Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết để thông qua dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Kết quả biểu quyết cho thấy, với đa số các đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, ngày 25/5/2022, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Nhìn chung, các vị đại biểu Quốc hội thống nhất cao với những nội dung cơ bản của dự thảo Luật và đóng góp ý kiến vào một số điều, khoản cụ thể để hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc, ngày 28/5/2022, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc làm việc, với sự tham gia của cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo cùng các cơ quan có liên quan đã thảo luận về việc tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Ngày 10/6/2022, Chính phủ đã có Báo cáo số 224/BC-CP về chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) trình Quốc hội.
Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, ý thảo luận tại cuộc họp ngày 28/5/2022 và Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).
"Tiền kiểm" kết hợp "hậu kiểm"
Đối với các nội dung có ý kiến còn khác nhau, về phổ biến phim trên không gian mạng (Điều 21) còn có 2 ý kiến. Loại ý kiến thứ 1 là đa số ý kiến đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức đề nghị kết hợp biện pháp "tiền kiểm" với "hậu kiểm". Loại ý kiến thứ 2 là: Một số cơ quan và đại biểu Quốc hội đề nghị thực hiện biện pháp "tiền kiểm" đối với phim phổ biến trên không gian mạng.
Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, sau phiên thảo luận tại Hội trường ngày 25/5/2022, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã phối hợp tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ cho rằng loại ý kiến thứ 1 (tiền kiểm kết hợp với hậu kiểm) là phù hợp.
Căn cứ đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung, chỉnh lý và quy định các biện pháp quản lý bảo đảm tính khả thi, phù hợp với tình hình, điều kiện Việt Nam hiện nay và xu thế chung của thế giới, bảo đảm việc kiểm soát chặt chẽ nội dung phim, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm như dự thảo Luật.
Đối với ý kiến còn băn khoăn quy định của dự thảo Luật có đảm bảo được sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp phố biến phim trong nước và doanh nghiệp phổ biến phim nước ngoài, ông Nguyễn Đắc Vinh cho hay, Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở đảm bảo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài trong kinh doanh theo từng hình thức phổ biến phim.
Cụ thể: (1) Khi phổ biến phim trong hệ thống rạp chiếu phim và địa điểm chiếu phim công cộng, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài đều phải xin cấp Giấy phép phân loại phim, (2) Khi phổ biến phim trên hệ thống truyền hình đều phải có Quyết định phát sóng của cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động truyền hình; (3) Trước khi phổ biến phim trên không gian mạng đều phải có trách nhiệm phân loại phim theo độ tuổi người xem, hiển thị cảnh báo và tuân thủ các quy định của Luật Điện ảnh (sửa đổi); (4) Thống nhất một tiêu chí phân loại phim áp dụng chung cho các hình thức phổ biến phim.
Yêu cầu cung cấp kịch bản tóm tắt và chi tiết phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam bằng tiếng Việt
Về cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài (Điều 13), vấn đề này có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ 1: Đồng ý với Phương án 1, yêu cầu cung cấp kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam bằng tiếng Việt. Loại ý kiến thứ 2: Đồng ý với Phương án 2, yêu cầu cung cấp kịch bản phim bằng tiếng Việt (đầy đủ).
Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, cả hai phương án đều có thể có những rủi ro trong kiểm soát nội dung phim, do kịch bản phim sau khi được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, cấp phép vẫn có thể bị thay đổi.
Ngày 13/6/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội đối với 2 phương án nêu trên. Kết quả phiếu xin ý kiến cho thấy đa số đại biểu Quốc hội lựa chọn phương án 1: Kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam bằng tiếng Việt. Căn cứ ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý, quy định như dự thảo Luật.
Đối với một số vấn đề khác, ông Nguyễn Đắc Vinh cho hay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo thường trực cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý như trong dự thảo Luật. Một số vấn đề đại biểu đề cập đã được giải trình trong Báo cáo số 216/BC-UBTVQH15 ngày 12/5/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi đại biểu Quốc hội.
Về kỹ thuật lập pháp, một số ý kiến đề nghị bổ sung câu chữ, cụm từ, đề nghị điều chỉnh tách, ghép một số điểm, khoản; rà soát các thủ tục hành chính, từ ngữ bảo đảm tính thống nhất trong dự thảo Luật, đối với vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Được biết, Luật Điện ảnh (sửa đổi) có 8 chương, 50 điều. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023./.
(Nguồn: Toquoc.vn)