ, sâu sắc và toàn diện. Vấn đề là tổ chức thực hiện xây dựng nó, chúng tôi đang yêu cầu tất cả các đơn vị trong ngành phải tham mưu để triển khai xây dựng hệ giá trị này.
Trong đó, chúng tôi xác định gia đình là tế bào của xã hội, có vị trí quan trọng trong bồi dưỡng giáo dục để hình thành nên nhân cách con người. Đó còn là nơi bồi đắp tính chân thiện mỹ mà con người đang hướng tới.
Tuy nhiên, chúng ta phải làm từng bước. Ở góc độ pháp luật, chúng tôi đang tiếp cận dưới góc độ cụ thể hóa những điều mà Hiến pháp năm 2013 quy định về quyền của con người để xây dựng, để bàn định. Sau một thời gian soạn thảo, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Chính phủ, chúng tôi đã trình dự án Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Đây chỉ là một kênh, nhưng nó có tác dụng tạo sự bình đẳng để hướng tới xây dựng gia đình tiến bộ.
Có thể nói trong mỗi chúng ta thì gia đình là chỗ dựa, là nơi để chúng ta đi về, là nơi để khi còn nhỏ chúng ta được nuôi dưỡng trong vòng tay bố mẹ, và khi lớn lên mỗi chúng ta phải có trách nhiệm xây dựng gia đình để phát huy được những đạo lý truyền thống gia đình tốt đẹp của người Việt Nam, đó là biết ơn, kính trọng ông bà cha mẹ và thực hiện tốt trách nhiệm của người con, người chồng, người cha, người ông, người bà.
Trong một thế hệ như vậy thì chúng ta sẽ góp phần hun đúc, giữ gìn truyền thống văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt Nam, để từ đó góp phần lan tỏa xây dựng giá trị của văn hóa Việt Nam.
- Chúng ta có rất nhiều tiềm năng về thiên nhiên về con người, về văn hóa nhưng lĩnh vực này dường như còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Hiện nay, những sản phẩm công nghiệp được coi là văn hóa chủ yếu là khối tư nhân đầu tư. Vậy chúng ta làm thế nào để khơi thông nguồn lực xã hội đầu tư sản phẩm công nghiệp văn hóa một cách thực thụ thưa Bộ trưởng?
Khi bàn đến công nghiệp văn hóa, có thể nói rằng chúng ta tiếp cận không phải là muộn. Nhưng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, hiện tại công nghiệp văn hóa Việt Nam đang ở mức sơ khai. Mặc dù đã có chiến lược sớm, xác định được 12 ngành thuộc về công nghiệp văn hóa nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, chúng ta vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn ở lĩnh sự này. Sự đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa vào GDP cả nước chưa cao, chưa đạt được như chiến lược trước đề ra.
Ý thức được vấn đề này, Bộ VHTTDL đã tổng kết và hiện đang trình Chính phủ ban hành một chiến lược mới về công nghiệp văn hóa theo hướng có trọng tâm trọng điểm, trong đó phát huy tối đa những lợi thế của các ngành có tiềm năng đóng góp cho công nghiệp văn hóa chứ không phải khu trú lại, đó là cách tiếp cận mới.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải học tập kinh nghiệm của các quốc gia đã thành công trên quan điểm những gì phù hợp thì cố gắng nghiên cứu để vận dụng vào Việt Nam, tất nhiên là không rập khuôn, máy móc. Ví dụ như Hàn Quốc, họ lấy công nghiệp điện ảnh làm mấu chốt trong phát triển kinh tế xã hội, hoặc một số quốc gia lại chọn nhạc cổ điển làm điểm nhấn của công nghiệp văn hóa.
Còn ở Việt Nam, chúng ta phải lựa chọn một số ngành tiềm năng và cố gắng để thúc đẩy, muốn như thế thì chúng ta phải luật hóa. Đó cũng là lý do mà tại kỳ họp thứ 3 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi). Bộ luật này không chỉ là công cụ để chúng ta quản lý nhà nước tốt hơn về điện ảnh mà tạo ra một không gian phát triển để công nghiệp văn hóa có điều kiện phát triển hơn.
Tới đây, chúng tôi cũng đề xuất để sửa đổi Nghị định về nghệ thuật biểu diễn. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ phát huy yếu tố sáng tạo, vai trò của văn nghệ sỹ để chúng ta từng bước xây dựng nền công nghiệp điện ảnh hiện đại.
Hy vọng trong thời gian tới với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự hỗ trợ của các ngành, các cấp và sự đồng lòng của những người làm văn hóa, chắc chắn công nghiệp văn hóa sẽ đạt được những mục tiêu mà chúng tôi đang dự kiến trình cấp có thẩm quyền phê chuẩn.
Xin cảm ơn Bộ trưởng đã chia sẻ!
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)