Hội nghị- Hội thảo được kết nối với các điểm cầu tại Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.
Bất cập trong sáp nhập các đơn vị chiếu phim
Tại Hội nghị- Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh đã báo cáo về hoạt động phát hành, phổ biến phim giai đoạn 2013- 2020. Theo đó, giai đoạn 2013-3030 là thời điểm điện ảnh Việt Nam thay đổi toàn diện. Số lượng các doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư vào Việt Nam tăng trên cả 3 thị trường: sản xuất phim, phát hành phim và phổ biến phim. Phim thương mại công chiếu ra thị trường đa dạng về nội dung; hệ thống rạp được xây dựng, đầu tư bài bản với cơ sở hạn tầng, máy móc, thiết bị kỹ thuật hiện đại tại nhiều thành phố lớn.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông chủ trì Hội nghị- Hội thảo Đổi mới và nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong công tác phát hành, phổ biến phim (ảnh Minh Khánh)
Năm 2021, mô hình tổ chức, đội ngũ cán bộ làm công tác phát hành phim của 63 tỉnh, thành có: 01 Công ty TNHH một thành viên; 05 Công ty cổ phần; 05 đơn vị sáp nhập với các ngành khác thành Trung tâm văn hóa; 54 Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng.
Cả nước có 93 rạp và cụm rạp với 214 phòng chiếu. Trong đó, 72 rạp chiếu phim với 104 phòng chiếu, 26.279 ghế ngồi do nhà nước quản lý. Hệ thống rạp chủ yếu là các rạp đơn lẻ, trang thiết bị lạc hậu, xuống cấp, hoạt động cầm chừng. Chỉ có Trung tâm Chiếu phim Quốc gia là cụm rạp hiện đại.
Công tác chiếu phim ở các địa phương chủ yếu vẫn là hoạt động chiếu phim lưu động. Đội ngũ này vẫn là đội quân xung kích quan trọng của địa phương, ngoài nhiệm vụ chính là chiếu phim, các chương trình điện ảnh còn kết hợp tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, hiện nay, 53/63 tỉnh, thành sáp nhập Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng vào Trung tâm Văn hóa hoặc sáp nhập 3 đơn vị là Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng và một số đơn vị khác. Tại nhiều địa phương đã nảy sinh không ít khó khăn trong hoạt động do chức năng của các đơn vị được sáp nhập có nhiều điểm chưa tương đồng, nhiệm vụ chồng chéo, khó sắp xếp vị trí việc làm, gây lúng túng trong hướng dẫn, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy, chế độ, chính sách đãi ngộ.
Bên cạnh đó, trang thiết bị kỹ thuật máy chiếu còn lạc hậu, phương tiện vận chuyển thiếu và cũ, kinh phí cấp cho từng buổi chiếu phim còn thấp, biên chế hạn hẹp và chưa được đào tạo bài bản, thiếu nguồn phim…
Trong nhiều năm, thị trường Điện ảnh Việt Nam phát triển mạnh nhưng chưa bền vững, vì hơn 70% doanh thu của thị trường điện ảnh đến từ phim nước ngoài, doanh thu phim trong nước đạt dưới 30%.
Thị trường điện ảnh nước nhà bị chèn ép trong sản xuất phim, cạnh tranh thiếu lành mạnh, gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong nước, ảnh hưởng giá trị văn hóa dân tộc và sự phát triển bền vững của ngành. Khách quan nhìn nhận, chúng ta chưa liên kết chặt chẽ các công đoạn từ sản xuất phim, phát hành phim và phổ biến phim. Nhà nước chưa có điều kiện đầu tư sâu, rộng, phim Việt Nam do các đơn vị điện ảnh sản xuất chưa thu hút được nhiều khán giả trong nước; chưa có chiến lược quy mô lớn để phát triển đồng bộ trong hoạt động giao lưu văn hóa và công tác phát hành, phổ biến phim ra nước ngoài.
Hoạt động phát hành, phổ biến phim gặp nhiều hạn chế về chính sách, nguồn nhân lực, ngân sách đầu tư, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị… Do đó, chưa phát huy hết thế mạnh, tiềm năng, nội lực sẵn có, từ đó, điện ảnh Việt Nam còn giữ khoảng cách khá xa trên con đường hội nhập quốc tế.
Cục Điện ảnh cũng đề xuất một số giải pháp như: thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước theo các văn bản như Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban chấp hành Trung ương lần thứ 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; xây dựng cơ chế, chính sách và nguồn vốn đầu tư; phát triển nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học và công nghệ về văn hóa nghệ thuật; Chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa…
Để điện ảnh Việt không thua trên "sân nhà"
Tại Hội nghị- Hội thảo, các đại biểu cũng đã tập trung đánh giá những hạn chế, bất cập trong công tác phát hành, phổ biến phim. Trong đó, đặc biệt là những bất cập trong việc sáp nhập các đơn vị phát hành, phổ biến phim tại các địa phương.
Ông Cao Xuân Du, Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Chiếu phim tỉnh Phú Thọ cho rằng, cần có sự thống nhất về mô hình tổ chức hoạt động điện ảnh chung trong cả nước. Tên gọi, cơ cấu tổ chức phù hợp và phản ánh đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mô hình tổ chức đó. Bên cạnh đó, cần có văn bản quy định cụ thể về cơ chế, chính sách, chế độ đãi ngộ cho người làm công tác phổ biến phim, chiếu phim lưu động, đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ chiếu phim ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, miền núi.
Toàn cảnh Hội nghị- Hội thảo Hội thảo Đổi mới và nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong công tác phát hành, phổ biến phim (ảnh Minh Khánh)
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm phát hành và phổ biến phim Hà Nội cho rằng, việc sáp nhập các đơn vị chiếu phim, các đơn vị văn hóa ở địa phương đã xảy ra nhiều bất cập. "Cục Điện ảnh, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) nên có văn bản hướng dẫn để hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của trung tâm văn hóa, chiếu phim, phải có mô hình cụ thể và chung trên cả nước, nếu không mỗi tỉnh một khác"- ông Hà nói.
Ông Nguyễn Danh Dương, Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia thì lo ngại việc Điện ảnh Việt Nam mất thị phần ngay trên "sân nhà".
Theo ông Dương, các công ty nước ngoài ồ ạt đầu tư vào xây dựng các cụm rạp chiếu phim ở nước ta với số lượng cụm rạp, phòng chiếu hiện đại. Điều này khiến các cơ sở chiếu phim của Việt Nam gần như tê liệt, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động điện ảnh, sự phát triển của Điện ảnh Việt Nam, văn hóa Việt Nam. "Phim Việt Nam khi sản xuất ra khó vào được hệ thống rạp của họ, nếu có vào được thì số suất chiếu cũng chỉ mở mức tối thiểu và chịu một tỉ lệ phân chia lợi nhuận không công bằng dẫn đến những người làm phim Việt Nam không thể thu hồi vốn"- ông Dương nhận định.
Đại diện công ty BHD thì cho rằng, nước ta chưa có chính sách hỗ trợ việc phát hành, phổ biến phim như giảm thuế…mà để doanh nghiệp tự vận hành. Việc đầu tư cho điện ảnh chứa nhiều rủi ro, lại không có chính sách ưu đãi khiến các doanh nghiệp không mặn mà. Đại diện công ty này đề xuất, nên có chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, đầu tư cho điện ảnh.
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đánh giá cao các ý kiến phát biểu, đóng góp tại Hội nghị- Hội thảo. Thứ trưởng cho rằng, những ý kiến đã phản ánh đúng thực trạng của việc phát hành, phổ biến phim tại Việt Nam đồng thời kiến nghị chính sách cho đơn vị phát hành phim lưu động và những giải pháp hiệu quả, thiết thực, để nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong công tác phát hành, phổ biến phim.
Thứ trưởng cho biết, trong thời gian tới, trong tháng 1/2022, Bộ VHTTDL sẽ tổ chức họp chuyên đề về quy định tỉ lệ phân chia lợi nhuận khi phát hành phim Việt Nam nhằm có những ý kiến hợp lý, hài hòa, đảm bảo quyền lợi giữa các bên, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh.
Hồng Hà
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)