Toàn cảnh buổi tọa đàm.
Xác định hướng đi không toàn màu hồng
Tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã có bài phát biểu nhằm nhìn nhận lại những khó khăn của ngành Du lịch thời gian qua, đồng thời đưa ra một số giải pháp khôi phục thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Nhìn lại sự tác động của dịch bệnh Covid-19 với nền kinh tế nói chung và lĩnh vực du lịch nói riêng, Bộ trưởng cho rằng, chỉ khi đánh giá đúng thực trạng, dự báo, phân tích đúng tình hình thì mới đưa ra được kế hoạch phục hồi ngành du lịch đúng đắn, sát với thực tiễn.
Theo Bộ trưởng, đại dịch Covid-19 tác động sâu sắc tới nền kinh tế - xã hội không chỉ ở trong nước mà ở toàn cầu. Vì vậy, sự sụt giảm suy giảm kinh tế là điều không thể tránh khỏi ở bất kỳ quốc gia nào, kể cả quốc gia có bề dày về sự phát triển, có nguồn lực lớn.
"Có người nói rằng du lịch đã chạm đáy, có người nói rằng du lịch đã bắt đầu về lại con số 0, có người nói du lịch thật ảm đạm và khó để phục hồi. Ở góc độ tiếp cận nào đó cũng phù hợp với tình hình nhưng sâu xa hơn, chúng ta phải đi tìm căn nguyên, xem xét cả yếu tố chủ quan, khách quan và bình tĩnh nhìn nhận thế nào" - Bộ trưởng bày tỏ.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại buổi tọa đàm.
Bộ trưởng cho rằng, dựa trên cơ sở khảo sát, các con số qua điều tra, nghiên cứu để thấy du lịch đã khó khăn lại càng khó khăn. Cụ thể, năm 2020, lượng khách quốc tế giảm 80%, trước đó nhờ lượng khách quốc tế này đưa vị thế du lịch Việt Nam lên top đầu của châu Á. Năm 2021 giảm đến 90% khách du lịch quốc tế (10% là chuyên gia, lao động kỹ thuật cao).
Về khách nội địa, năm 2020 có 85 triệu lượt khách nhưng sang năm 2021 hầu như đóng băng. Trong quý 1 có được một số lượng khách nhất định nhưng không bảo đảm thường xuyên.
Cơ sở lưu trú du lịch cũng bị tác động nặng nề. Qua thống kê cho thấy có đến 90% các cơ sở lưu trú đều phải đóng cửa và không hoạt động, công suất hoạt động phòng khách sạn không có, chỉ sử dụng 10% là tối thiểu.
Một vấn đề khác mà Bộ trưởng nhắc đến đó là việc làm trong ngành du lịch bị đứt gãy, nguyên nhân là do không có khách nên các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động, việc phải giãn cách xã hội cũng dẫn tới người lao động không có việc làm.
Cùng với đó, số doanh nghiệp phải rút giấy phép, xin ngừng hoạt động liên tục tăng. Hiện chỉ còn lại một phần rất ít doanh nghiệp còn trụ vững, giữ thương hiệu để chờ thời điểm phục hồi.
Từ những dẫn chứng cụ thể trên, Bộ trưởng cho rằng, những đánh giá, nhận định về ngành du lịch Việt Nam hiện nay là phù hợp nhận định chung quốc tế. Chính vì vậy, cần nghiên cứu dự báo để xác định hướng đi không toàn màu hồng, cũng không toàn màu xám xịt.
Cần chính sách hỗ trợ để không bị đứt gãy nguồn lao động
Thông tin thêm tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ VHTTDL đang được Chính phủ giao trách nhiệm tham mưu và cùng phối hợp các bộ, ngành xây dựng kế hoạch phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. Trong đó có nhóm nhiệm vụ về lĩnh vực du lịch – dịch vụ.
Ông Lê Quốc Minh - Tổng biên tập Báo Nhân dân hy vọng buổi tọa đàm sẽ thu được những kết quả thiết thực, đóng góp vào nỗ lực chung đưa du lịch hoạt động trở lại an toàn trong trạng thái bình thường mới.
"Chúng tôi đang tiếp cận theo hướng phải tiếp tục nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam, phù hợp hỗ trợ cho các địa phương, doanh nghiệp phục hồi và phát triển du lịch" - Bộ trưởng thông tin.
Ở nhóm nhiệm vụ này, thời gian qua, Bộ VHTTHDL đã đề xuất và Chính phủ, Quốc hội chấp thuận: giảm tiền điện trong cơ sở lưu trú được áp dụng thời gian khá dài; Hỗ trợ cho hướng dẫn viên du lịch, trợ cấp khó khăn cho họ khi phải chịu tác động du lịch được ban hành và thụ hưởng; Đề xuất giảm tiền ký quỹ du lịch cho các doanh nghiệp du lịch lữ hành sửa đổi theo Nghị định 168 giảm 80% nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Bộ trưởng cho biết, nhìn ra tình hình chung thế giới, nhóm chính sách về tài khóa và tín dụng là ưu tiên hàng đầu để thực hiện nhiệm vụ phục hồi và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Vì vậy, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính, ngành ngân hàng đề xuất các chính sách tín dụng, chính sách hỗ trợ. Theo đó, Bộ VHTTDL cũng đồng kiến nghị xem xét để có gói tín dụng dành cho doanh nghiệp nói chung trong đó có doanh nghiệp du lịch.
"Tôi tin rằng, khi Chính phủ ban hành chính sách đó, thì các doanh nghiệp du lịch sẽ liệu cơm gắp mắm, vay thế nào, vay bao nhiêu để có thể phục hồi" - Bộ trưởng bày tỏ.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng cho rằng, cần phải tập trung giải quyết vấn đề khó mà doanh nghiệp đang gặp phải là chính sách hỗ trợ để không bị đứt gãy nguồn lao động. Đây là yêu cầu có tính chất bắt buộc vì lực lượng lao động du lịch có tính đặc thù và chuyên biệt, được đào tạo và cấp thẻ hành nghề. Do ảnh hưởng kéo dài của dịch bệnh, một phần lao động của ngành này đã bắt đầu bỏ nghề và chuyển sang lao động khác.
"Khi thị trường mở cửa lại, ngành du lịch hoạt động, sự thiếu hụt này sẽ được bù đắp như thế nào. Chúng tôi đang đề xuất Chính phủ cùng Bộ LĐTBXH có chính sách hỗ trợ, đào tạo, tạo việc làm lại để không bị đứt gãy lao động trong doanh nghiệp du lịch" - Bộ trưởng cho biết.
Cố gắng làm mới, khu trú lại sản phẩm du lịch địa phương
Tại Tọa đàm, Bộ trưởng thông tin thêm, chiều qua (14/10), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao nhiệm vụ cho Bộ phải khẩn trương ban hành hướng dẫn về vấn đề du lịch thích ứng an toàn để có cơ sở triển khai thống nhất trên toàn quốc, không chỉ đơn lẻ ở từng tỉnh, được phép mở cửa thế nào, điều kiện an toàn ra sao, phương tiện giao thông phải được nhất quán. Hiện nay, Bộ VHTTDL đang gấp rút trình theo tinh thần Nghị quyết 128.
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh tặng hoa Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.
Ở góc độ quản lý nhà nước, Bộ cũng sẽ tổ chức hội nghị hướng dẫn triển khai đưa ra thông điệp mạnh mẽ, nhất quán trên tinh thần tạo điều kiện tối đa nhất để doanh nghiệp được sớm trở lại hoạt động du lịch, đóng góp tích cực vào kinh tế xã hội của từng địa phương, qua đó góp phần cùng quốc gia mang lại giá trị kinh tế trong bối cảnh chúng ta đang khó khăn.
Trong lĩnh vực chỉ đạo quản lý, Bộ trưởng cho rằng cần phải tập trung nghiên cứu lựa chọn một số công việc có tính chất trọng tâm và nhất là định hướng để chuyển đổi. Bởi, đại dịch Covid-19 không chỉ tác động kinh tế mà còn tác động tâm lý, tình cảm, sở thích nguyện vọng. Qua khảo sát sơ bộ, tâm lý người đi du lịch có sự thay đổi. Theo đó, nếu như trước đây, khách đi theo nhóm đông tour lớn thì nay đi theo nhóm nhỏ, gia đình.
"Bộ VHTTDL đang đề nghị các tỉnh, thành phố cố gắng làm mới, khu trú lại sản phẩm du lịch địa phương theo tinh thần một tỉnh phải có một sản phẩm du lịch tiêu biểu và kết nối an toàn cho du khách lựa chọn sản phẩm du lịch. Sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách sau đại dịch: nhóm nhỏ, an toàn, trọn gói; hướng về di tích, danh lam" - Bộ trưởng cho biết.
Ông Lê Quốc Minh - Tổng biên tập Báo Nhân dân
Ngày 11/10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" nhằm thực hiện mục tiêu kép bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân song song với khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021. Nghị quyết 128 ra đời chính là cơ hội để du lịch và lữ hành được hoạt động trở lại, không chỉ với du lịch trong nước mà cả du lịch quốc tế.
Trước đó, Thủ tướng đã đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc. Kế hoạch thí điểm thu hút khách quốc tế đến Phú Quốc đã được Bộ Chính trị đồng ý tại Kết luận số 07-KL/TW ngày 11/6/2021 về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế-xã hội, trong đó chủ trương nghiên cứu thí điểm sử dụng "hộ chiếu vaccine" với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh, như Phú Quốc (Kiên Giang).
Đây là tín hiệu vui để ngành du lịch có thêm động lực phục hồi từng bước, nhanh chóng trở lại quỹ đạo phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần của NQ 08-NQ/TW của Bộ Chính trị công bố ngày 16/1/2017.
|
Thế Công - Ảnh: Minh Khánh
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)