Đến dự Hội nghị có: ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; các Ủy viên BCH trung ương Đảng, các lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban nhân dân, MTTQ VN các tỉnh, thành phố.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết: Phiên họp buổi sáng đã đánh giá hết sức hệ thống, cơ bản và rất phong phú về việc đánh giá kết quả 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Chúng ta đã làm rõ những vấn đề về lý luận và thực tiễn về vai trò của văn hóa trong sự phát triển bền vững đất nước; đã nghiên cứu thảo luận về những thành tựu, hạn chế trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam; xác định những nội dung cụ thể và đề xuất những kiến nghị, những giải pháp khả thi, thiết thực để góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước đặt ra, làm sao để thực hiện được các quan điểm như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu. Chúng ta phải tiếp tục quán triệt sâu sắc, kế thừa truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam; kế thừa đường lối của Đảng ta về văn hóa, tiếp tục phát triển với tinh thần đổi mới, tư duy mới, kế thừa đổi mới và sáng tạo. Đó là những quan điểm văn hóa soi đường cho quốc dân đi, quan điểm văn hóa phải là một mặt trận rất quan trọng; phải mang tính dân tộc, khoa học và đại chúng.
Thời kỳ đổi mới, quan điểm của Đảng ta về văn hóa xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, văn hóa phải là một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Đại hội lần thứ XIII của Đảng ta tiếp tục phát triển tư duy mới, xác định văn hóa phải thực sự là nền tảng tinh thần cho xã hội và soi đường cho quốc dân đi; khẳng định văn hóa con người là sức mạnh nội sinh để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Nội dung cốt lõi của văn hóa chính là xây dựng con người. Xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là vấn đề trung tâm, vừa là động lực, vừa là nguồn lực quan trọng nhất để cho sự nghiệp CNH, HĐH, hội nhập quốc tế để đến giữa thế kỷ XXI Việt Nam trở thành một nước phát triển theo định hướng XHCN.
Đặc biệt, những ý kiến phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tất cả những tâm huyết, chỉ đạo không những đã cụ thể hóa đường lối Đại hội XIII mà còn nhiều vấn đề mang tầm chiến lược để chúng ta xây dựng nền Văn hóa đến giữa thế kỷ XXI.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: "Với những nội dung quan trọng, sâu sắc và mang tầm chiến lược, xuyên suốt thời kỳ đổi mới với những tình cảm sâu sắc và kỳ vọng, mong muốn của Tổng Bí thư và của Đảng ta đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, với tinh thần tiếp tục phát huy những thành công, tâm huyết của phiên sáng, phiên chiều cần tập trung thảo luận và làm rõ những vấn đề sau:
Tập trung quán triệt triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Văn hóa đến năm 2030. Đề nghị phải tiếp tục quán triệt sâu sắc ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị, tiếp tục làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về vai trò văn hóa trong sự phát triển nhanh, bền vững đất ước.
Tìm ra những giải pháp cụ thể, phù hợp để tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức về văn hóa. Chuyển hóa nhận thức bằng hành động, đưa phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa phát triển sâu rộng, thực chất, thực sự là một phong trào tự nguyện tự giác của người dân, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng.
Đội ngũ Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức phải nêu gương trong thực hiện văn hóa, đạo đức làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động của xã hội. Mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội chủ nghĩa, soi đường cho quốc dân đi.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cũng cho rằng, việc thực hiện đường lối quan điểm của Đảng về văn hóa trong thực tiễn còn chậm. Phải làm rõ nguyên nhân vì sao, do cơ chế chính sách, do cụ thể hóa bằng pháp luật hay tổ chức thực hiện các phong trào, đào tạo hay còn những điểm nghẽn nào khác…
Trưởng Ban Tuyên giáo cho biết, sắp tới, sẽ tổng kết Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về phát triển văn hóa con người Việt Nam. Nếu chậm thì lại có tội với Đảng, nhân dân.
Bên cạnh đó, Hội nghị cũng cần làm rõ những thành tựu hạn chế trong việc thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối chủ trương của Đảng thành hệ thống pháp luật; cơ chế chính sách đồng bộ khả thi, tạo môi trường điều kiện thuận lợi để khơi dậy tinh thần cống hiến, đổi mới, sáng tạo của nhân dân và đặc biệt của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức.
Tìm ra giải pháp cụ thể phù hợp để xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa, nhất là môi trường văn hóa đoàn kết dân chủ kỷ cương, nhân văn, trọng tâm là văn hóa xã hội lành mạnh, phát huy giá trị tích cực của thuần phong mỹ tục, của gia đình, cộng đồng và xã hội.
Chú trọng hoạt động bảo vệ phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc nói chung, phát triển một số lĩnh vực văn hóa; phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa, phát huy vai trò truyền thông, chủ động hội nhập hợp tác và giao lưu quốc tế về văn hóa.
Ông Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị các ý kiến tham gia đóng góp các giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa và đội ngũ văn nghệ sĩ, tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới của đất nước.
Công tác lãnh đạo, quản lý văn hóa đòi hỏi đội ngũ cán bộ có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, am hiểu về lĩnh vực chuyên môn, có khả năng quy tụ vận động và thuyết phục các tầng lớp nhân dân. Đội ngũ tri thức, văn nghệ sĩ tham gia phát triển văn hóa, xây dựng con người cần có quy hoạch khoa học, bồi dưỡng đào tạo kỹ lưỡng, chọn lọc, bố trí hợp lý, khắc phục tình trạng chắp vá, thiếu hụt cán bộ văn hóa.
Đối với văn hóa chuyên nghiệp, văn hóa quần chúng… cần phải đổi mới trong công tác cán bộ và đào tạo.
Trưởng Ban Tuyên giáo Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, Hội nghị Văn hóa toàn quốc là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục làm sáng tỏ thêm những vấn đề cụ thể về các chủ trương, giải pháp để quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII cũng như phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư bằng hành động cụ thể, thể hiện bằng các chiến lược của Chính phủ về Phát triển Văn hóa đến 2030.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã báo cáo về việc tổ chức, triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.
Theo Bộ trưởng cho biết, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Trong đó, mục tiêu của Chiến lược là xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những tác động to lớn với kinh tế, xã hội và con người của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng…
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền, các đối tượng chính sách và yếu thế; chú trọng phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng thời hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa gắn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế; có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, huy động nguồn lực để phát triển văn hóa, con người.
Đến năm 2030, phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa gồm: Trung tâm Văn hóa hoặc Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật, bảo tàng, thư viện; 100% đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có Trung tâm Văn hóa – Thể thao.
Phấn đấu ít nhất 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo; có ít nhất 5 di sản được UNESCO ghi danh theo công ước của UNESCO.
Bảo đảm ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, 80% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, nghe, xem các kênh phát thanh, kênh truyền hình của quốc gia và địa phương.
Hàng năm có 10-15 công trình nghiên cứu lý luận phê bình văn học, nghệ thuật chất lượng được công bố.
Doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP…
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết thêm, để đạt mục tiêu trên, Chiến lược đề ra 11 nhiệm vụ và giải pháp như: Nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyền truyền về phát triển văn hóa; hoàn thiện thể chế, chính sách, khung pháp lý; xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc; hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa.
Ngoài ra, Chiến lược còn đề cập đến tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung tham luận về những vấn đề như: Tìm hiểu động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa trong sự phát triển của đất nước hiện nay; Để văn hóa, văn nghệ soi đường cho quốc dân đi; Xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới; Phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Hội nghị văn hóa toàn quốc được tổ chức sau nhiều năm trông đợi nhằm ghi nhận lại vai trò của văn hóa, đồng thời là dịp để nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá những thiếu sót từ đó thống nhất nhận thức, quan điểm, hành động để chấn hưng văn hóa.
"Sau hội nghị này, chúng ta mong tất cả người dân Việt Nam đều được truyền cảm hứng, trách nhiệm và niềm tin để cho văn hóa nước nhà phát triển rực rỡ hơn"- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cho rằng, từ Hội nghị văn hóa toàn quốc lần đầu tiên năm 1946 cho đến nay, và sau này vẫn có nhiều vấn đề cần nhắc lại, tưởng cũ nhưng không cũ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Chưa bao giờ câu nói "Văn hóa còn thì dân tộc còn" lại quan trọng và sâu sắc như lúc này. Các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về văn hóa bám sát thực tiễn và yêu cầu phát triển, nhưng khâu tổ chức thực hiện của chúng ta còn yếu kém, trong đó có vấn đề về nhận thức. Vì vậy chúng ta cần sớm có những giải pháp thiết thực để chấn hưng văn hóa mà nền tảng là hạnh phúc của nhân dân. Cần tạo ra môi trường văn hóa cổ vũ cho cái mới, cái sáng tạo, tôn trọng sự khác biệt để tất cả mọi tài năng được phát huy, bừng nở. Nói đến văn hóa còn là nói đến con người, nói đến con người là nói đến giáo dục, vì vậy việc đổi mới căn bản về giáo dục là công việc cấp bách. Phó Thủ tướng nhấn mạnh chúng ta cần phải dành cho văn hóa nhiều thời gian và nhiều nguồn lực hơn nữa và đề nghị tất cả các hội văn học, nghệ thuật cùng Bộ VHTTDL sau Hội nghị này có nhiều chương trình thiết thực, chắc chắn, lâu dài phát triển văn hóa, với niềm tin xây dựng nền văn hiến Việt Nam bừng sáng, hòa vào trong dòng chảy chung của nhân loại.
"Văn hóa làm gương, những người làm văn hóa cố gắng phấn đấu là tấm gương, tôi rất mong muốn các cấp, các ngành bằng hành động cụ thể để chú trọng hơn đến văn hóa, hãy lắng nghe ý kiến của những người nghiên cứu về văn hóa trước khi đưa ra ý kiến của mình. Tôi xin đề nghị tất cả cùng với Bộ VHTTDL làm sao có thật nhiều hoạt động, chương trình thiết thực, chắc chắn, thực hiện nhiều năm, thực hiện nhiều bước, lan tỏa tinh thần, đề cao giá trị truyền thống của dân tộc, khiêm tốn, bồi dưỡng thêm tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, phát triển nền văn hóa, văn hiến Việt Nam sẽ hòa vào dòng chảy của văn minh nhân loại"- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Tin: Hồng Hà- Ảnh: Nam Nguyễn
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)