Đây là một trong những hoạt động nhằm cụ thể hóa cam kết giữa Chính phủ Việt Nam và cộng đồng quốc tế về việc bảo tồn, phát triển các di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, nhằm tôn trọng sự đa dạng các nền văn hóa như khuyến nghị của tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã đề ra.
Đây cũng là hoạt động chào mừng kỷ niệm 47 năm giải phóng tỉnh Kon Tum (16/3/1975- 16/3/2022) và tháng 3 lịch sử của các tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Mở đầu buổi lễ, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã trịnh trọng đọc thư của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi các cán bộ, công chức, viên chức ngành VHTTDL.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy phát biểu tại Lễ Khai mạc Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc
khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên lần III năm 2022. (Ảnh: Việt Hùng)
Để thực hiện mục tiêu “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, trong năm 2022, Ngành VHTTDL sẽ không ngừng nỗ lực, quyết tâm phấn đấu nhiều hơn nữa trong tất cả các lĩnh vực của ngành, đặc biệt là trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định, xây dựng môi trường văn hóa cơ sở là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Để đạt được các mục tiêu đề ra, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm đối với xây dựng môi trường văn hóa cơ sở: Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh từ cơ sở, bảo đảm mọi thành viên của cộng đồng được phát triển các năng lực sáng tạo. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố bồi đắp giá trị chân - thiện - mỹ; Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền, thông qua việc đổi mới tổ chức các hoạt động văn hóa cơ sở, cải thiện chất lượng hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; Nâng cao chất lượng hoạt động thể thao quần chúng góp phần phát huy nhân tố con người; tăng cường, bảo vệ sức khỏe cá nhân, cộng đồng và xã hội; thu hút mọi tầng lớp nhân dân, tạo nên sự gắn kết hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; Tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình điểm về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Đẩy mạnh việc thực hiện Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.
Đối với công tác tổ chức cán bộ, Thứ trưởng nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm: Thực hiện tốt Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược; các chủ trương, quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác tổ chức cán bộ. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về công tác tổ chức cán bộ theo quy định của Đảng, Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Kiện toàn tổ chức bộ máy Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phân định rõ trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, đề cao vai trò, vị trí, nhiệm vụ của cấp cơ sở; Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Ngành đủ phẩm chất, năng lực, đề cao danh dự, lòng tự trọng và khát vọng cống hiến. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực quản lý, nhân lực trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, bồi dưỡng đội ngũ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới.
"Điều này rất cần sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm, tích cực, hiệu quả của các đơn vị thuộc Bộ, các Sở VHTTDL, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch địa phương và sự phân công trách nhiệm triển khai theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao" - Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết.
Sau bài phát biểu, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cùng đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum và Sở VHTTDL các tỉnh, thành phố đã bấm nút phát động triển khai chủ đề công tác năm 2022 của Ngành VHTTDL "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ".
Phát biểu tại Lễ khai mạc Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên lần III năm 2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Ngọc Sâm bày tỏ vinh dự được Bộ VHTTDL lựa chọn đăng cai tổ chức sự kiện này.
“Đây là hoạt động rất quan trọng, có ý nghĩa to lớn nhằm phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, góp phần gìn giữ và tôn vinh các giá trị, bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên. Đồng thời, cũng là hoạt động quảng bá thiết thực nhằm sớm đưa ngành du lịch của tỉnh Kon Tum và các tỉnh trong khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên sớm phục hồi và phát triển trong bối cảnh thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Thông qua Liên hoan lần này tạo điều kiện để các nghệ nhân, diễn viên, người dân giao lưu, giới thiệu giá trị những di sản văn hóa phi vật thể, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, trang phục, ẩm thực của cộng đồng các dân tộc ở các địa phương”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum bày tỏ mong muốn tỉnh Kon Tum cũng như các tỉnh thuộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên tiếp tục nhận nhiều hơn nữa sự hỗ trợ của Trung ương, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu văn hóa trong công tác bảo tồn, phát huy và phát triển bền vững các giá trị văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo tinh thần Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI " Về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" và bài Phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào cuối năm 2021 vừa qua.
Trong đêm khai mạc Liên hoan, người dân và du khách đã được hòa mình vào không khí lễ hội trong tiếng cồng chiêng và nhịp xoang Tây Nguyên; Thưởng thức một số tiết mục đặc sắc tham gia Liên hoan Diễn xướng, như: Trích nghi lễ tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của Đoàn Trung tâm Văn hóa tỉnh Vĩnh Phúc; Tiết mục Đấu chiêng của nghệ nhân Đoàn tỉnh Quảng Ngãi; Tiết mục múa: Nguyên Tiêu Thịnh Hội - Ngũ Phúc Lâm Môn của Đoàn TP.HCM; Trình diễn trang phục truyền thống…
Phần biểu diễn Trích nghi lễ tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của Đoàn Trung tâm Văn hóa tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: Việt Hùng)
Tham gia Liên hoan năm nay có hơn 600 nghệ nhân, nghệ sỹ, diễn viên các dân tộc của 19 tỉnh, thành phố, bao gồm: An Giang, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai, Gia Lai, Hà Nam, Hải Dương, Kon Tum, Lâm Đồng, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc và Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Nguyễn Công Trung cho biết, các hoạt động diễn ra tại Liên hoan hàm chứa trong đó ý nghĩa của văn hóa, của nghệ thuật, của trang phục và thể chất tạo nên mối gắn kết cộng đồng, sự thăng hoa và thưởng thức nghệ thuật của cả người trình diễn lẫn người thưởng lãm. Có thể nói văn hóa dân gian các dân tộc Việt Nam chính là sức mạnh tinh thần, trải qua hàng ngàn năm gìn giữ là cứu cánh, là nơi cậy dựa tinh thần của triệu triệu con dân đất Việt.
Thông qua chương trình đã khẳng định niềm tin của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Liên hoan cũng là dịp để các nghệ nhân, nghệ sĩ hội tụ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, sưu tầm, phát hiện, tìm tòi, sáng tạo trong lao động nghệ thuật. Qua đó góp phần giữ gìn và tôn vinh các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc.
Diễn ra trong 4 ngày, từ 16 đến ngày 19/3, Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên mở rộng lần thứ III năm 2022 sẽ diễn ra các hoạt động, gồm: Trình diễn các tích, trò trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, lễ hội, các loại hình dân ca, dân vũ, trình diễn trang phục dân tộc, nhạc cụ dân tộc truyền thống, Cồng Chiêng Tây Nguyên và các hoạt động thể thao, sinh hoạt văn hóa ẩm thực./.
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)