Ngày 27/10, Chính phủ đã ban hành Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Nghị định có hiệu lực từ ngày 11/12, quy định cụ thể về cá nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố trong nước.
Về vận động, tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện, Nghị định nêu rõ, khi vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật), thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến UBND cấp xã nơi cư trú.
Cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện, bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật đóng góp tự nguyện trong thời gian tiếp nhận; có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu.
Nghị định của Chính phủ cũng quy định về việc phối hợp với UBND nơi tiếp nhận hỗ trợ để phân phối nguồn đóng góp tự nguyện. Theo đó, căn cứ nguồn đóng góp tự nguyện của từng cuộc vận động, tiếp nhận, cá nhân có trách nhiệm thông báo với UBND nơi tiếp nhận hỗ trợ để phối hợp xác định phạm vi, đối tượng, mức, thời gian hỗ trợ và thực hiện phân phối, sử dụng theo đúng cam kết.
Các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố phải đảm bảo tính công khai, minh bạch. Cá nhân có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện theo đối tượng, địa bàn được hỗ trợ, bao gồm những khoản tiếp nhận có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có), thực hiện công khai theo các nội dung quy định trên các phương tiện truyền thông và gửi kết quả bằng văn bản tới UBND cấp xã nơi cư trú để niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan trong 30 ngày.
Thời gian vừa qua đã liên tiếp xảy ra các vụ việc "lùm xùm" về kêu gọi tiền từ thiện của giới nghệ sĩ. Dư luận đặt ra các vấn đề về công khai, minh bạch quá trình tiếp nhận, phân phối tiền từ thiện. Sau đó, một số nghệ sĩ, cá nhân làm từ thiện đã thực hiện sao kê tài khoản, công khai trên các trang facebook cá nhân.
Vấn đề đã trở thành nghiêm trọng và thậm chí đã được đề cập tại diễn đàn Quốc hội và thậm chí Chính phủ cũng đã có ý kiến về vấn đề này.
Cụ thể, ngày 24/10, khi trình bày báo cáo thẩm tra trước các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện KSND tối cao, Chánh án TAND tối cao năm 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu quan điểm: "Dư luận cử tri ghi nhận sự đóng góp tích cực của một số cá nhân hoạt động từ thiện. Tuy nhiên, để ngăn ngừa khả năng xảy ra tình trạng trục lợi khi thực hiện hoạt động từ thiện có kêu gọi đóng góp từ nhân dân thì cần có quy định của pháp luật".
Sau bà Lê Thị Nga, đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) cũng đã có ý kiến tại Quốc hội. Ông kiến nghị Chính phủ, Quốc hội có hành lang pháp lý một cách minh bạch, rõ ràng để làm tốt hơn công tác nhân đạo, từ thiện trong thời gian tới nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Gần đây nhất, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cũng đã phải phối hợp các ngân hàng tiến hành rà soát, xác định các tài khoản đã huy động từ thiện, làm rõ việc tiếp nhận, quyên góp và quá trình giải ngân của các nghệ sĩ.
Có thể nói, những phản ánh trên rất đúng với chủ trương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL). Hết sức ủng hộ tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ và chia sẻ lẫn nhau trong khó khăn, hoạn nạn song Bộ VHTTDL cho rằng cần phải có sự minh bạch. Đầu tháng 9, Bộ đã tổ chức soạn thảo Bộ Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ, trong đó không chỉ có quy tắc ứng xử trong hoạt động nghề nghiệp, rộng hơn là quy tắc ứng xử trong công tác xã hội, trên mạng xã hội và truyền thông.
Tại Bộ Quy tắc ứng xử, Ban soạn thảo đưa ra các quy tắc ứng xử riêng ở từng lĩnh vực. Nổi bật như Quy tắc trong công tác xã hội, nghệ sĩ phải có trách nhiệm: công khai, minh bạch thông tin trong các hoạt động xã hội, tích cực đóng góp cho cộng đồng và tạo ấn tượng tốt đẹp trong Nhân dân. Phát huy uy tín cá nhân để lan tỏa các giá trị nhân văn, những việc làm tốt, hình ảnh đẹp, hành vi ứng xử văn hoá trong xã hội đến cộng đồng. Dự thảo Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, trong đó bao gồm việc công khai, minh bạch, kịp thời các hoạt động xã hội, từ thiện và trung thực trong quảng cáo của nghệ sĩ được Bộ VHTTDL lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân đến ngày 28/11.
Việc ban hành bộ quy tắc trên được xem là một hành động cần thiết, kịp thời của cơ quan quản lý nhằm hạn chế những "lùm xùm" của showbiz Việt, đặc biệt là sau nhiều màn đáp trả đầy căng thẳng giữa antifan và các nghệ sĩ đối với việc nên hay không nên giải trình tiền từ thiện.
Xét về bản chất, dù tham gia thiện nguyện dưới hình thức nào, cá nhân hay đại diện nhiều người, kín đáo hay công khai thì đây đều là những nghĩa cử cao đẹp rất đáng trân trọng. Thời gian qua, có rất nhiều nghệ sĩ đã tích cực làm công tác từ thiện bằng cách bỏ tiền cá nhân hoặc kêu gọi các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm... hỗ trợ. Phần lớn họ đều được xã hội, người hâm mộ đồng thuận. Tuy nhiên, tiền bạc vốn rất "phân minh", sau khi kết thúc những kỳ hoạt động từ thiện thường là đòi hỏi của dư luận về việc giải trình.
Suy cho cùng, cũng không có gì quá đáng bởi việc công khai minh bạch không chỉ đem lại niềm tin cho các mạnh thường quân, nhà hảo tâm, người dân... mà còn là cách để khẳng định danh dự của người nghệ sĩ. Minh chứng là sự việc nghệ sĩ Hoài Linh chậm giải ngân số tiền từ thiện hơn 14 tỷ đồng hay câu chuyện làm từ thiện của Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng và một số sao Việt khác bị tố không rõ ràng, minh bạch trong quyên góp và phân phối tiền từ thiện…đã khiến cộng đồng mạng sôi sục nhiều ngày qua.
Từ những sự việc trên cho thấy nghệ sĩ Việt làm từ thiện còn nặng cảm tính và chưa chuyên nghiệp. Thông thường, các quỹ từ thiện trên thế giới luôn có một hệ thống kiểm soát tài chính chặt chẽ, bài bản để điều hành mô hình hoạt động bền vững, hợp pháp chứ không phải làm từ thiện theo kiểu tự phát như các nghệ sĩ của chúng ta.
Mọi hoạt động thiện nguyện đều đáng quý nhưng thiện nguyện chưa bao giờ là việc làm đơn giản và dễ dàng. Xuất phát từ tấm lòng, nhưng nhiều nghệ sĩ lại khiến công chúng bất bình sau khi hoạt động từ thiện kết thúc. Từ đó để thấy rằng, trên hết vẫn phải là cách làm, phương pháp làm từ thiện sao cho minh bạch. Mà muốn minh bạch thì cần phải có sự chuyên nghiệp, phải có phương pháp để từ đó có thể kiểm tra, giám sát.
Năm nay, miền Trung vẫn tiếp tục hứng chịu các đợt mưa lũ, thiên tai. Tuy nhiên, hiện chưa thấy nghệ sĩ nào đứng lên kêu gọi các mạnh thường quân, nhà hảo tâm và người hâm mộ hỗ trợ để làm từ thiện như những năm trước, có lẽ vì e ngại và dè chừng dư luận. Những lúc thế này mới thấy rõ Bộ quy tắc ứng xử quan trọng và cần thiết đến mức nào. Tuy nó không có chế tài như luật, nhưng lại có giá trị định hướng hành vi của nghệ sĩ.
Nhiều quan điểm cho rằng, nếu không ban hành một Bộ quy tắc ứng xử sẽ không có mốc chuẩn để nghệ sĩ điều chỉnh hành vi, cũng như không có căn cứ để truyền thông, dư luận lên án những hành vi sai lệch.
Hà Giang
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)