Nhiều khó khăn, hạn chế cần tháo gỡ
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, trên tinh thần lắng nghe, tiếp nhận ý kiến nhằm thúc đẩy chất lượng hoạt động chuyên môn trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ tại TP.HCM phải thẳng thắn báo cáo những tồn tại, vướng mắc đồng thời mạnh dạn nêu lên những đề xuất, nhất là những khó khăn cần tháo gỡ trong thời gian tới.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại buổi làm việc
Nhìn nhận từ thực tế, Hiệu trưởng Trường Đại học Thể dục Thể thao (ĐH TDTT) TP.HCM - PGS.TS Đặng Hà Việt cho biết, là cơ sở đóng tại TP.HCM - một trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, nhà trường luôn tận dụng tốt các lợi thế vốn có để đẩy mạnh và phát triển công tác dạy học, cũng như các hoạt động TDTT trong và ngoài thành phố. Tuy nhiên, trường vẫn gặp không ít khó khăn về công tác tuyển sinh và cơ sở vật chất.
Cụ thể, các công trình, hạng mục của trường vì được xây dựng từ năm 1963, sau này đã nhiều lần cải tạo, sửa chữa nhưng vẫn không thể đảm bảo công tác đào tạo. Bên cạnh đó, dù có diện tích 12ha nhưng vừa là Trường ĐH TDTT TP.HCM, vừa là Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia TP.HCM, nên việc mở rộng các khu tập luyện cho sinh viên chính rất khó khăn.
Kiến nghị với Bộ trưởng, Nhà trường mong Bộ quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất để tạo điều kiện cho các sinh viên, vận động viên được tập luyện trong môi trường tốt nhất, qua đó phát huy hết tiềm năng của các sinh viên. Đồng thời, cho phép nhà trường được chủ động trong công tác tuyển sinh ở khối ngành đào tạo giáo viên giáo dục thể chất để đáp ứng nhu cầu thực tế.
Đại diện trường ĐH TDTT TP.HCM nếu các khó khăn cần Bộ trưởng tháo gỡ
Còn tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia TP.HCM, ông Võ Quốc Thắng – Giám đốc Trung tâm cho rằng, hiện nay đơn vị đang quản lý 39 đội tuyển (trong đó có 10 đội tuyển trẻ, 2 đội thể thao người khuyết tật) với 1 chuyên gia, 113 huấn luyện viên, 481 vận động viên.
Nhiệm vụ trọng tâm của các đội tuyển năm 2022 là quyết tâm hoàn thành tốt chỉ tiêu được giao của các đội tuyển tham gia SEA Games 31 (được tổ chức tại Việt Nam vào đầu tháng 5) và Đại hội Thể thao châu Á 2022 tại Hàng Châu, Trung Quốc và các giải quốc tế khác.
Với yêu cầu phát triển thực tiễn của ngành Thể thao trong thời gian qua, ông Võ Quốc Thắng đề nghị lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Tổng cục TDTT sớm cho phép Trung tâm thành lập Ban cơ sở 3 tại TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng và có quyết định giao bổ sung biên chế đáp ứng vị trí việc làm để quản lý, đưa vào sử dụng cơ sở 3 một cách có hiệu quả. Đồng thời, quan tâm đến nguồn kinh phí sự nghiệp cấp cho công tác quản lý, chăm sóc vận động viên; kinh phí cải tạo, sửa chữa và đầu tư trang thiết bị huấn luyện, trang thiết bị y học hàng năm.
PGS.TS Nguyễn Thế Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM cũng cho biết, trong đợt dịch Covid-19, Trường đã chuyển giao cơ sở 2 cho UBND TP.Thủ Đức trưng dụng làm nơi cách ly bệnh nhân F1 và làm Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị bệnh nhân F0.
Sau thời gian trưng dụng, tình hình cơ sở vật chất bị xuống cấp nghiêm trọng. Để có cơ sở triển khai đào tạo và nơi lưu trú an toàn với các điều kiện tối thiểu cho sinh viên, Nhà trường phải đầu tư kinh phí để khắc phục cơ bản những cơ sở vật chất xuống cấp, hư hỏng nói trên, do đó kiến nghị Bộ xem xét có thể hỗ trợ thêm kinh phí thường xuyên cho Trường thực hiện công tác này.
Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM cũng kiến nghị, Trường vừa xây xong nhà học lý thuyết 11 tầng, tuy nhiên còn một hạng mục rất quan trọng là hội trường, đến nay vẫn chưa được ghi vốn, do đó đề nghị Bộ hỗ trợ kinh phí để hoàn thành cơ sở vật chất, có nơi phổ biến các chính sách, quy định, là nơi sinh hoạt chung cho Trường.
Tham dự buổi làm việc, Giám đốc Sở VHTT TP.HCM Trần Thế Thuận cho biết, thời gian qua, các đơn vị thuộc Bộ trên địa bàn TP.HCM đã có sự gắn bó mật thiết, hỗ trợ các hoạt động chuyên môn của Sở. Qua đó, giúp cho lĩnh vực VHTT tại TP.HCM không ngừng phát triển.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội, nhiều nhiệm vụ, công tác của ngành không thể triển khai đúng tiến độ, theo quy mô và mục tiêu đề ra.
Giám đốc Sở VHTT TP.HCM kiến nghị đến Lãnh đạo Bộ 8 nội dung gồm, đề xuất ban hành riêng về tiêu chí xác định người có tài năng, năng khiếu đặc biệt để làm cơ sở tuyển dụng; hướng dẫn quy trình lựa chọn nhà đầu tư theo quy định pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa; đề xuất dự án văn hóa và thể thao được áp dụng triển khai thực hiện của Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư; cung cấp thông tin xây dựng, phát triển không gian văn hóa Hồ Chí Minh; về thành lập Trung tâm phát triển công nghiệp văn hóa TP.HCM…
Tại buổi làm việc, đại diện Lãnh đạo cơ quan chức năng thuộc Bộ cũng trực tiếp giải đáp một số kiến nghị, đề xuất của các đơn vị tại TP.Hồ Chí Minh.
Các đơn vị cần phải năng động, sáng tạo hơn
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu và những kiến nghị của đại diện lãnh đạo các đơn vị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao tính cầu thị và những phát biểu mang tính xây dựng của các đơn vị, đồng thời Bộ trưởng cũng chia sẻ những khó khăn mà các đơn vị đang gặp phải trong thời gian qua.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, các trường và trung tâm trên địa bàn TP.HCM có tuổi đời và lịch sử phát triển lâu đời, đây chính là cơ sở được Đảng và Nhà nước xác lập, hình thành để góp phần đào tạo nguồn nhân lực về thể thao và văn hóa có chất lượng cho miền Nam và cho đất nước.
"Chính vì vậy, có thể hiểu các cơ sở của chúng ta là nơi sản sinh ra những nhân tài, là "cỗ máy cái" để đào tạo ra thế hệ những người lao động, công chức và văn nghệ sĩ, người làm văn hóa trong tương lai. Vì vậy, chúng ta phải luôn bám sát nhiệm vụ và chức năng mà Đảng và Nhà nước giao cho", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng ghi nhận, trong giai đoạn khó khăn, một số đơn vị đã nhanh chóng, kịp thời triển khai cách thức đào tạo của các nước, các quốc gia trên thế giới có nền tảng tiên tiến, để tập trung định vị lại cơ sở, qua đó hoàn thành mục tiêu sứ mệnh, nâng tầm nhìn và bước đầu đã thực hiện tốt. Các đơn vị cũng đã linh hoạt hơn trong vấn đề làm công tác đào tạo theo chỉ tiêu của Bộ GD&ĐT, thỏa mãn nhu cầu người học nhưng đồng thời cũng đáp ứng nhu cầu phát triển của cơ sở đào tạo.
"Tuy nhiên, các đơn vị vẫn còn lúng túng trong việc giải bài toán đầu ra và đầu vào. Bên cạnh đó, vẫn còn thiếu các đề tài cấp Bộ, cấp quốc gia, thiếu sự năng động, sáng tạo trong khi đó chúng ta đang đóng trên địa bàn TP.HCM vô cùng năng động", Bộ trưởng nhắc nhở.
Từ những thuận lợi và khó khăn vừa qua, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị phải xây dựng được hình ảnh Nhà trường, thực hiện tốt phong trào dạy tốt - học tốt, rà soát để đổi mới chương trình đào tạo, chú trọng sự tương thích giữa con người đào tạo và bằng cấp thực tế. Cùng với đó phải xem xét những khoảng trống, những "lỗ hổng" trong đơn vị để tự bổ túc, cũng như nhìn nhận những vấn đề sau dịch Covid-19 để lại, qua đó kịp thời thay đổi sao cho phù hợp. Trong tình hình mới các đơn vị cần năng động sáng tạo hơn, có khát vọng cống hiến, nêu gương.
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)