SharePoint
Liên kết web
 
 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Có loại quỹ hình thành 6 năm nay mà vẫn không chi được, đó là một sự lãng phí

25/10/2021 09:47
(TTCNTT) - Chiều 22/10, các ĐBQH đã tiến hành thảo luận, cho ý kiến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020; Việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện NQ số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020.

Có "kẽ hở" pháp luật không?

Phát biểu tại tổ thảo luận, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng (Đoàn Kon Tum) cho rằng, báo cáo của Chính phủ trình trước Quốc hội rất rõ ràng, cụ thể. Sau khi lấy ý kiến thảo luận từ các ĐBQH, tới đây Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết chung về việc sử dụng hiệu quả Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) và Bảo hiểm y tế.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng (Đoàn Kon Tum) phát biểu tại tổ thảo luận.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, vấn đề quan trọng và cần thiết nhất đó là Nghị quyết ban hành phải sát và đúng như tinh thần "mang hơi thở cuộc sống vào Nghị trường", còn nếu chúng ta chỉ nói trong Nghị trường mà sau đó mọi việc trở lại như cũ sẽ không có ý nghĩa gì.

Nhắc lại vụ việc cách đây hơn 1 tháng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phải xử lý, khai trừ khỏi Đảng 2 cựu Tổng Giám đốc BHXH, hay như một số địa phương cũng đang xử lý các sai phạm liên quan đến việc sử dụng, đầu tư quỹ không đúng như Gia Lai và một số quận của TP Hải Phòng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, vấn đề là chúng ta phải xem lại, liệu có "kẽ hở" pháp luật không?. Từ đó, cần phải chấn chỉnh điều gì trong luật pháp liên quan đến lĩnh vực này.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, qua các đợt dịch bệnh vừa qua cũng bộc lộ nhiều vấn đề về bảo hiểm, ví dụ như số dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp là rất lớn (Hơn 90.000 tỷ đồng - PV). Vừa qua, sau khi xin ý kiến của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ nguồn quỹ này.

"Theo thông tin từ Ủy ban xã hội của Quốc hội, có loại quỹ hình thành 6 năm nay mà vẫn không chi được như Quỹ đào tạo cho người lao động, vậy số tiền đó đang ở đâu, nằm đóng khung như vậy mà không đầu tư sinh lãi thì đó là một sự lãng phí. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói, lãng phí có khi còn nguy hại hơn cả tham ô, tham nhũng" - Bộ trưởng nêu quan điểm, từ đó đề nghị các cơ quan chuyên môn của Quốc hội xem xét những góc độ trên để khi thẩm tra làm rõ hơn các báo cáo.

Về vấn đề bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng bày tỏ sự băn khoăn, dịch bệnh vừa qua khiến nhiều người dân bị ốm đau không thể đi khám bệnh, vậy họ sẽ được cấp thuốc ra sao?. Rồi vấn đề chi cho điều trị bệnh nhân COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm y tế hay ngân sách Nhà nước?. Từ đó, ông đề nghị cần phải rõ ràng, minh bạch để người dân không mất niềm tin về quan điểm nhất quán vì dân của Đảng, Nhà nước.

"Dân đóng vào quỹ thì dân là đối tượng được thụ hưởng, Nhà nước có trách nhiệm quản lý quỹ đó. Chúng ta phải luôn tuân thủ quan điểm này thì Nghị quyết sắp tới mà Quốc hội ban hành sẽ đáp ứng được sự mong đợi của cử tri" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Kết dư Quỹ BHXH và Quỹ bảo hiểm thất nghiệp quá lớn

Thảo luận về các nội dung trên, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, kết dư Quỹ BHXH và Quỹ bảo hiểm thất nghiệp quá lớn. Từ kết dư quá lớn này, đại biểu đề nghị cần xem lại tỷ lệ chi, mức chi, nội dung chi cho các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, bắt buộc và thất nghiệp.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội).

Theo báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020, Uỷ ban Xã hội cho biết đến hết năm 2020, tổng số kết dư của Quỹ BHXH và Quỹ bảo hiểm thất nghiệp ước đạt gần 953.078 tỷ đồng, trong đó: Quỹ ốm đau, thai sản là 13.472 tỷ đồng; Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp là 54.089 tỷ đồng; Quỹ hưu trí, tử tuất là 794.920 tỷ đồng và Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là 90.597 tỷ đồng.

Dẫn chứng việc tiền lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc năm 2020 của người lao động là 5,68 triệu đồng/tháng, tăng 6,05% so với năm 2019, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị xem lại mức thu của BHXH. Bởi, mức lương chỉ sống được ở vùng nông thôn, nếu ở Hà Nội hay TP.HCM sẽ rất khó khăn.

Nói về việc trong năm 2020, tổng số thu BHXH đạt kế hoạch đề ra với mức 265.692 tỷ đồng, trong đó, số thu BHXH bắt buộc tăng 6,25%, cho dù tốc độ tăng thấp hơn so với tốc độ tăng thu của năm 2019, vị đại biểu này cho rằng cần đánh giá cụ thể vấn đề này bởi năm 2020, người dân và doanh nghiệp ảnh hưởng lớn bởi COVID-19.

"Cần xem lại tỷ lệ thu, vì nếu cao quá người dân và doanh nghiệp có thể không chịu nổi", đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị.

Lưu ý tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng BHXH

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn TP Hà Nội) lưu ý về tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH có chiều hướng tăng nhanh do tác động của dịch COVID-19, làm ảnh hưởng nghiệm trọng đến quyền lợi của người lao động.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn TP Hà Nội).

"Khi doanh nghiệp nợ BHXH, người lao động sẽ không được hưởng, giải quyết các trợ cấp như ốm đau, thai sản, tử tuất... Trong khi đó người lao động vẫn thực hiện đủ nghĩ vụ đóng từ 10-15%, tức là hoàn thành nghĩa vụ của mình. Rất nhiều vụ tranh chấp đã xảy ra khiến đời sống của người lao động đã khó khăn lại càng khó khăn hơn", ông Thường cho biết.

Theo vị đại biểu đoàn Hà Nội, có trường hợp người lao động sinh con thứ hai rồi nhưng việc giải quyết chế độ thai sản lần thứ nhất vẫn chưa thực hiện được; có trường hợp đủ tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn chưa được cấp sổ do doanh nghiệp còn nợ đọng BHXH….Điều bất hợp lý là doanh nghiệp vi phạm nhưng người lao động lại phải gánh hậu quả.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường cũng phản ánh có tình trạng doanh nghiệp xây 2 bảng lương, 1 bảng lương để đóng bảo hiểm, 1 bảng lương để trả cho người lao động, điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Thế Công

 (Nguồn: bvhttdl.gov.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây