SharePoint
Liên kết web
 
 

Tăng cường phòng chống lụt bão cho 43 di tích xuống cấp trong khu phố cổ Hội An

28/09/2021 14:06
(TTCNTT) - UBND TP Hội An vừa có văn bản gửi Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (Trung tâm); UBND các phường Minh An, Sơn Phong, Cẩm Phô về việc phối hợp triển khai công tác và tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống lụt bão cho các di tích trong khu phố cổ.

Nhà cổ ở 34 Bạch Đằng tạm thời giăng cảnh báo yêu cầu hạ giải trước mùa mưa bão.

Qua khảo sát của Trung tâm, tổng số di tích xuống cấp trong khu phố cổ năm 2021 là 43 di tích, trong đó có 9 di tích xuống cấp nghiêm trọng; 23 di tích xuống cấp nặng; 11 di tích xuống cấp nhẹ. Trung tâm hỗ trợ chống đỡ 6 di tích; chủ di tích tự chống đỡ bổ sung 26 di tích, ngoài ra đề nghị hạ giải 11 di tích vì không còn khả năng chống đỡ.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An, trước tình hình khảo sát các di tích như trên, để có biện pháp chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết trong thời gian tới, đồng thời để đảm bảo cho tính mạng và tài sản của nhân dân, đặc biệt là người dân sống trong di tích khu phố cổ, UBND TP Hội An có ý kiến chỉ đạo cụ thể: Giao UBND phường Minh An, phường Sơn Phong, Cẩm Phô chủ động liên hệ, thông báo với các chủ di tích không hạ giải di dời nơi khác, không ở bên trong di tích khi có bão, lụt và thiên tai xảy ra và phải có bản cam kết thực hiện của chủ di tích.

Ngoài ra, liên hệ với một số chủ di tích trong diện xuống cấp để có biện pháp, kế hoạch tu bổ, sửa chữa, biện pháp bao che bên ngoài và treo biển báo nguy hiểm, không được sử dụng cho đến khi di tích được tu bổ, sửa chữa an toàn;… Giao UBND phường Minh An liên hệ với chủ di tích nhà cổ số 34 Bạch Đằng để hạ giải toàn bộ di tích trước mùa mưa, bão năm nay và báo cáo UBND TP sau khi thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Sơn cũng lưu ý UBND các phường nói trên tiếp tục thông báo đến các chủ di tích, đặc biệt là các di tích xuống cấp có biện pháp chủ động kiểm tra, tự chống đỡ cho các di tích của mình trước mùa mưa bão. Trường hợp chủ di tích không có gỗ để chống đỡ thì liên hệ với Trung tâm để mượn gỗ chống đỡ. Đồng thời vận động chủ di tích chặt tỉa các cành cây nằm trong vườn nhà nhằm hạn chế sự tác động xấu đến di tích khi có thiên tai xảy ra; chủ động di dời đến nơi an toàn khi có bão, lũ xảy ra, không sinh hoạt tại các vị trí nguy hiểm do di tích, nhà ở bị xuống cấp. Tiếp tục rà soát các di tích xuống cấp có nguy cơ sụp đổ trên địa bàn, thông báo cho Trung tâm để có kế hoạch khảo sát kịp thời và có biện pháp chống đỡ phù hợp cho di tích.

Trung tâm cần tăng cường theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của các địa phương trên để có biện pháp nếu xảy ra khó khăn, thông báo kịp thời cho UBND TP Hội An để có hướng xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn tính mạng người dân và di tích trong mùa mưa bão sắp đến…

Trong một diễn biến khác, UBND tỉnh Quảng Nam vừa có thông báo gửi UBND TP Hội An, theo đó thống nhất giao UBND TP Hội An khảo sát, đánh giá, lựa chọn giải pháp phù hợp để khắc phục sụt lún đoạn kè bảo vệ khu đô thị cổ Hội An từ chùa Cầu đến cầu Cẩm Nam đường Bạch Đằng, dọc sông Thu Bồn và đề xuất mức kinh phí hỗ trợ phù hợp. Văn Hóa số 3623 ngày 24.9 cũng đã có tin " Sụt lún đoạn kè ven sông, nhà dân trong khu phố cổ Hội An lo lắng" phản ánh về tình trạng sụt lún này. Điểm sụt lún nằm trên đoạn kè thuộc tuyến kè bảo vệ khu phố cổ Hội An và điểm sụt lún thứ 2 trên tuyến kè này kể từ cuối năm 2020. Đến nay, TP Hội An đã quyết định chi 1 tỉ đồng để tạm thời triển khai các biện pháp khắc phục sự cố trên bằng cách lót vải địa, đổ cát bù tại vị trí nói trên.

Theo Báo Văn hóa

 (Nguồn: bvhttdl.gov.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây