SharePoint
Liên kết web
 
 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng mong muốn doanh nghiệp Hoa Kỳ - ASEAN đồng hành cùng Việt Nam thúc đẩy kinh doanh du lịch

19/10/2021 11:21
(TTCNTT) - Sáng nay (19/10), Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã chủ trì buổi tọa đàm trực tuyến giữa Bộ VHTTDL và Đoàn Doanh nghiệp Cấp cao Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN.

Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Cùng dự buổi tọa đàm có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt; Đại sứ Michael Michalak - Phó Chủ tịch cấp cao và Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cùng gần 30 đại diện các doanh nghiệp phía Hoa Kỳ.

Việt Nam đã bước đầu kiểm soát dịch bệnh

Mở đầu buổi tọa đàm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 không chỉ ảnh hướng đến Hoa Kỳ, Việt Nam mà còn toàn bộ nền kinh tế toàn cầu. Chưa có thống kê đầy đủ nhưng các con số thiệt hại là vô cùng lớn. Đi kèm với đó là những hệ lụy để lại di chứng lâu dài cho văn hóa, tâm lý cho người dân, cho cộng đồng doanh nghiệp.

Đối với du lịch, Việt Nam cũng là quốc gia bị ảnh hưởng năng nề khi không thể mở lại du lịch quốc tế, du lịch nội địa bị đóng khung. Trong bối cảnh vắc xin chưa thể phủ cho toàn dân nên điều kiện để mở cửa lại sản xuất gặp nhiều khó khăn

Chính vì vậy, Bộ VHTTDL là một trong những bộ ngành được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ nhanh chóng thiết kế các chương trình gói hỗ trợ để giúp các doanh nghiệp nhanh chóng trở lại hoạt động bình thường. Thời gian qua, Bộ đã nỗ lực, cố gắng để tham mưu các khung chính sách, chia sẻ những rủi ro với do anh nghiệp trên một quan điểm nhất quán là lợi nhuận thì cùng nhau phân phối, điều tiết, khó khăn thì cùng nhau chia sẻ.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại buổi tọa đàm.

Vì vậy, những quyết sách của Chính phủ như hỗ trợ các cơ sở lưu trú được giảm tiền điện, giảm tiền ký quỹ cho các doanh nghiệp lữ hành, vấn đề hỗ trợ cho người lao động ngành du lịch nhất là các hướng dẫn viên du lịch có hoàn cảnh khó khăn bằng gói an sinh xã hội để không đứt gãy chuỗi cung ứng lao động đặc thù. Vì vậy, phần lớn doanh nghiệp có khả năng trụ vững trước đại dịch.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Việt Nam đã bước đầu kiểm soát dịch bệnh. Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 128 với cách tiếp cận mới theo hướng thích ứng an toàn với dịch bệnh, đã đưa ra các mức độ phân loại, tăng cường vùng xanh, thu hẹp vùng đỏ, tiến tới xanh hóa nhằm khởi động lại các hoạt động kinh doanh, du lịch.

Hai nhóm mà Chính phủ quan tâm đó là tạo ra lưu thông, lưu chuyển hàng hóa để không bị đứt gãy, đảm bảo cung ứng cho chuỗi sản xuất, kinh doanh. Thứ hai là, cho khởi động lại du lịch dịch vụ, xem đây là nhóm ngành quan trọng sau nhóm tài chính, tài khoán, tín dụng.

Từ quan điểm này, Bộ đã đề xuất và Chính phủ cho phép mở cửa thí điểm lại thị trường du lịch quốc tế, chọn Phú Quốc làm điểm đến đầu tiên theo quy trình bong bóng du lịch khép kín. Sau khi thành công ở Phú Quốc sẽ chọn các địa phương mà khách quốc tế quan tâm, có điều kiện tốt về phòng chống dịch bệnh, ví dụ như như Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa…

Về du lịch nội địa, theo Bộ trưởng, đây là hướng đi chính, tiếp cận là phải điều nghiên khảo sát để nắm bắt tâm lý của khách hàng, tìm kiếm và cơ cấu lại thị trường khác theo hướng vùng xanh phải ưu tiên du lịch nội địa, trong tỉnh, kết nối các địa phương với nhau. Hình thức tiếp cận theo nhóm nhỏ, quy mô nhỏ, khép kín, dịch vụ trọn gói với mục tiêu an toàn là trên hết.

Bộ trưởng cho rằng, du lịch phải hướng tới đảm bảo hạnh phúc, thoải mái nhất cho người dân chứ không phải nơm nớp lo sợ dịch bệnh. Có như vậy mới tạo ra được điểm đến an toàn. Theo đó, Bộ đã ban hành các quy định để các địa phương không bị đứt gãy khi thực hiện mở cửa du lịch.

Bộ trưởng bày tỏ mong muốn, cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ - ASEAN đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam để thúc đẩy kinh doanh du lịch đạt hiệu quả nhất.

Khẳng định công tác truyền thông là vấn đề quan trọng, Bộ trưởng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ - ASEAN dựa trên nền tảng, tiến bộ về công nghệ thông tin để hỗ trợ Việt Nam lan tỏa các chương trình truyền thông, quảng bá mạnh mẽ nhằm phục hồi ngành kinh tế không khói là du lịch. Ông cũng cam kết sẽ tạo điều kiện nhằm tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi nhất, để các doanh nghiệp Hoa Kỳ hãy tìm đến Việt Nam như một điểm đến an toàn.

Doanh nghiệp Hoa Kỳ - ASEAN đánh giá cao việc mở cửa thí điểm du lịch của Việt Nam

Tại buổi tọa đàm, các doanh nghiệp Hoa Kỳ - ASEAN cũng ghi nhận những nỗ lực trong kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ Việt Nam, từ đó đưa ra các đề xuất liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành VHTTDL.

Các doanh nghiệp Hoa Kỳ - ASEAN đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất tại buổi tọa đàm.

Đại diện Abobtt cho rằng, Bộ VHTTDL cần phối hợp với Bộ Y tế ban hành các yêu cầu chuẩn về hộ chiếu vắc xin, xét nghiệm COVID-19 để làm tiền để khôi phục ngành du lịch.

Đánh giá cao việc mở cửa thí điểm du lịch của Việt Nam, ông Alexander Feldman- đại diện Boeing hy vọng tới đây sẽ có thêm nhiều chuyến bay thẳng từ Việt Nam - Hoa Kỳ. Ông cũng sẵn sàng chia sẻ sáng kiến về mô hình đảm bảo an toàn bằng đường hàng không như các quốc gia khác trong khu vực ASEAN đã thực hiện.

Bà Kathryn Tinker - đại diện AIG đề nghị phía Việt Nam cân nhắc, cho phép triển khai dịch vụ bảo hiểm liên quan đến COVID-19. Bà khẳng định, sự tham gia của tư nhân sẽ giảm gánh nặng cho Chính phủ trong việc điều trị COVID-19, giảm rủi ro cho du khách của ngành du lịch.

Trong khi đó, đại diện Netflix, bà Moon Nguyet Phillips bày tỏ quan tâm đến vấn đề nền kinh tế sáng tạo, kinh tế văn hóa nhất là lĩnh vực điện ảnh. Bà cho rằng, đây là ngành kinh tế nhiều tiềm năng tăng trưởng, cần được ưu tiên phát triển với chiến lược rõ ràng. Đây là lĩnh vực không thể tách rời với những ngành khác như du lịch. Về dự thảo Luật Điện ảnh, đại diện Netflix nhất trí cần phải rà soát, sửa đổi để các doanh nghiệp điện ảnh có thể thực hiện nhiều hơn nữa các dự án tại Việt Nam.

Bày tỏ quan tâm đến chuyển đổi số, Đại diện Oracle cho biết, vừa qua đã giúp đỡ các doanh nghiệp, một số quốc gia về điện toán đám mây, phân tích dữ liệu để tạo ra những hệ sinh thái bền vững, bao quát hơn. Phía doanh nghiệp này mong muốn được hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề xây dựng đô thị thông minh, chuyển đổi số trong lĩnh vực của ngành VHTTDL.

Không có khuôn khổ pháp luật nào đặt ra để làm rào cản

Trước khi kết thúc buổi tọa đàm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã dành thời gian trao đổi những quan tâm của đại diện doanh nghiệp Hoa Kỳ - ASEAN. Nhấn mạnh tinh thần "muốn đi nhanh đi một mình, muốn đi xa thì cùng đi", Bộ trưởng khẳng định, trong đường lối đối ngoại, hội nhập, Việt Nam nhất quán quan điểm làm bạn, đối tác tin cậy với các quốc gia trên thế giới để cùng hợp tác phát triển bền vững trên cơ sở tôn trọng quy định luật pháp quốc tế. Trong đó, tập trung tháo gỡ những quy định có tính rào cản, bắt buộc để các thành phần kinh tế phát triển.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời các vấn đề mà doanh nghiệp ASEAN - Hoa Kỳ quan tâm.

Nói về dự thảo Luật Điện ảnh, Bộ trưởng cho biết, Việt Nam xác định đây vừa là ngành thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và cũng là ngành kinh tế. Đối với văn hóa nghệ thuật, điện ảnh giúp bồi đắp các giá trị chân thiện mỹ cho con người. Tác động điện ảnh giúp con người hoàn thiện hơn. Đồng thời, điện ảnh cũng là ngành kinh tế chiến lược trong công nghiệp văn hóa.

Khẳng định không có khuôn khổ pháp luật nào đặt ra để làm rào cản, Bộ trưởng cho biết, tinh thần của việc sửa Luật Điện ảnh là sẽ cho hậu kiểm chứ không tiền kiểm. Bên cạnh đó là thiết kế các nhóm chính sách không bó hẹp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong và ngoài nước phát triển một cách bình đẳng, thuận lợi.

Về vấn đề phát triển công nghệ số, Bộ trưởng cho biết, Việt Nam là đất nước năng động, hội nhập sâu, ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình lãnh đạo điều hành. Chính vì vậy, trong mục tiêu phát triển, kinh tế số đóng góp 25-27% tăng trưởng.

Đối với ngành VHTTDL vấn đề số hóa được đặt lên như số hóa ngành du lịch, bảo tàng, thư viện. Bộ trưởng khẳng định, dựa trên nền tảng mà các doanh nghiệp Hoa Kỳ - ASEAN đang có, Bộ sẵn sàng hợp tác để cùng phát triển bằng những dự án, hành động cụ thể.

Về vấn đề quảng cáo, Bộ trưởng cho biết, Bộ VHTTDL chỉ quản lý về quảng cáo trực quan, còn trên không gian mạng do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý. Trong phạm vi của mình, Bộ đang tổng kết để tham mưu sửa những điểm bất cập trong Luật Quảng cáo.

Đối với nội dung kinh tế sáng tạo, Bộ trưởng thông tin, các kỳ Đại hội Đảng trước đây đã đề ra chủ trương phát triển kinh tế tri thức. Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang tiếp cận kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn. Đây là những mô hình được áp dụng ở nhiều quốc gia.

Về hộ chiếu vắc xin, Bộ trưởng cho biết Bộ VHTTDL đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để đưa ra những quy định chung trên quan điểm nhất quán là đảm bảo an toàn cho sức khỏe, tính mạng của người dân là trước hết, trên hết.

Thế Công - Ảnh: Việt Hùng

 (Nguồn: bvhttdl.gov.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây