Phát triển ngành công nghiệp văn hóa là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia với những bước đi cụ thể về tầm nhìn, quyết sách đầu tư, nghệ thuật tuyên truyền, quảng bá, cách thức chinh phục thị trường. Ở Việt Nam hiện nay, việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa đang trở thành một yêu cầu cấp thiết. Trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định mục tiêu cụ thể phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam như sau: “Phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 3% cho GDP và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, cụ thể các ngành như: Điện ảnh đạt 150 triệu USD; Nghệ thuật biểu diễn đạt 16 triệu USD; Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đạt 80 triệu USD; Quảng cáo đạt 1.500 triệu USD; Du lịch văn hóa chiếm 10 - 15% trong số 18.000 triệu USD doanh thu từ khách du lịch”.
Công nghiệp văn hóa - ngành kinh tế đặc biệt
Trong tham luận gửi tới Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11, TS Lê Thị Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, công nghiệp văn hóa sớm được coi là một ngành kinh tế đặc biệt bởi những minh chứng từ các nước có ngành công nghiệp văn hóa phát triển mang lại siêu lợi nhuận. Công nghiệp văn hóa với tư cách là một lĩnh vực công nghiệp nên lợi ích kinh tế được chú trọng quan tâm.
TS Lê Thị Ngọc Điệp lấy dẫn chứng từ một số quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc, công nghiệp văn hóa đóng góp nguồn thu nhập lớn cho tổng sản phẩm trong nước (GDP). Cụ thể, Nhật Bản đầu tư có trọng điểm vào các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp doanh thu hằng năm khoảng 7%, thu hút 5% nhân công lao động của toàn quốc; nhấn mạnh vào các lĩnh vực nổi bật đặc trưng của đất nước là truyện tranh Manga, Anime, phim hoạt hình với doanh thu hợp đồng bản quyền và các sản phẩm có liên quan.
Hàn Quốc nổi tiếng với chiến lược xuất khẩu lớn về văn hóa đại chúng thông qua phim ảnh và âm nhạc
Tại Hàn Quốc, nổi tiếng với chiến lược xuất khẩu lớn về văn hóa đại chúng, phim ảnh và ca nhạc từ những năm 1990, sau đó tạo hiệu ứng thu hút phát triển du lịch mạnh mẽ cùng với các sản phẩm văn hóa liên quan như ẩm thực, trang phục, mỹ phẩm... mang thương hiệu Hàn Quốc; qua đó đóng góp của lĩnh vực công nghiệp văn hóa cho GDP là hơn 6% và có xu hướng tăng trong những năm sau.
Hiệu ứng lan tỏa từ sản phẩm công nghiệp văn hóa trực tiếp đến người dùng đã đóng góp lợi nhuận cao, đặc biệt hiệu ứng gián tiếp thông qua các sản phẩm văn hóa cũng có đóng góp đáng kể như mỹ phẩm “Made in Korea” xuất khẩu ra nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó các sản phẩm văn hóa Hàn Quốc cũng góp phần nâng cao uy tín quốc gia và khẳng định vai trò đóng góp quan trọng của công nghiệp văn hóa vào sự phát triển của nền kinh tế - tiềm lực phát triển bền vững đất nước.
Theo TS Lê Thị Ngọc Điệp, Việt Nam đã đề ra mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành những ngành kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm cho xã hội.
"Bố già" và "Hai Phượng" với doanh thủ "khủng", đóng góp không nhỏ vào kinh tế.
Năm 2019, lần đầu tiên, Việt Nam lọt top 60 nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới, do công ty dịch vụ thông tin danh tiếng Bloomberg xếp hạng dựa trên 7 tiêu chí phổ quát. Bên cạnh đó, các ngành khác của công nghiệp văn hóa cũng tăng trưởng mạnh mẽ, không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn thúc đẩy, quảng bá các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới, tiêu biểu phải kể đến các lĩnh vực ẩm thực (các món: phở, bánh xèo, cà phê phin...), trang phục (thế giới biết đến Việt Nam với áo dài, nón lá...), điện ảnh (các bộ phim tham gia liên hoan phim quốc tế: “Mùi đu đủ xanh”, “Chào buổi sáng, Việt Nam”...; mang lại doanh thu “khủng” như “Hai Phượng”, “Bố già”...)...
Cũng trong năm này, thống kê riêng của các rạp chiếu phim lớn trên cả nước, tổng doanh thu màn ảnh Việt đạt trên 4.100 tỷ đồng, tương ứng khoảng 178 triệu USD.
Người Việt vẫn ưu ái hàng “ngoại” nhiều hơn “nội”
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trường phụ trách Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, công nghiệp văn hóa Việt Nam cũng đang phát huy tương đối hiệu quả các thành tố sức mạnh mềm văn hóa thông qua hoạt động của các ngành công nghiệp văn hóa, dần rút ngắn khoảng cách cạnh tranh với các nền công nghiệp văn hóa trên thế giới, góp phần gia tăng sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, các ngành công nghiệp văn hóa chưa phát huy tiềm năng, lợi thế về nguồn tài nguyên mềm văn hóa.
“Việt Nam có quy mô dân số gần 100 triệu người là một thị trường tiềm năng các sản phẩm công nghiệp văn hóa nội địa, nhưng thực tế cho thấy, sức tiêu dùng của người Việt đối với các sản phẩm công nghiệp văn hóa vẫn ưu ái hàng “ngoại” nhiều hơn “nội”. Có thể thấy, các sản phẩm công nghiệp văn hóa Việt Nam thiếu đi sự độc đáo, tính ứng dụng và cách thể hiện sống động bản sắc văn hóa. Do đó, chưa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và tiêu dùng văn hóa ngày càng cao người dân trong nước. Điều này dẫn đến thị trường văn hóa trong nước đang bị xâm lấn bởi các sản phẩm công nghiệp văn hóa đến từ các cường quốc văn hóa cùng khu vực châu Á với Việt Nam như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc”, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương nhận định.
Liên hoan nghệ thuật múa Rồng Hà Nội năm 2020 tại phố đi bộ Hồ Gươm.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, hạ tầng cơ sở phong phú giàu bản sắc và 198 không gian sáng tạo đa dạng các biểu đạt phân bố trên toàn quốc là một lợi thế để Việt Nam khai thác chuyển hóa thành sức mạnh mềm văn hóa ở sức hấp dẫn, khả năng kết nối. Tuy nhiên, đổi mới thể chế chưa quyết liệt trong việc mở cửa cho việc đầu tư mạnh vào khu vực tư nhân, các rào cản thể chế chưa được phá vỡ hướng tới sự kết hợp công tư trong khai thác và phát huy hiệu quả kết cấu hạ tầng và các không gian sáng tạo văn hóa. Chỉ có hai cơ sở vật chất và không gian văn hóa là Bảo tàng Hồ Chí Minh và phố đi bộ Hồ Gươm được đánh giá ở mức phát huy khá tốt.
Hướng tới mục tiêu văn hóa sẽ đóng góp 7% GDP vào năm 2030
Phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24/10, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh quyết tâm xây dựng văn hóa trong thời gian tới để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh phát triển và bảo vệ đất nước. Để làm được điều này, ông kiến nghị Đảng, Nhà nước quan tâm đầy đủ để bộ thực hiện nhiều nhiệm vụ lớn của ngành văn hóa, hướng tới mục tiêu văn hóa sẽ đóng góp 7% GDP vào năm 2030. Ông cũng đề nghị được hỗ trợ xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.
Dựa trên tình hình thực tiễn của Việt Nam, cũng như căn cứ vào kinh nghiệm quốc tế, trong thời gian tới, muốn phát huy hiệu quả sức mạnh mềm văn hóa thông qua chuyển hóa các tài nguyên văn hóa thành các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương đề xuất một số giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa như sau:
Một là hoàn thiện khung thể chế, chính sách, tháo gỡ kịp thời những rào cản, vướng mắc, khó khăn, hình thành khung khổ pháp lý, thể chế nhằm phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực cho công nghiệp văn hóa phát triển theo hướng đáp ứng yêu cầu thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập quốc tế.
Hai là hoàn thiện thị trường văn hóa, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa. Có cơ chế ưu đãi, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế, như: điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, du lịch văn hóa...; Thúc đẩy phát triển các loại hình nghệ thuật đương đại, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp văn hóa...
Ba là đổi mới cơ chế đầu tư tài chính trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Vấn đề tạo ra “không gian sáng tạo” hay môi trường sáng tạo cũng là một giải pháp quan trọng cho việc phát huy sức mạnh mềm văn hóa nước ta hiện nay. Việc bồi dưỡng năng lực sáng tạo và tạo môi trường sáng tạo cho những tài năng văn hóa (văn nghệ sĩ, trí thức khoa học công nghệ) cũng là giải pháp rất căn bản của sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa bên cạnh các giải pháp khác.
Bốn là đầu tư phát triển hạ tầng các ngành công nghiệp văn hóa. Việc phát triển các hạ tầng cơ sở sẽ giúp Việt Nam bảo đảm nền tảng số hóa thuận lợi cho sự phát triển các nguồn lực quyền lực mềm, gia tăng khả năng và cách thức tiếp cận đến đối tượng, mang lại năng lực thích ứng nhanh trước các xu hướng thị trường trong ngành công nghiệp văn hóa.
Cuối cùng, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương đề xuất giải pháp đổi mới phương thức khai thác, tăng cường kết nối truyền thống với hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phân phối các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, trong phát triển công nghiệp văn hóa, chỉ dựa vào văn hóa truyền thống sẽ không thực sự giúp ích cho sự gia tăng sức cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường văn hóa từ đó gia tăng sức mạnh mềm văn hóa của bất cứ quốc gia nào. Vì vậy, việc phát huy sức mạnh mềm văn hóa hiện nay đang ngày càng hướng đến tạo dựng bản sắc quốc gia vừa gắn với truyền thống vừa mang tính mới tương thích với các giá trị chung của toàn cầu trong một thế giới đa văn hóa, dung hợp văn hóa, ngày càng mở và đa dạng.
Theo VOV
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)