Một cảnh trong phim “Mắt biếc” - tác phẩm đoạt giải Bông sen vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII.
Nỗ lực ghi dấu ấn
Cuộc tụ hội điện ảnh tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII phản ánh rõ thực trạng của điện ảnh Việt Nam hiện nay. Trong số 126 phim tham gia, có 92 phim dự thi, gồm 17 phim truyện, 37 phim tài liệu, 15 phim khoa học, 23 phim hoạt hình. Những tác phẩm điện ảnh nổi bật nhất hai năm qua đều xuất hiện tại đây.
Ở thể loại được quan tâm nhất là phim truyện, tuy gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, nhưng các nhà làm phim vẫn cho ra đời những tác phẩm đa dạng về đề tài, với nhiều sáng tạo, đầu tư về công nghệ. Nhiều phim thuần Việt vừa có doanh thu cao, vừa bảo đảm chất lượng nghệ thuật, tiêu biểu như: “Mắt biếc” (Bông sen vàng), “Bố già” (Bông sen bạc), “Gái già lắm chiêu V” (giải Nữ diễn viên chính xuất sắc)… Bên cạnh phim của các nhà sản xuất tư nhân thiên về đề tài tình cảm gia đình, tình yêu, tâm lý xã hội, kinh dị, hành động, võ thuật…; điện ảnh Việt Nam vẫn có phim về chiến tranh cách mạng (“Bình minh đỏ”), hậu chiến (“Khúc mưa”), lực lượng vũ trang (“Con đường có mặt trời”)…
Liên hoan lần này chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của phim tài liệu, phim khoa học. Những biến động trong đời sống hai năm qua trở thành đề tài để các nghệ sĩ dấn thân thể hiện và cho ra mắt những tác phẩm thành công. Điển hình như phim “Ranh giới”, “Cuộc chiến không giới hạn”, “Lũ miền núi”… Ngoài ra, phim về văn hóa, lịch sử có nhiều tác phẩm gây chú ý, như: “Đoạn trường vinh hoa” về những người làm sân khấu truyền thống; “Đại thi hào Nguyễn Du” về tác giả kiệt tác “Truyện Kiều”; “Phim đỏ” về những nhà làm phim, quay phim chiến trường…
Điện ảnh hoạt hình có nhiều bước tiến trong kỹ xảo để tạo hiệu ứng và tính hấp dẫn cho tác phẩm, trong đó tiêu biểu có các phim “Truyền thuyết gươm thần”, “Người thầy của muôn đời”, “Con chim gỗ”, “Ánh sáng không bao giờ tắt”…. Phim hoạt hình với đủ các hình thức như 2D, 3D, cắt giấy vi tính, thời lượng chủ yếu 10 phút, 20 phút, 30 phút được khán giả đánh giá khá cao.
Khán giả nước nhà cũng được chứng kiến nhiều thử nghiệm, tìm tòi nghệ thuật mới mẻ trong điện ảnh, như: Kỹ thuật “one-shot” (một cú máy) - phim truyện “Kiều @”; làm phim tài liệu nghệ thuật (tái tạo bối cảnh, có diễn viên đóng) - phim “Đại thi hào Nguyễn Du”; làm phim hoạt hình triết lý không thoại - phim “Con chim gỗ”…
Theo dõi các tác phẩm điện ảnh Việt Nam nổi bật hai năm qua trên ứng dụng VTVGo (Đài Truyền hình Việt Nam), chị Đinh Thu Hà (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Phim Việt Nam hiện nay rất hấp dẫn, hình ảnh đẹp, kỹ xảo tốt... Đặc biệt, nhiều phim có nội dung gần gũi, thiết thực, được truyền tải tinh tế, xúc động”.
Đoàn làm phim “Cuộc chiến không giới hạn” thực hiện cảnh quay tại xã Mê Linh (huyện Mê Linh) trong thời điểm nơi đây là tâm dịch của thành phố Hà Nội.
Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh
Ở liên hoan phim lần này, những vấn đề trăn trở của điện ảnh Việt Nam trước đây đã được giải quyết và cần tận dụng, phát huy. Nghệ sĩ ưu tú, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, Chủ tịch Ban Giám khảo phim truyện đánh giá, chất lượng phim truyện dự thi kỳ này được nâng cao và đồng đều, khiến Ban Giám khảo phải “so lũy tre chọn cột cờ”. Có nhiều phim dung hòa được yếu tố nghệ thuật và thị trường, đem đến sự rung động cho khán giả bằng những hình ảnh đẹp, diễn xuất xúc động, câu chuyện nhân văn, thông điệp ý nghĩa… “Chúng ta đang có một thế hệ đạo diễn trẻ tài năng, được đào tạo nghiêm túc ở trong và ngoài nước, có nhiều ý tưởng sáng tạo, là nhân tố quan trọng để phát triển điện ảnh”, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn kỳ vọng.
Về mảng phim tài liệu, phim khoa học, theo Nghệ sĩ nhân dân Lê Hồng Chương, Chủ tịch Ban Giám khảo phim tài liệu, phim khoa học, những điểm “nóng”, những vấn đề đang trực tiếp tác động đến đời sống là thách thức, song cũng là cơ hội cho các nhà làm phim. Những tác phẩm ăm ắp tư liệu, mở cánh cửa sự thật, đem đến thông tin hữu ích, thông điệp nhân văn mới gây chú ý và thuyết phục được khán giả. Do đó, các nhà làm phim cần dấn thân, tìm tòi cách thể hiện qua ngôn ngữ hình ảnh. Còn theo Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thị Phương Hoa, Chủ tịch Ban Giám khảo phim hoạt hình thì thể loại này phụ thuộc nhiều vào kỹ xảo. Vì vậy, bên cạnh chú trọng nội dung nhân văn, các nhà làm phim phải thường xuyên cập nhật công nghệ mới để đem đến trải nghiệm hấp dẫn cho khán giả.
Ở góc nhìn của diễn viên, Nghệ sĩ nhân dân Lê Khanh chia sẻ, bản thân khi tham gia hoạt động điện ảnh cũng phải học hỏi ở các nghệ sĩ trẻ và luôn trau dồi diễn xuất để bắt nhịp với đời sống, nhu cầu của khán giả đương đại. Sự kết hợp giữa lối diễn truyền thống và hiện đại sẽ tạo nên những tác phẩm đặc sắc, có dấu ấn của điện ảnh Việt Nam.
Để tiếp tục xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn, đưa điện ảnh Việt Nam hội nhập quốc tế, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, Bộ luôn tạo điều kiện và khuyến khích các nhà làm phim sáng tạo tác phẩm mới, đồng thời tích cực huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia hoạt động điện ảnh, tổ chức các sự kiện điện ảnh trong nước và quốc tế, các cuộc thi sáng tác kịch bản điện ảnh…
Theo hanoimoi.com.vn
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)