SharePoint
Liên kết web
 
 

Du lịch nông thôn (Bài 5): Cần cơ chế, chính sách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương

18/10/2021 09:36
(TTCNTT) - Có thể thấy rằng, với những lợi thế như bề dày văn hóa, cảnh quan thiên nhiên phong phú và hơn 65% dân số sống ở nông thôn, phát triển du lịch nông thôn tại Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ở các địa phương, các mô hình du lịch nông thôn hiện nay vẫn nhỏ lẻ, tự phát, chuyển đổi số chưa đồng bộ. Do đó, để đây thực sự là một hướng đi mũi nhọn trong phát triển kinh tế địa phương cần những chính sách dài hơi và sự đầu tư đồng bộ, hiệu quả hơn.

Làng hương Phia Thắp (Cao Bằng). Ảnh minh họa: Nam Nguyễn

Phát triển du lịch nông thôn còn tự phát, manh mún

Phát triển du lịch nông thôn là loại hình du lịch bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến tự nhiên và văn hóa bản địa. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, con người bị "gò bó" trong không gian sống, do vậy nhu cầu tận hưởng cuộc sống gần gũi với thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa bản địa chắc chắn sẽ bùng nổ trong thời gian tới sau khi đại dịch được khống chế.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù có nhiều tiềm năng lợi thế phát triển nhưng du lịch nông thôn hiện nay vẫn còn những khó khăn, vướng mắc do cả chủ quan lẫn khách quan. Trong báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, công tác quy hoạch, phát triển khu, điểm du lịch nông thôn còn thiếu trọng tâm trọng điểm và dàn trải, tại một số địa phương trong công tác lựa chọn địa điểm xây dựng không đánh giá đúng tiềm năng lợi thế, tính đặc trưng nên không phát huy hiệu quả.

Cùng với đó, việc phát triển du lịch nông thôn còn tự phát, manh mún, quy mô nhỏ; chưa khai thác được các tiềm năng du lịch tại mỗi địa phương; chưa gắn kết giữa ngành du lịch, ngành nông nghiệp và các ngành khác.

Cơ sở vật chất, hạ tầng cho du lịch nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu đồng bộ; thực trạng giao thông một số nơi (đường vào thôn, bản...) còn kém; Nguồn nhân lực phát triển du lịch nông thôn còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng, phần lớn là nông dân vừa canh tác nông nghiệp, vừa làm du lịch nên chưa có các kỹ năng phục vụ khách du lịch một cách chuyên nghiệp.

Một khó khăn khác mà Thứ trưởng Trần Thanh Nam nêu đó là, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa đặc sắc, chưa gắn với đặc thù và sản phẩm đặc sản của từng địa phương, còn mang tính tự phát và mùa vụ. Việc liên kết điểm, tuyến du lịch còn hạn chế, chưa kết nối các điểm du lịch mang tính liên tỉnh, liên vùng nên chưa kéo dài được thời gian lưu trú của du khách (thời gian lưu trú trung bình chỉ có 1-1,5 ngày/khách).

Bên cạnh đó là công tác truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch cộng đồng chưa mang tính chuyên nghiệp; Việc huy động nguồn lực cho du lịch nông thôn còn hạn chế, đặc biệt là nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp, người dân.

Cần cơ chế, chính sách đồng bộ

Về định hướng phát triển du lịch nông thôn thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, vấn đề đầu tiên đó là cần phải có chủ trương, cơ chế và chính sách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; Xây dựng và triển khai thực hiện đồng bộ các quy hoạch về du lịch gắn với tổ chức không gian, lãnh thổ, trong đó chú trọng tới phát triển các điểm du lịch cộng đồng có tiềm năng.

Xây dựng bản đồ du lịch nông thôn trên phạm vi cả nước và từng vùng miền từng địa phương, trong đó chỉ ra các khu vực có khả năng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của từng địa phương trên cơ sở liên kết, hình thành tuyến du lịch.

Cùng với đó là xác định thị trường khách du lịch mục tiêu phù hợp (trong nước, quốc tế) với từng loại hình du lịch và từng tuyến điểm du lịch, làm định hướng đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, các dịch vụ và sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu khách mục tiêu.

Tăng cường xúc tiến quảng bá, thu hút sự quan tâm của khách du lịch và các doanh nghiệp du lịch đối với loại hình sản phẩm du lịch nông thôn. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí, định mức kỹ thuật về điểm du lịch cộng đồng, trang trại du lịch, du lịch nông nghiệp và tiêu chuẩn dịch vụ du lịch nông thôn, vận hành hệ thống công cụ đánh giá, kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch nông thôn.

Đồng thời, cần đánh giá và xác định rõ vai trò của các bên liên quan trong phát triển du lịch nông thôn (nhà nước, cộng đồng, hộ có cung cấp dịch vụ và hộ không cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp,...).

Cũng theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, cần áp dụng chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông thôn, thông qua việc quảng bá sản phẩm du lịch trên mạng Internet; kết nối, quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn bằng không gian ảo; kết nối hiệu quả các ứng dụng đặt phòng, đặt tour trực tuyến; phát triển cơ sở dữ liệu về du lịch nông thôn để xây dựng bản đồ số về du lịch, kết nối các điểm du lịch, tham qua trực tuyến,...

Thí điểm xây dựng mô hình Làng du lịch thông minh tại những nơi có điều kiện phát triển

Theo ông Nguyễn Lê Phúc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Bộ VHTTDL đã đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục nghiên cứu, hỗ trợ thí điểm xây dựng mô hình Làng du lịch thông minh tại những nơi có điều kiện phát triển. Ưu tiên phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật cho khu vực được thí điểm phát triển mô hình.

Đồng thời, thực hiện đánh giá thực trạng, năng lực ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực du lịch tại khu vực nông thôn, làm cơ sở cho đề xuất các chính sách hỗ trợ, đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đúng đối tượng và hiệu quả.

Cùng với đó là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về du lịch nông thôn phục vụ cho công tác quản lý và phát triển sản phẩm; xây dựng sàn giao dịch điện tử phục vụ cho thúc đẩy điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn; Phối hợp triển khai các ứng dụng hỗ trợ cho quản lý điểm đến, quản lý chất lượng dịch vụ du lịch nông thôn.

Hỗ trợ một số địa phương, phát triển các công cụ quảng bá du lịch tích hợp nghiên cứu thị trường, xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn phù hợp thị trường mục tiêu.

Bộ VHTTDL cũng đề nghị Bộ NN&PTNT triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho người dân nông thôn tham gia phát triển du lịch các kỹ năng về ứng dụng công nghệ số. Tiếp tục kiến nghị cơ chế, chính sách thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân cho phát triển công nghệ, du lịch tại khu vực nông thôn.

Bảo Trân

 (Nguồn: bvhttdl.gov.vn)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây