Xây dựng pháp luật là vấn đề khó và rộng, đòi phải làm một cách công phu
Phát biểu mở đầu Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, vấn đề xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong những khâu đột phá mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định. Nhiệm kỳ này, Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành tập trung thực hiện tốt công tác xây dựng thể chế.
Theo Bộ trưởng, thời gian qua, Bộ VHTTDL đã có nhiều nỗ lực để đáp ứng được yêu cầu này. Tuy nhiên, xây dựng pháp luật là vấn đề khó và rộng, đòi phải làm một cách công phu, tuân thủ quy định, công việc này cần nhìn nhận, đánh giá một cách nghiêm túc.
Với một cách tiếp cận mới là chuyển tư duy về làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa, Bộ trưởng cho rằng, muốn quản lý tốt thì phải tập trung xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị cần chuyển mạnh tư duy về vấn đề này, không quản lý theo kiểu chỉ tập trung vào sự vụ, không làm sự kiện đơn thuần.
"Khi được giao về nhiệm vụ xây dựng pháp luật thì phải nghiên cứu sâu, có những luận giải để xem ở đâu là "điểm nghẽn". Xây dựng pháp luật ở đây không chỉ là công cụ quản lý mà phải tạo ra động lực phát triển" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Bộ trưởng mong muốn, các ý kiến thảo luận tại Hội nghị cần phải thẳng thắn nhìn lại trong thời gian qua đã đạt ưu điểm gì, những gì đang có khó khăn, hạn chế, nếu không sẽ không thể nhìn thấy được những điểm nghẽn để tháo gỡ.
Cần thiết phải nâng cao năng lực cho đội ngũ xây dựng pháp luật
Là đại biểu đầu tiên phát biểu tham luận tại Hội nghị, bà Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết, năm 2022, Cục là một trong những đơn vị được giao nhiều nhiệm vụ trong xây dựng pháp luật. Để triển khai tốt việc này, trong thời qua, Cục đã xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể, rõ ràng và tiến độ cụ thể.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới, Cục Di sản kiến nghị Lãnh đạo Bộ VHTTDL chỉ đạo thành lập tổ xây dựng pháp luật chuyên trách của Bộ trong việc thực thi nhiệm vụ xây dựng Hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Di sản văn hóa và xây dựng Luật Di sản văn hóa khi được cho phép thực hiện. Cùng với đó là xây dựng cơ chế khuyến khích cùng tham gia của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân liên quan cùng tham gia trong quá trình xây dựng pháp luật.
Bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho biết, năm 2022, chủ đề mà Bộ VHTTDL đặt ra đó là Năm môi trường văn hóa và công tác cán bộ. Do đó, trong năm nay, Cục sẽ tập trung rà soát lại các quy định liên quan để tham mưu xây dựng hành lang pháp lý, định hướng chung đối với văn hóa cơ sở.
Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin kiêm Tổng Biên tập Báo điện tử Tổ quốc Nguyễn Thị Hoàng Lan tham luận tại Hội nghị.
Cho rằng, quá trình xây dựng luật là một quy trình rất khó, nên để văn bản quy phạm pháp luật sống lâu thì Cục luôn chú trọng 3 vấn đề đó là đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước, của các bên tham gia chịu sự tác động, thông qua đó tạo ra cơ chế chính sách để phát triển trong lĩnh vực.
Trong quá trình thực hiện việc lấy ý kiến nhân dân về văn bản quy phạm pháp luật trên Cổng thông tin điện tử Bộ VHTTDL, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin kiêm Tổng Biên tập Báo điện tử Tổ quốc Nguyễn Thị Hoàng Lan cho rằng, thông báo lấy ý kiến cần rõ ràng, ngắn gọn về những điểm cơ bản cần lấy ý kiến. Gợi mở các vấn đề cần lấy ý kiến, thực hiện nghiêm túc cơ chế giải trình, tiếp thu, phản hồi ý kiến, như vậy sẽ thu thập được nhiều ý kiến nhằm nâng cao hiệu quả dự thảo luật và đảm bảo tính khả thi, tính lâu bền của dự án Luật.
Đề cập đến vấn đề đội ngũ công chức được đào tạo về pháp luật để thực hiện công tác pháp luật, bà Nguyễn Thị Phượng - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cho biết, với số lượng công chức có hạn trong bối cảnh Nhà nước liên tục tinh giản biên chế, thời gian qua, công chức của ngành được đào tạo về pháp luật chỉ đạt khoảng 20%. Theo bà Phượng, đầu tư cho luật pháp là đầu tư cho sự phát triển, do đó, thời gian tới cần thiết phải nâng cao năng lực cho đội ngũ xây dựng pháp luật của các đơn vị thuộc Bộ.
Chuyển đổi nhận thức của Bộ VHTTDL trong xây dựng pháp luật là thành công bước đầu
Một số đại biểu thuộc các đơn vị ngoài Bộ VHTTDL tham dự Hội nghị đều đánh giá cao sự quan tâm của Bộ đối với vấn đề xây dựng thể chế. Ông Nguyễn Hồng Tuyến - Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp cho rằng, sự chuyển đổi nhận thức của Bộ VHTTDL trong xây dựng pháp luật là sự thành công bước đầu mà không phải Bộ nào cũng có.
Ông Nguyễn Hồng Tuyến nhấn mạnh, xây dựng văn bản quy định pháp luật là quy trình khó và dài, do đó, trong thời gian tới Bộ VHTTDL cần chú trọng tập huấn cho đội ngũ cán bộ về Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ông Nguyễn Hồng Tuyến cũng đề nghị Bộ quan tâm thêm một số vấn đề như: Tăng thêm biên chế cho đội ngũ làm công tác pháp chế; Thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để các bộ luật phải đảm bảo chất lượng tránh không bị gạt ra khi trình lên; Cần ký một quy chế với các đơn vị về công tác xây dựng pháp luật.
Ông Lương Anh Tấn - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ bày tỏ tin tưởng, với sự quan tâm đặc biệt của Lãnh đạo Bộ thì Bộ VHTTDL sẽ có nhiều tiến bộ trong xây dựng pháp luật của năm 2022. Trong đó, báo cáo Chương trình xây dựng pháp luật năm 2022 của Bộ là bản báo cáo có nghiên cứu kỹ, đánh giá đúng điểm nghẽn của công tác xây dựng thể chế.
"Trong nhiệm kỳ này, Bộ đã chuyển đổi tư duy làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa, điều này đã nói lên nhận thức của ngành về công tác xây dựng pháp luật" - ông Tấn nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, quá trình soạn thảo luật là quá trình thuyết phục lẫn nhau, đó đó cần phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa các bộ ngành và cơ quan liên quan.
Những việc đã làm là tín hiệu đáng mừng
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng một lần nữa nhấn mạnh, do xác định đúng và trúng chủ đề năm công tác 2021 là Năm Xây dựng cơ chế chính sách, Bộ đã tập trung vào nhiệm vụ xây dựng pháp luật; chuyển tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước bằng văn hóa, thông qua công cụ pháp luật. "Công việc xây dựng pháp luật và điều hành quản lý nhà nước của Bộ bằng pháp luật, tổ chức triển khai pháp luật trong năm 2021 đã đạt nhiều kết quả", Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng cho biết, Bộ VHTTDL luôn tuân thủ đầy đủ các quy trình xây dựng văn bản pháp luật, đặc biệt sau khi Chính phủ, Quốc hội có Chương trình Xây dựng pháp luật, từng bước đảm bảo tiến độ, chất lượng các văn bản luật với tư cách cơ quan soạn thảo. Bộ cũng luôn phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra, với tư cách là hai cơ quan cùng tổ chức thực hiện, đồng hành và tháo gỡ ngay từ đầu những vướng mắc. Đồng thời, bước đầu phát huy vai trò chuyên gia trong bối cảnh đang thiếu nguồn lực.
Nhờ những kết quả này, nhìn lại các yêu cầu đặt ra, các bộ luật được Quốc hội yêu cầu xây dựng, Bộ trưởng khẳng định, Bộ VHTTDL đã hoàn thành bước đầu và đảm bảo đúng tiến độ. Cụ thể, về Luật Điện ảnh sửa đổi, lãnh đạo Bộ vừa làm việc với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cơ bản các vấn đề còn có ý kiến khác nhau đã được tháo gỡ và đã thống nhất để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đúng tiến độ. Về Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Bộ đã làm việc với Uỷ ban Xã hội của Quốc hội để thẩm tra sơ bộ, từ đó có điều kiện hiệu đính, chỉnh lý và làm tốt hơn.
Điểm lại những công việc đã làm, Bộ trưởng cho rằng đó là những dấu ấn đáng mừng, là tín hiệu vui, khích lệ để các đơn vị quản lý Nhà nước am hiểu, tổ chức thực hiện tốt hơn công tác xây dựng và thực thi pháp luật trong năm 2022.
Cũng theo Bộ trưởng, bên cạnh những kết quả đạt được thì còn có nhiều hạn chế. Rõ nhất là chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật chưa cao, chưa sâu, chưa thực sự tạo động lực của sự phát triển. Bất cập này nếu không khắc phục thì sẽ dẫn đến tuổi thọ của các văn bản rất ngắn. Bộ trưởng lưu ý, dù rằng thực tiễn luôn vận động và phát triển nhưng nếu dự báo đúng, có tầm nhìn xa thì chúng ta sẽ khắc phục được vấn đề này.
Cần nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm xây dựng pháp luật
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng nêu rõ các nhóm nhiệm vụ cần tập trung trong công tác xây dựng pháp luật trong thời gian tới. Theo đó, mỗi lãnh đạo các Cục, vụ, Viện có chức năng tham mưu quản lý Nhà nước cần nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm xây dựng pháp luật nhằm tạo bước chuyển về nhận thức và hành động.
Sau Hội nghị này, mỗi đơn vị cần quán triệt về phương pháp, cách làm, quy trình, quy phạm, phân công cán bộ theo dõi mảng về tổ chức thực hiện pháp luật của lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý.
Với tinh thần vào cuộc từ sớm, từ xa, Bộ trưởng giao Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ Pháp chế căn cứ chương trình xây dựng pháp luật khẩn trương tham mưu để thành lập Ban nghiên cứu và Ban soạn thảo khi có điều kiện theo hướng Vụ Pháp chế là cơ quan chủ trì đầu mối; các Cục Vụ khác là đơn vị phối hợp, sử dụng chuyên gia.
Cùng với đó là tuân thủ định hướng của Ban cán sự Đảng Bộ VHTTDL, trước, trong và sau đều phải đảm bảo quy trình này để Ban cán sự Đảng chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền, kịp thời tháo gỡ khó khăn với các cơ quan liên quan.
Bộ trưởng cũng bày tỏ đồng tình đề xuất Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ Pháp chế đó là tổ chức tập huấn cho lãnh đạo các Cục, Vụ về công tác xây dựng pháp luật. Tại Hội nghị tập huấn này sẽ tăng cường đối thoại để tập trung tháo gỡ những vấn đề còn thắc mắc.
"Văn hóa là lĩnh vực rộng, bao trùm nên cần có sự phối hợp với các Bộ, ngành khác. Bộ VHTTDL trong thời gian qua đã ký các chương trình phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ủy ban Dân tộc của Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam… Chính vì vậy, các đơn vị cần tăng cường hiệu quả các chương trình phối hợp" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Ông Lê Thanh Liêm - Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, trong năm 2021, số lượng văn bản quy phạm pháp luật về VHTTDL được rà soát, đánh giá bao gồm: 7 luật, 52 Nghị định của Chính phủ, 48 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 279 Thông tư.
Cũng trong năm qua, Bộ VHTTDL đã xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền 3 dự án Luật. Triển khai tổng kết Luật Di sản văn hóa và Luật Quảng cáo. Xây dựng và trình Chính phủ 6 Nghị định, trong đó 4 Nghị định được ban hành trong năm 2021.
Năm 2022 được đánh giá là năm có số lượng văn bản quy phạm pháp luật khá lớn mà Bộ có trách nhiệm chủ trì xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền. Cụ thể là 3 Dự án Luật dự kiến trình Quốc hội thông qua (Luật Điện ảnh, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình). Nghiên cứu rà soát 3 dự án Luật là Luật Di sản văn hóa, Luật Quảng cáo, Luật Nghệ thuật biểu diễn. Trình Chính phủ 8 Nghị định.
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)