An toàn đến đâu mở đến đó
Theo thống kê, do tác động của dịch COVID-19, thiệt hại của ngành du lịch trong năm 2020 và 2021 rất lớn. Từ một ngành đạt tăng trưởng đạt trên 2 con số, đóng góp hiệu quả, quan trọng với hơn 9% vào GDP cả nước, từ khi đại dịch bùng phát, ngành du lịch gần như "tê liệt". Năm 2020 - 2021, lượng khách quốc tế giảm 80 - 90%. Về khách nội địa, năm 2020 có 85 triệu lượt khách, năm 2021 lượng khách cũng đã giảm đáng kể; hàng loạt doanh nghiệp, đại lý lữ hành phải đóng cửa, người lao động đã mất việc làm….
Từng bước đưa ngành du lịch vượt qua khó khăn, từ tháng đầu tháng 9/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành kế hoạch triển khai các chính sách, biện pháp kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành, trước mắt tập trung cho du lịch nội địa. Việc khởi động lại các hoạt động du lịch có ý nghĩa quan trọng, nhất là đối với doanh nghiệp, nhằm từng bước vượt qua khó khăn trong điều kiện bình thường mới. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quán triệt chủ trương thực hiện lộ trình mở cửa, khôi phục lại hoạt động du lịch phải theo phương châm "an toàn đến đâu mở đến đó, mở cửa phải an toàn".
Các địa phương nắm bắt cơ hội này đã triển khai nhiều hoạt động kích cầu du lịch lịch nội địa. Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhanh chóng phát động "Chương trình khôi phục du lịch nội địa toàn quốc khắc phục hậu quả đại dịch COVID-19 lần 4" với chủ đề "Kết nối xanh du lịch Việt Nam". Tỉnh Phú Yên tổ chức tọa đàm trực tuyến "Phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới". Tỉnh Quảng Bình ban hành văn bản khung về khôi phục du lịch trong trạng thái "bình thường mới". Thành phố Đà Nẵng hoàn thiện phương án, lộ trình về việc mở cửa trở lại các hoạt động du lịch, dịch vụ…
Kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc (Kiên Giang) là điểm nhấn đặc biệt của ngành du lịch sau thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19
Đáng chú ý, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch phục hồi du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch COVID-19 giai đoạn cuối năm 2021 và năm 2022. Theo kế hoạch này, từ trung tuần tháng 11 đến 31/12/2021), TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh du lịch nội vùng và mở du lịch liên tỉnh, dành cho khách tự đi nội vùng hoặc đi theo đoàn; khách liên tỉnh đi theo đoàn. Hoạt động lưu trú được phép mở 70% công suất, điểm tham quan được hoạt động với công suất tối đa 70%. Sang giai đoạn 3 (trong năm 2022), TP Hồ Chí Minh khôi phục tất cả sản phẩm du lịch, không giới hạn loại hình, quy mô và phạm vi hoạt động.
Thủ đô Hà Nội xây dựng 3 giai đoạn mở cửa du lịch dựa trên hướng dẫn "thích ứng an toàn với dịch COVID-19" của Bộ Y tế. Theo đó, Hà Nội cho phép mở cửa các cơ sở lưu trú, điểm đến du lịch, công ty lữ hành, vận chuyển đủ điều kiện hoạt động trở lại. Sau khi chuyển sang giai đoạn "bình thường mới", Hà Nội sẽ đánh giá tình hình và kiến nghị tiếp tục mở cửa du lịch theo giai đoạn 4, cho phép doanh nghiệp du lịch hoạt động lại bình thường, được đón khách tại các địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh.
Điểm nhấn Phú Quốc
Trong các giải pháp kích cầu du lịch, kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc (Kiên Giang) là điểm nhấn đặc biệt của ngành du lịch sau thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Để chuẩn bị cho sự kiện này, 100% người dân, người lao động ở Phú Quốc đã được tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19, dự kiến sẽ hoàn thành tiêm chủng mũi 2 trong tháng 11/2021 tức là đạt miễn dịch cộng đồng, sẵn sàng đón khách du lịch.
Tỉnh Kiên Giang cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thống nhất thời điểm bắt đầu thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc là cuối tháng 11/2021. Trước đó, Tổng cục Du lịch cùng nhóm chuyên gia từ Canada, Philippines, Hàn Quốc và Việt Nam xây dựng chương trình truyền thông, quảng bá thu hút khách quốc tế đến Phú Quốc, cũng như chuẩn bị từng bước mở cửa hoàn toàn du lịch nước ta.
Chương trình truyền thông thí điểm mở cửa đón khách vào Phú Quốc có tên là "Roam Phu Quoc - "Khám phá/du ngoạn Phú Quốc", hướng đến các thị trường khách du lịch mục tiêu của Việt Nam (Đông Bắc Á, châu Âu, châu Mỹ và châu đại dương).
Cùng với việc mở cửa thí điểm Phú Quốc, chiến dịch quảng bá chuẩn bị cho giai đoạn mở cửa hoàn toàn Việt Nam sẽ có chủ đề "Live Fully in Vietnam - Sống trọn vẹn tại Việt Nam", nhằm tiếp tục đẩy mạnh quảng bá thương hiệu du lịch "Việt Nam: Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận" (Vietnam - Timeless Charm).
Đến thời điểm này, mọi công việc chuẩn bị cho việc thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc đã được hoàn tất. Tổng cục Du lịch tiếp tục lấy ý kiến đóng góp để sớm trình cấp có thẩm quyền thông qua trong thời gian sớm nhất. Khi có đầy đủ các thông tin về phòng, chống dịch, quy định đi lại, đón tiếp, phục vụ du khách đảm bảo an toàn, Tổng cục Du lịch sẽ tiến hành truyền thông cho doanh nghiệp, người lao động, dân cư ở Phú Quốc. Toàn bộ các thông tin quảng bá gồm clip, thông tin trên web, kênh truyền thông số sẽ gửi đến các đầu mối, kênh tuyền thông quốc tế, đại diện Việt Nam ở nước ngoài để tiến hành xúc tiến, thu hút du khách.
Tất cả những nội dung truyền thông về kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc đã được thông báo đến cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Bộ Ngoại giao đã tổ chức cuộc họp trực tuyến, kết nối ngành du lịch đến với các vị đại sứ, đại diện cơ quan ngoại giao ở các thị trường trọng điểm ở khắp các châu lục, chia sẻ thông tin từ khắp các địa bàn với những đặc thù riêng để ngành du lịch cân nhắc từng thị trường, đặc biệt là các quy định liên quốc gia, liên thông các chứng nhận an toàn COVID-19 để vừa thuận tiện, vừa an toàn cho cả du khách và ngành du lịch nước ta.
Sau khi thí điểm đón khách quốc tế vào Phú Quốc, ngành du lịch sẽ đánh giá hiệu quả, đúc rút kinh nghiệm, điều chỉnh mô hình thí điểm cho phù hợp yêu cầu thực tiễn. Để từ đó sẽ mở rộng thí điểm đón khách quốc tế ra một số điểm đến khác như Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng) và tiến tới mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách quốc tế nếu điều kiện cho phép.
Bên cạnh Phú Quốc (Kiên Giang), một số địa phương khác như Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ninh đã có kế hoạch khôi phục lại hoạt động du lịch quốc tế. Ngành du lịch đã đề xuất mở lại thị trường du lịch quốc tế theo lộ trình: Tháng 11/2021 thí điểm đón khách đến Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; tháng 12/2021 mở rộng phạm vi đón khách du lịch di chuyển thông qua các chuyến bay quốc tế thường lệ mở rộng ra một số điểm đến khác đáp ứng yêu cầu như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam. Dự kiến, quý II/2022 mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách quốc tế với điều kiện đảm bảo các phương án phòng, chống dịch an toàn.
Thống nhất tiêu chí an toàn, chắc chắn
Dù dịch bệnh dần được kiểm soát nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia, dịch COVID-19 vẫn tiềm ẩn những nguy cơ khó lường, buộc ngành du lịch phải nghiên cứu các giải pháp phục hồi du lịch một cách thấu đáo, phù hợp. Trong đó, yếu tố an toàn phải đặt lên hàng đầu, từ an toàn ở tuyến điểm, an toàn trong chuỗi dịch vụ, an toàn trong tổ chức điều hành tour và trong cả công tác kiểm soát.
Điều các doanh nghiệp lữ hành quan tâm hiện nay là các tỉnh, thành phố cần làm rõ các tiêu chí cho phép đưa, đón khách, khoanh vùng xanh, vùng đỏ. Đặc biệt, cần lập bản đồ vùng an toàn cho du lịch để các đơn vị thuận tiện trong việc đưa khách, xây dựng tour khép kín và có chính sách kiểm soát tour phù hợp với tình hình, diễn biến dịch của các địa phương. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn chưa có sự thống nhất về tiêu chí, điều kiện đón khách an toàn.
Bởi vậy, trong điều kiện hiện nay, để đảm bảo đưa đón khách an toàn, hiệu quả, cần có bộ tiêu chí chung về tiêu chí, quy trình đón khách giữa các địa phương. Hơn nữa, cần có sự liên kết vùng du lịch với những địa phương gần nhau hoặc có cùng chung yếu tố dịch tễ.
Trong lúc này, việc đón khách trong điều kiện tình hình mới dù khẩn trương nhưng cần thận trọng. Các địa phương và doanh nghiệp không nên chọn quá nhiều điểm đến mà cần chọn lọc, có sự tập trung. Các địa phương cần công khai, minh bạch những cơ sở kinh doanh dịch vụ, điểm đến đủ điều kiện đón khách.
Mới đây, Bộ Thể thao, Thể thao và Du lịch đã ban hành Hướng dẫn tạm thời việc thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
Đối với hoạt động du lịch, kế hoạch kích cầu, phục hồi du lịch, lữ hành tập trung vào 6 nhóm nhiệm vụ, gồm: Đảm bảo an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch; tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển đa dạng sản phẩm đáp ứng xu hướng mới của thị trường; đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh phục hồi hoạt động du lịch; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch.
Hướng dẫn quy định cụ thể việc yêu cầu xét nghiệm đối với từng cấp độ dịch, từng đối tượng và quy định tỷ lệ công suất hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh du lịch ở từng địa bàn theo từng cấp độ. Theo đó, nơi có dịch cấp độ 1 và 2 thì hoạt động du lịch được tổ chức phục vụ 100% công suất; địa bàn có dịch cấp độ 3, chỉ tổ chức hoạt động tham quan tại khu, điểm du lịch, sự kiện tập trung trong nhà và các chương trình du lịch theo nhóm dưới 25 người. Cơ sở lưu trú du lịch, dịch vụ ăn uống trong cơ sở kinh doanh du lịch được hoạt động với không quá 50% công suất tại cùng một thời điểm; phương tiện đưa đón khách không sử dụng quá 50% số ghế… Địa bàn có dịch cấp độ 4 thì phải dừng hoạt động tham quan tại khu, điểm du lịch; dừng tổ chức sự kiện tập trung trong nhà trên 20 người; dừng các chương trình du lịch trong địa bàn, đi và đến địa bàn này…
Kịp thời chuẩn bị các điều kiện tái khởi động hoạt động du lịch an toàn, thuận lợi và hiệu quả
Hiện nay, việc tái khởi động lại du lịch nội địa còn gặp khó khăn do tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 có sự chênh lệch giữa các địa phương. Do đó, để khôi phục lại các hoạt động du lịch nội địa hiệu quả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng cần hoàn thành việc tiêm vaccine đủ 2 mũi cho ít nhất 70% người dân từ 18 tuổi và người lao động trong ngành du lịch tại các điểm đến. Bên cạnh đó, các địa phương cần đảm bảo các điều kiện về hạ tầng y tế, nhân lực phục vụ khách du lịch; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan trong việc đón khách an toàn; có quy định thống nhất toàn quốc về chứng nhận tiêm chủng và tiêu chí về an toàn du lịch…
Kịp thời chuẩn bị các điều kiện tái khởi động hoạt động du lịch an toàn, thuận lợi và hiệu quả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị Chính phủ xem xét cho triển khai đón khách du lịch quốc tế (mô hình tại Phú Quốc - Kiên Giang và Nha Trang - Khánh Hòa) trong tháng 11/2021; có chính sách ưu đãi, kích cầu cho khách du lịch quốc tế như miễn thị thực hoặc miễn lệ phí thị thực nhập cảnh Việt Nam như trước đây... Trong điều kiện chuyển sang trạng thái bình thường mới, các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các bộ, ngành có liên quan bàn bạc, thống nhất việc đón người Việt Nam ở nước ngoài về.
Phát biểu tại cuộc làm việc mới đây với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phương án tái khởi động hoạt động du lịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh yêu cầu phải đảm bảo an toàn, chắc chắn.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương rà soát, cập nhật, sớm ban hành hướng dẫn đối với các hoạt động vận tải đường bộ, đường sắt, hàng không; cần có quy định chi tiết đối với du khách đi theo tour du lịch lữ hành (bảo đảm an toàn về du khách, điểm xuất phát, điểm dừng, điểm đến…).
Về hoạt động thí điểm đón khách quốc tế, Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, các địa phương hiệp hội du lịch khẩn trương trao đổi, kiến nghị cụ thể về thời điểm, quy mô, thủ tục, đi lại, lưu trú, phương án xử lý tình huống phát sinh...
Phó Thủ tướng yêu cầu các phương án từng bước mở lại hoạt động du lịch theo đúng tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ. Bên cạnh đó, từ nay đến cuối năm 2021, Việt Nam chủ động được cơ bản nguồn vaccine, thuốc điều trị, sinh phẩm xét nghiệm; cùng với đó, ý thức người dân trong phòng, chống dịch bệnh đã nâng cao thêm một mức… tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch từng bước hoạt động trở lại.
Thùy Dương Ảnh: Minh Khánh
(Nguồn: bvhtđl.gov.vn)