SharePoint
Liên kết web
 
 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu 6 nhiệm vụ trong tâm khi xây dựng Chương trình quốc gia về phát triển văn hóa

17/02/2022 13:45
(CNTT) - Sáng nay (17/2), Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã chủ trì buổi làm việc để nghe báo cáo về việc triển khai xây dựng Chương trình quốc gia về phát triển văn hóa. Cùng dự có các Thứ trưởng: Tạ Quang Đông, Đoàn Văn Việt, Hoàng Đạo Cương.

Vào cuộc với tinh thần sớm, khẩn trương

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, việc xây dựng Chương trình nhằm cụ thể hóa những chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021; Nghị quyết số 155/NQ-CP ngày 8/12/2021 của Chính phủ về việc giao cho Bộ VHTTDL xây dựng Chương trình tổng thể quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam.

 Với yêu cầu phải báo cáo Chính phủ trong quý I năm 2022, trước buổi làm việc này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã yêu cầu các đơn vị được giao nhiệm vụ phải vào cuộc với tinh thần sớm, khẩn trương để xây dựng dự thảo Chương trình sát, đúng với tình hình của ngành hiện nay.

Tại buổi làm việc, trên tinh thần vừa bổ sung vừa hoàn thiện, Bộ trưởng đề nghị các lãnh đạo đơn vị phát biểu ngắn, đi vào trọng tâm nội dung của Chương trình này. Đây mới là một bước, sau bước này sẽ là lấy ý kiến để hoàn thiện tiếp Chương trình trước khi trình Chính phủ.

"Thứ nhất là tên gọi của Chương trình liệu đã phù hợp chưa? Các nội dung, dự án đưa vào Chương trình này liệu đã thuyết phục chưa? Chúng ta cần nêu rõ trọng tâm là cái gì, dự án nào mang tính đột phá. Tinh thần là không khuôn mẫu, không dàn hàng, phải huy động trí tuệ tập thể để xây dựng một Chương trình có tính khoa học, bám sát thực tiễn" - Bộ trưởng gợi mở.

Chọn ra những nơi, những điểm khó khăn để đầu tư

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thế Hùng - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, đối với các Chương trình trước đây, hơn 95% kinh phí được đầu tư về địa phương. Thực tế thì chúng ta vẫn chưa nhìn thấy được hiệu quả rõ rệt. Do đó, Chương trình lần này cần rà soát kỹ, chọn ra những nơi, những điểm khó khăn để đầu tư. Đối với tên gọi của Chương trình, ông Nguyễn Thế Hùng đề nghị nên thêm chữ "chấn hưng".

 Sau ý kiến của ông Nguyễn Thế Hùng, Bộ trưởng nói thêm, Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã cho chúng ta thấy được những điểm chưa mạnh của ngành. Vì vậy, Bộ trưởng đồng tình với quan điểm, Chương trình lần này cần phải khắc phục được những vấn đề đó. "Cái chúng ta chưa làm được có phải là môi trường văn hóa hay không? Thời gian qua, do không đủ nguồn lực, một số di tích bị hư hại trở thành phế tích, một số nhà hát chưa ra nhà hát… Ngoài ra còn vấn đề thiết chế văn hóa quốc gia, yếu tố con người. Chúng ta phải giải quyết đồng bộ những cái này thì mới tạo ra cú hích" - Bộ trưởng nói.

Cũng tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Theo bà Ninh Thị Thu Hương, cần đầu tư tăng cường các hoạt động quần chúng, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở. Trong đó, cần có trọng tâm trọng điểm trong xây dựng các thiết chế văn hóa, đồng thời cần hỗ trợ chuyên môn trong hoạt động của các thiết chế văn hóa.

 Dẫn chứng từ Chương trình phát triển văn hóa của Hàn Quốc phải xuyên suốt qua 2 thập kỷ mới tạo ra điểm nhấn, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Ly Ly đề nghị thời điểm này cần tập trung đầu tư cho hạ tầng phát triển văn hóa, nguồn lực đỉnh cao tức là con người và nền tảng số như bảo tàng số, nhà hát online…

Theo ông Lê Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Chương trình này cần chọn những nội dung trọng tâm để có thể nhìn thấy được kết quả. Có hai mục tiêu chính đó là thiết chế và con người, đối với thiết chế thì tương đối rõ nhưng đối với con người cần phải chú trọng đến đầu tư kiến thức nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý và thực hành văn hóa.

Quan tâm đến đầu tư các phương tiện để đào tạo nguồn nhân lực

Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, nên chọn 2 phương án Chương trình phát triển văn hóa quốc gia hoặc là Chương trình văn hóa nghệ thuật quốc gia để sau này đưa ra lựa chọn. Ông lưu ý cần đưa vấn đề sử dụng con người vào trong Chương trình này, trong đó cần chú trọng đến chính sách đãi ngộ, biên chế như thế nào.

 Về xây dựng các thiết chế mới, Thứ trưởng cho rằng, lĩnh vực đất đai không thuộc quản lý của Bộ nên khi đề xuất xây mới phải tính xem có quỹ đất không.

Đối với vấn đề đào tạo, Thứ trưởng đề nghị cần quan tâm đến đầu tư các phương tiện để đào tạo nguồn nhân lực. "Như ngành điện ảnh hiện nay, máy móc phục vụ việc đào tạo đã cũ, sinh viên ra trường rất bỡ ngỡ. Đây là vấn đề mà chúng ta cần đầu tư thì mới sử dụng được nhân lực chất lượng cao sau khi đào tạo" - Thứ trưởng nêu dẫn chứng.

Băn khoăn về vấn đề thời gian thực hiện của Chương trình, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho rằng, không thể quá dài cũng không thể quá ngắn, như vậy khó có thể thấy được hiệu quả thực sự. Thứ trưởng cũng đồng tình với việc cần thêm chữ "chấn hưng" vào tên của Chương trình này. Đồng thời, các nhiệm vụ và dự án trong Chương trình cần phải thu hẹp lại, có trọng tâm trọng điểm.

 Theo quan điểm của Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, Chương trình đưa các nhiệm vụ rất bao quát. Tuy nhiên, cần rà soát lại để tập trung đầu tư những dự án tạo ra bước chuyển biến rõ ràng. Ví dụ như công nghiệp văn hóa là vấn đề mang tính chất thời đại thì cần chọn những lĩnh vực trọng tâm nào.

Tập trung 6 nhiệm vụ trọng tâm

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh đây chính là sản phẩm trí tuệ tập thể. Chính vì vậy, các đơn vị phải tăng cường phối hợp để xây dựng một Chương trình hiệu quả, khả thi nhất.

Để tiếp tục hoàn thiện Chương trình, trước mắt cần có một bộ phận chuyên nghiên cứu và soạn thảo trực tiếp làm. Bộ trưởng giao Thứ trưởng Đoàn Văn Việt là Trưởng Ban xây dựng Chương trình, Thứ trưởng Tạ Quang Đông là phó ban và một số lãnh đạo khác làm thành viên.

Về vấn đề tên gọi, Bộ trưởng cũng bày tỏ đồng tình với việc thêm chữ "chấn hưng" vào tên của Chương trình. Ngoài ra, ban soạn thảo cần chú trọng làm sâu sắc hơn phần bối cảnh xây dựng Chương trình, các số liệu phải hết sức thuyết phục và cần nêu rõ những điểm nghẽn của ngành. Đồng thời, cần đưa các quan điểm lớn mà Trung ương đã đề ra đối với ngành Văn hóa vào trong Chương trình này.

 Bộ trưởng đề nghị, Chương trình này cần tập trung 6 nhiệm vụ tương thích với 6 đề án. Nhiệm vụ đầu tiên là xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh để phát triển con người, xây dựng hệ giá trị gia đình, con người Việt Nam. Thứ hai là tập trung đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực cao và đỉnh cao. Trong đó có cả nguồn nhân lực quản lý và hoạt động.

Thứ ba là bảo tồn và tôn tạo phát huy di tích di sản. "Cần làm rõ những cái gì đã có rồi, cái gì chưa, dự báo trong tương lai có bao nhiêu nữa để đưa ra được kế hoạch cụ thể" - Bộ trưởng lưu ý.

Nhiệm vụ thứ tư mà Bộ trưởng nhấn mạnh đó là đầu tư cơ sở vật chất cho ngành văn hóa để có thiết chế văn hóa tầm quốc gia. Thứ năm là phát triển nghệ thuật và công nghiệp văn hóa. Thứ sáu là tiếp thu văn hóa tinh hoa của nhân loại đồng thời tiếp kiến văn hóa với kiều bào là chủ thể.

"6 nhiệm vụ này là bao trùm và có trọng tâm trọng điểm. Chậm nhất đến ngày 5/3 phải tổ chức hội thảo để lấy ý kiến. Từ 5-10/3 sẽ tiếp thu để hoàn thành Chương trình. Ngày 15/3 là hạn để chúng ta trình Chính phủ" - Bộ trưởng lưu ý./.

 (Nguồn: bvhttdl.gov.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây