1. Đề nghị có cơ chế hỗ trợ xây Nhà văn hóa thôn vì sau khi sáp nhập Nhà văn hóa các thôn đa số không đảm bảo việc sinh hoạt tại cộng đồng. Hiện nay UBND tỉnh Hà Nam mới hỗ trợ xây dựng Nhà văn hóa có trên 250 chỗ ngồi mới được 70 triệu đồng. Đề nghị ngân sách Nhà nước hỗ trợ thêm kinh phí cho các thôn.
2. Đề nghị lập quy hoạch chi tiết đề án tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử di tích Chùa Long Đọi Sơn (Di tích lịch sử Quốc gia), xây dựng kế hoạch hằng năm để tu bổ, tôn tạo, phục hồi các hạng mục của Chùa đã xuống cấp.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có trả lời cử tri.
Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Công văn số 2974/BVHTTDL-VP ngày 17/8/2021 về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, như sau:
1. Về đề nghị có cơ chế hỗ trợ xây Nhà văn hóa thôn vì sau khi sáp nhập Nhà văn hóa các thôn đa số không đảm bảo việc sinh hoạt tại cộng đồng
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", trong thời gian qua, nhiều tỉnh/thành trong cả nước đã tổ chức sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp và sáp nhập các tổ dân phố, khu dân cư (khu vực thành thị), thôn, làng, bản, ấp... (khu vực nông thôn) đáp ứng các tiêu chí theo quy định. Sau khi sáp nhập, nhiều nơi diễn ra tình trạng một thôn có nhiều Nhà văn hóa. Căn cứ theo tình hình cụ thể, có địa phương tiếp tục sử dụng các nhà văn hóa trên địa bàn thôn để phục vụ dân cư hoặc có nơi đầu tư xây mới.
Trong quá trình xây dựng cơ sở vật chất mới, các địa phương chủ động và căn cứ tình hình thực tiễn để vận dụng, quyết định bố trí ngân sách theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 5 Thông tư số 06/2011/TT-BVHTTDL ngày 08/3/2011 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của nhà văn hóa - khu thể thao thôn theo hướng: Ngân sách Trung ương hỗ trợ một phần từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia (nếu có), từ nguồn ngân sách địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã), từ nguồn nhân dân tự nguyện đóng góp và nguồn huy động từ các tổ chức, doanh nghiệp.
2. Đề nghị lập quy hoạch chi tiết đề án tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử di tích chùa Long Đọi Sơn (còn gọi là chùa Đọi Sơn), xây dựng kế hoạch hằng năm để tu bổ, tôn tạo, phục hồi các hạng mục của Chùa đã xuống cấp
Chùa Đọi Sơn được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2082/QĐ-TTg ngày 25/12/2017. Theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 11 Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh "Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có di tích và Thủ trưởng bộ, ngành được giao trực tiếp quản lý di tích có trách nhiệm tổ chức lập nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích". Do đó, UBND tỉnh Hà Nam là cơ quan tổ chức lập quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích chùa Đọi Sơn. Sau khi nhận được nhiệm vụ lập quy hoạch, quy hoạch di tích, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch, quy hoạch di tích trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.
Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, từ những năm 2000, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã quan tâm đầu tư tu bổ, bảo tồn nhiều hạng mục công trình di tích quan trọng của di tích quốc gia chùa Đọi Sơn như: Tam quan, Tam bảo, nhà Tổ, nhà bia, hố trưng bày khảo cổ, hạ tầng kỹ thuật di tích… Vì vậy, để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và nhà chùa trông nom, bảo vệ, phát huy giá trị di tích sau đầu tư, không để di tích xuống cấp.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở các chương trình, đề án, dự án liên quan đến bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nếu được tiếp tục triển khai và đề xuất của UBND tỉnh Hà Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổng hợp và phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, hỗ trợ thực hiện tu bổ, tôn tạo di tích chùa Đọi Sơn phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh Hà Nam chủ động đưa kinh phí thực hiện tu bổ, tôn tạo di tích chùa Đọi Sơn vào kế hoạch đầu tư công trung hạn của địa phương và bố trí từ ngân sách địa phương cùng với việc huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam để trả lời cử tri.
>> Toàn văn nội dung văn bản.
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)