SharePoint
Liên kết web
 
 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Cân nhắc đổi tên “Gia đình văn hoá” thành “Gia đình tiêu biểu”

24/10/2021 09:48
(TTCNTT) - Thảo luận tại tổ về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) vào sáng nay (23/10), Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng (Đoàn Kon Tum) bày tỏ băn khoăn về bổ sung các danh hiệu “Xã tiêu biểu”, “Phường, Thị trấn tiêu biểu”; “thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố tiêu biểu”; “Gia đình tiêu biểu”.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại buổi thảo luận tổ sáng 23/10.

Cân nhắc việc đổi tên

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, đây thực chất chỉ là thay đổi tên gọi các đơn vị văn hóa đã có quy định từ trước. Nhìn lại quá trình hình thành phát triển, cách đây 21 năm, trên tinh thần tự nguyện, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phát động thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" nay là cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết nông thôn mới, đô thị văn minh".

Sau quá trình thực hiện, vẫn trên nguyên tắc tự nguyện, năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 122 quy định về xét tặng danh hiệu "Gia đình văn hóa "; "Thôn văn hóa", "Làng văn hóa", "Ấp văn hóa", "Bản văn hóa", "Tổ dân phố văn hóa". Trong Nghị định này, Chính phủ đưa ra các tiêu chí bình chọn rất rõ ràng, cụ thể.

Theo Bộ trưởng, nguyên tắc tự nguyện chính là mọi phong trào thi đua đều xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng dân cư, người dân chứ không phải khiên cưỡng đặt ra danh hiệu đó để rồi bắt buộc phải làm. Quá trình thực hiện cũng cho thấy, những làng, gia đình đạt các tiêu chí đó đều điển hình.

"Tuy nhiên, bên cạnh đó thì khi bình xét vẫn có lúc, có đơn vị còn dễ dãi", Bộ trưởng cho rằng, nếu chỉ vì như vậy mà chúng ta chuyển hướng tên gọi danh hiệu này thay bằng tên gọi khác thì cần cân nhắc kỹ.

Cũng theo Bộ trưởng, luật là thể chế hóa quan điểm của Đảng. Mới đây nhất, vào ngày 24/6/2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 06 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới.

Đối chiếu lại, Bộ trưởng cho rằng, tiêu chí xã tiêu biểu dựa trên tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, gia đình, bản làng tiêu biểu cũng dựa trên những tiêu chí công nhận gia đình, bản làng văn hóa, thậm chí là còn trùng lắp, như vậy là không đồng nhất với quan điểm của Đảng.

"Nên chăng thì những danh hiệu đã tồn tại, đang phát huy được tác dụng thì cần giữ nguyên, Nghị định đã quy định rõ rồi, có nhất thiết phải đưa vào luật không" - Bộ trưởng nêu quan điểm.

Làm rõ nội hàm, phạm vi "tiêu biểu"

Trước đó, trình bày Tờ trình về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, xuất phát từ thực tiễn triển khai các phong trào thi đua thời gian qua, Ban soạn thảo đã nghiên cứu, thống nhất đề nghị bổ sung danh hiệu "Xã tiêu biểu", "Phường, Thị trấn tiêu biểu", là những danh hiệu tổng hợp kết quả phong trào thi đua ở cấp xã và đổi tên, điều chỉnh một số tiêu chuẩn danh hiệu "Thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố văn hoá", "Gia đình văn hoá" thành danh hiệu "Thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố tiêu biểu", "Gia đình tiêu biểu" để thống nhất hệ thống danh hiệu thi đua ở cơ sở và cho gia đình. Đây là những điểm mới của dự án Luật.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày nhấn mạnh, đối với việc thay đổi tên gọi danh hiệu thi đua đối với gia đình, thôn, bản, làng, ấp, tổ dân phố (Điều 27 và Điều 28), Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo làm rõ: Cơ sở của việc đổi tên, nội hàm, phạm vi, tính chất và cấp độ của "tiêu biểu"; Làm rõ mối quan hệ giữa danh hiệu thi đua "gia đình tiêu biểu" và "gia đình gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có đóng góp lớn về công sức, đất đai và tài sản cho địa phương, xã hội".

Về việc bổ sung danh hiệu thi đua "Xã tiêu biểu", "Phường, thị trấn tiêu biểu" (Điều 26), Ủy ban Xã hội thấy rằng, việc bổ sung danh hiệu thi đua này đối với người dân ở phạm vi cấp xã, phường, thị trấn là phù hợp với chủ trương đưa phong trào thi đua hướng về cơ sở, người lao động trực tiếp.

Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục cân nhắc và làm rõ thêm: Các danh hiệu thi đua này có làm cơ sở để xem xét danh hiệu thi đua cao hơn không; làm rõ nội hàm, phạm vi "tiêu biểu"; Rà soát và điều chỉnh tiêu chuẩn để bảo đảm tính khả thi và tính ổn định của quy phạm pháp luật.

Thế Công

 (Nguồn: bvhttdl.gov.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây