Trong 1.300 khu, điểm du lịch thì có đến 70% là các điểm du lịch thuộc khu vực nông thôn. Hình minh họa: Nam Nguyễn
Du lịch nông thôn đóng vai trò trong tổng thể phát triển du lịch Việt Nam
Theo ông Nguyễn Lê Phúc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Du lịch nông thôn đóng vai trò quan trọng trong tổng thể phát triển du lịch Việt Nam, trong tổ chức không gian, kết nối với đô thị và các trung tâm du lịch, góp phần mở rộng phạm vi không gian và kéo dài thời gian lưu trú của khách.
Nông thôn Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn phong phú, như văn hóa truyền thống, bản sắc cộng đồng, cảnh quan hoang sơ... Đây là những yếu tố quan trọng để hình thành điểm đến và sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn du khách.
Cũng theo ông Nguyễn Lê Phúc, phát triển du lịch nông thôn trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được xác định là một trong những động lực đem lại việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường.
Phát triển du lịch nông thôn hiệu quả sẽ góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu chính trị quan trọng là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững.
Ông Nguyễn Lê Phúc thông tin, trong Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch lồng ghép nội dung phát triển du lịch nông thôn vào Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Xu thế tất yếu
Trong báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về thực trạng và định hướng phát triển về du lịch nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, trong quá trình đô thị hoá và hiện đại hóa, nhu cầu du lịch về những vùng quê nông thôn bình dị, không khí trong lành, cảnh quan thiên nhiên gắn với các giá trị văn hóa truyền thống của khách du lịch là xu thế tất yếu, nhất là khách du lịch sinh sống ở vùng đô thị.
Đa phần tài nguyên du lịch hiện nay nằm ở nông thôn và gắn với nông nghiệp, từ rừng, núi, sông, hồ đến sản xuất nông nghiệp và các làng nghề, văn hoá truyền thống.
Thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, hiện nay, cả nước có trên 1.300 khu, điểm du lịch, trong đó có khoảng 70% là các điểm du lịch thuộc khu vực nông thôn. Du lịch nông thôn nói chung khá đa dạng, tuỳ theo tiêu chí cụ thể sẽ có cách phân loại khác nhau và các loại hình thường đan xen, hỗ trợ lẫn nhau để cùng tạo nên điểm du lịch hấp dẫn.
Thực tế phát triển tại Việt Nam thời gian qua, có thể đánh giá một số loại hình du lịch nông thôn chủ đạo là du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái. Ngoài ra, còn có các loại hình du lịch nông thôn khác như du lịch lễ hội, du lịch làng nghề, du lịch nghỉ dưỡng…
Vẫn còn phát triển nhỏ lẻ, tự phát
Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, du lịch nông thôn hiện nay chủ yếu là quy mô nhỏ, phát triển mang tính chất tự phát. Theo chủ thể khai thác, cung ứng dịch vụ du lịch, có nhiều hình thức tổ chức khai thác du lịch nông thôn như: Hộ gia đình tự đầu tư, khai thác và kinh doanh dịch vụ du lịch, phổ biến theo các homestay với việc thu hút du khách lưu trú tại gia đình, thường trải nghiệm nếp sống, văn hoá và ẩm thực cùng hộ gia đình.
Tiếp đó là hình thức cộng đồng đầu tư, quản lý, khai thác du lịch; bao gồm: Mô hình Hợp tác xã, Mô hình Ban quản lý du lịch cộng đồng; Mô hình Tổ hợp tác, quản lý theo hướng dịch vụ kinh doanh phù hợp với năng lực hạn chế của cộng đồng; Mô hình hội quán du lịch cộng đồng, có sự phối hợp cùng chính quyền địa phương và các doanh nghiệp; Mô hình câu lạc bộ du lịch, bao gồm cả doanh nghiệp, cộng đồng cùng làm du lịch.
Đối với hình thức doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá đây là loại hình khá phổ biến, với sự tham gia của các doanh nghiệp ở quy mô và tính chất chuyên nghiệp khác nhau. Hình thức này ít nhiều có ý nghĩa trong việc cải thiện cảnh quan nông thôn, tạo việc làm cho lao động địa phương, tuy nhiên so với các hình thức khác ý nghĩa lan toả trong nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn nông thôn không cao bằng.
Một hình thức khai thác du lịch nông thôn khác đó là đầu tư trang trại nông nghiệp có kết hợp dịch vụ du lịch.
Cùng với đó là hình thức liên kết với giữa tổ chức, cá nhân và cộng đồng địa phương cung ứng dịch vụ du lịch. "Đây là hình thức phát triển kết hợp giữa nhiều hình thức trên, nên nếu được phát triển đúng hướng, có sự giám sát phù hợp sẽ phát huy được tối đa lợi thế của từng hình thức" - Báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nêu rõ.
Bảo Trân
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)