SharePoint
Liên kết web
 
 

Văn Miếu - Quốc Tử Giám tăng kết nối giới trẻ với các không gian di sản

29/09/2021 17:27
(TTCNTT) - Trong thời kỳ bình thường mới, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám sẽ có nhiều hoạt động hướng tới giới trẻ, để họ hiểu hơn về di sản, để di tích phát huy giá trị trong xã hội hiện nay.

Di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám sẽ có hướng tiếp cận mới trong giai đoạn hậu giãn cách. (Ảnh: vanmieu.gov.vn)

Di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám sẽ có sự thay đổi cả về hình ảnh và cách thức hoạt động, cách tiếp cận công chúng để khu Di tích Quốc gia đặc biệt phát huy giá trị di sản trong bối cảnh bình thường mới.

Đó là nội dung dự án Không gian Văn hóa Quốc Tử Giám do Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám phối hợp với tổ chức văn hóa-giáo dục phi lợi nhuận Gavisto Diplomat và các đơn vị liên quan thực hiện.

Trang Fanpage và Instagram Không gian văn hóa Quốc Tử Giám đã được lập ra để quảng bá cho các sự kiện cũng như cung cấp các thông tin về lịch sử Việt Nam trung đại tới người đọc một cách hệ thống, gần gũi và thú vị.

Đầu tháng 10, dự án sẽ tổ chức mạn đàm “Đạo học trong Không gian Văn hóa Quốc Tử Giám” theo hình thức trực tuyến, với sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Các chuyên gia sẽ chia sẻ về giáo dục Việt Nam trung đại, sứ mệnh của Quốc Tử Giám trong việc truyền tải và giữ gìn các giá trị trên, sức sống và hình thức truyền tải các giá trị này trong bối cảnh giáo dục hiện đại, khơi dậy tinh thần đạo học trong bối cảnh giáo dục hiện đại... Nhiều chương trình thảo luận về lịch sử, văn hóa Việt cũng đã được lên kế hoạch tổ chức.

Văn Miếu đang có sự đổi thay về cách thức hoạt động, nhận diện hình ảnh để phù hợp hơn với người trẻ. (Ảnh: Gavisto Diplomat)

Bà Hoàng Đoan Trang, đại diện Gavisto Diplomat, cho biết dự án hướng tới kết nối những người trẻ đến với không gian di sản thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật gần gũi, thú vị, giúp các bạn trẻ khơi dậy tình yêu với lịch sử, văn hóa của đất nước mình và chung tay bảo tồn, kế thừa những giá trị đó. Ngoài ra, dự án còn tái hiện lại các hoạt động giảng dạy và học tập tại không gian Quốc Tử Giám, giúp đưa di tích trở thành một không gian sinh hoạt văn hóa gần gũi và bổ ích với mọi đối tượng, đặc biệt là các bạn trẻ.

“Văn Miếu không chỉ là nơi các sỹ tử cầu đỗ đạt, du khách tới tham quan mà nơi đây còn có Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam, là nơi đào tạo anh tài của đất nước. Bởi vậy, dự án mong muốn hình ảnh của di tích trở nên gần gũi hơn với đời sống và văn hóa của con người hiện đại,” bà chia sẻ.

Tiến sỹ Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm, cũng khẳng định nguyện vọng đổi mới hình ảnh cho Văn Miếu-Quốc Tử Giám, để di tích không chỉ là nơi đến tham quan, dâng hương, mà trở thành địa điểm diễn ra hoạt động về văn hóa, khoa học, giáo dục, nơi trưng bày các sản phẩm sáng tạo, cảm hứng cho sự sáng tạo.

“Trung tâm đã áp dụng công nghệ mới trong quảng bá, phát huy giá trị di tích; xây dựng các sản phẩm du lịch, các hoạt động để phục vụ khách tham quan ngay trong giai đoạn hậu giãn cách,” ông Lê Xuân Kiêu cho biết.

Theo TTXVN

 (Nguồn: bvhttdl.gov.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây