(TTCNTT) - Theo tổ chức Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, GDP toàn cầu ước tính thiệt hại khoảng 4,5 nghìn tỉ USD và mất đi hơn 60 triệu việc làm trong năm 2020, trong đó du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Hầu hết các điểm đến, khu du lịch của Việt Nam vắng bóng khách vì ảnh hưởng đại dịch Covid-19.
Thông tin này được đưa ra tại Tọa đàm về năng lực cạnh tranh và khả năng phục hồi của ngành Du lịch do tổ chức Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tổ chức mới đây.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi thông tin, phân tích dữ liệu và đưa ra các nhận định, xu hướng phát triển du lịch, từ đó giúp cho các cơ quan hoạch định ban hành các chính sách, định hướng phát triển du lịch bền vững hơn trong tương lai.
Tọa đàm tập trung thảo luận xoay quanh 4 nội dung chính gồm có: Khung chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành năm 2021, bao gồm cả tính bền vững; Những thách thức chủ yếu đối với ngành Du lịch do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; Khả năng phục hồi của ngành Du lịch; Chiến lược phát triển bền vững và nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành Du lịch.
Đánh giá cao sáng kiến tổ chức sự kiện của Diễn đàn Kinh tế thế giới về Tọa đàm này và thông tin về tình hình du lịch ở Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL,Việt Nam) Hà Văn Siêu cho biết: "Du lịch Việt Nam được xác định mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Năm 2019 ngành Du lịch đã đóng góp 9,2% GDP cả nước; năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam đứng thứ 63 trong tổng số 140 nền kinh tế tham gia xếp hạng. Giai đoạn 2015- 2019, ngành Du lịch Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 22,7%/năm và là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành Du lịch Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung và có thể phải cần 2 đến 3 năm nữa để hồi phục".
Nhận định về những thách thức phải đối mặt khi phục hồi và phát triển du lịch bền vững trong tương lai, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho rằng: Hiện nay, việc thiếu hụt lao động trong ngành Du lịch rất đáng lo ngại khi có đến 60-70% lực lượng lao động bị mất việc làm hoặc chuyển nghề khác do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Sẽ cần rất nhiều chi phí đào tạo cho lực lượng lao động mới và khó có thể đáp ứng được trong một thời gian ngắn nếu du lịch hoạt động trở lại. Cùng với đó, xu hướng đổi mới về sản phẩm và dịch vụ du lịch nhằm đảm bảo an toàn cho du khách trong bối cảnh bình thường mới cũng là một trong những thách thức, phát sinh chi phí đối với các doanh nghiệp du lịch đang gặp nhiều khó hiện nay.
Từ tháng 11/2021, Việt Nam đã bắt đầu thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc và một số địa phương khác theo hình thức tour trọn gói, sử dụng hộ chiếu vắc xin.
Với chủ trương và các chính sách thiết thực, Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ ngành sớm khôi phục hoạt động du lịch. Đây cũng là một cơ hội để ngành Du lịch tái cấu trúc; đổi mới lực lượng lao động có tay nghề, trình độ cao hơn, đặc biệt là ngoại ngữ và công nghệ sẽ góp phần làm tăng khả năng cạnh tranh; xây dựng hệ thống sản phẩm phù hợp với xu thế và tình hình mới.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách về tài chính, tài khóa và an sinh xã hội để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và hỗ trợ người lao động trong ngành Du lịch và sẽ tiếp tục có chương trình đầu tư phục hồi và phát triển kinh tế khác.
Chính phủ ưu tiên đầu tư đảm bảo điểm đến an toàn; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, phát triển điểm đến mới; đẩy mạnh công tác truyền thông về du lịch trong bối cảnh bình thường mới; áp dụng số hóa trong hoạt động du lịch và lữ hành; hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Chính phủ Việt Nam cũng chú trọng công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế carbon thấp, tạo điều kiện thuận lợi để du lịch phát triển bền vững hơn trong tương lai.
Theo Báo Văn hóa
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)