Quảng Ninh xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và dành sự quan tâm đầu tư hạ tầng du lịch theo hướng hiện đại, tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch. Ảnh NGỌC HÂN
Chưa thực sự có chính sách tạo sự đột phá cho du lịch phát triển
Có thể thấy, trong Nghị quyết 08, kỳ vọng đặt ra đối với ngành Du lịch rất nhiều: “Mục tiêu đến năm 2020, ngành Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; thu hút 17- 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỉ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỉ USD; Tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch Việt Nam thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành Du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á”.
Nếu vẫn theo đà phát triển năm 2019, đến năm 2020, chắc chắn những gì đặt ra trong Nghị quyết 08 sẽ đạt được. Đáng tiếc, đại dịch Covid-19 xảy ra và có tác động tiêu cực đến toàn thế giới, ở mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội, chính trị… khiến cho ngành Du lịch chưa thể đạt được trọn vẹn những gì mà Nghị quyết 08 đề ra.
Từ khi thực hiện Nghị quyết 08, du lịch đã phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng cao, làm thay đổi bộ mặt của nhiều địa phương. Ảnh BÌNH THUẬN
Bên cạnh đó, chặng đường gần 5 năm qua, việc triển khai Nghị quyết 08, đưa các chỉ đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước, thành các hành động cụ thể, phát huy cao các giá trị của Nghị quyết này trong thực tế đối với doanh nghiệp du lịch còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhiều địa phương đã quán triệt việc thực hiện Nghị quyết 08 tới tất cả các cấp, các ngành của địa phương mình, có những thay đổi cơ bản nhận thức về ngành Du lịch, dần xóa bỏ tư tưởng bao cấp, vận hành du lịch theo quy luật kinh tế thị trường, làm thay đổi bộ mặt kinh tế xã hội của địa phương… Tuy nhiên, cũng có nhiều địa phương chưa thực sự nắm bắt được tinh thần của Nghị quyết; chưa thực sự coi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hoá và hội nhập quốc tế cao, mang nội dung văn hoá sâu sắc; còn lúng túng trong thực hiện hoặc vào cuộc với quyết tâm không cao.
Nghị quyết 08 đã khẳng định rõ quan điểm: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và của toàn xã hội. Cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp uỷ Đảng; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; tập trung nguồn lực quốc gia cho phát triển du lịch.
Cần những chính sách cởi mở cho du lịch phát triển. Ảnh TRƯỜNG ĐẠT
Thế nhưng, quá trình phát triển, các doanh nghiệp rất quan tâm đến chính sách thị thực (visa) xuất nhập cảnh của Việt Nam. Doanh nghiệp mong muốn Nhà nước có các chính sách đột phá về visa để tạo điều kiện cho ngành thu hút được nhiều khách hơn, mở rộng được thị trường, đặc biệt các thị trường có khách chi trả cao và ở dài ngày. Tuy nhiên, 5 năm qua chưa có đột phá đáng kể về chính sách visa. Về độ mở theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam vẫn xếp hạng ở nhóm thấp nhất ở Đông Nam Á. Trong khi Du lịch các nước trong khu vực đang cạnh tranh gay gắt với Việt Nam bằng chính sách miễn visa cởi mở. Thái Lan miễn visa cho 57 nước, Indonesia miễn visa cho 163 nước (chủ yếu là miễn đơn phương), Malaysia miễn visa 162 nước, Singapore miễn visa cho 80% các quốc gia trên thế giới thì Việt Nam chỉ dừng lại ở 24 nước (trong đó có 15 nước miễn visa đơn phương).
Vài năm trở lại đây, chúng ta đã triển khai chế độ cấp visa điện tử, tuy nhiên số lượng xin visa điện tử còn thấp, thủ tục khai báo chưa thuận lợi. Mặt khác, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cấp visa đã trở thành phổ biến trên thế giới, nó không tạo ra hiệu ứng mạnh như miễn visa. Sắp tới, cũng cần phải có những chính sách thuận lợi, chặt chẽ, đảm bảo an toàn để mở cửa trở lại thị trường quốc tế với việc đẩy nhanh miễn dịch cộng đồng, tiêm vắcxin toàn dân và chung sống với dịch bệnh thì mới có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới.
Những chính sách về giá điện, thuế đất, tiền thuê đất áp dụng cho các cơ sở lưu trú, dự án du lịch chưa được như chỉ đạo tại Nghị quyết 08. Ảnh HOÀNG HÀ
Một số chính sách đã được nêu trong Nghị quyết 08 như: “điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú ngang bằng với giá điện sản xuất; có chính sách phù hợp về thuế sử dụng đất và tiền thuê đất đối với các dự án du lịch có hệ số sử dụng đất cho xây dựng thấp và hạn chế về chiều cao, chính sách đất đai hợp lý đối với diện tích xây dựng ký túc xá, nhà ở cho người lao động du lịch tại những nơi hạn chế về nguồn nhân lực; tạo điều kiện thuận lợi hoàn thuế giá trị gia tăng cho khách du lịch….”. Tuy nhiên, cho đến nay những chính sách trên cơ bản chưa thực hiện được. Giá điện, tiền thuê đất giảm những tháng gần đây và những tháng tiếp theo cũng là để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Nghị quyết 08 còn chỉ rõ, đối với những vấn đề cấp bách cần triển khai ngay để tạo đột phá cho du lịch phát triển, nếu chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định hoặc có quy định khác thì cho thực hiện thí điểm. Thực tế, rất hiếm chính sách thí điểm phục vụ cho ngành Du lịch tạo sự đột phá.
Triển khai nghiêm túc Nghị quyết 08 sẽ tạo bước ngoặt cho ngành Du lịch
Cho đến giờ, dù có những biến cố không ngờ xảy ra, khiến du lịch rơi vào khủng hoảng trầm trọng nhưng những quan điểm, mục tiêu, giải pháp nhằm tạo sự thống nhất trong tư duy và hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội về phát triển du lịch đã được nêu trong Nghị quyết 08 vẫn còn nguyên giá trị. Vì thế, theo tôi, chỉ cần hiểu đúng tinh thần của Nghị quyết, thực hiện nghiêm Nghị quyết 08 đã tốt cho ngành Du lịch lắm rồi.
Nghị quyết 08 yêu cầu tập trung vào nhóm giải pháp cơ cấu lại ngành Du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Trong đó, hoàn thiện cơ cấu ngành Du lịch, bảo đảm phát triển đồng bộ trong tổng thể phát triển của nền kinh tế quốc dân. Rà soát, điều chỉnh chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch theo hướng tập trung nguồn lực xây dựng các khu vực động lực phát triển du lịch. Đồng thời đề ra những ưu tiên trong quá trình tái cơ cấu ngành Du lịch, gồm có: phát triển kết cấu hạ tầng du lịch; liên kết chuỗi giá trị đầu vào của các ngành; tập trung phát triển các dòng sản phẩm chủ đạo có sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao; nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch; đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến quảng bá; đảm bảo môi trường du lịch an toàn, văn minh.
Sản phẩm du lịch chủ yếu do các doanh nghiệp du lịch đầu tư, xây dựng. Ảnh PHẠM HÀ
Có thể nói, sản phẩm là yếu tố quan trọng hàng đầu để thu hút khách du lịch. Nhưng do không được đầu tư đúng mức, sản phẩm du lịch ở nhiều khu vực hiện nay vẫn bị trùng lặp, đơn điệu. Ví dụ như khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhiều sản phẩm du lịch truyền thống như chợ nổi, du lịch miệt vườn, du lịch sông nước đang suy giảm và có thể bị biến mất trong tương lai gần. Miền Trung chủ yếu phát triển du lịch biển đảo nhưng là có gì phát triển nấy chứ chưa có nhiều khu được đầu tư quy mô, bài bản. Du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng phát triển khắp nơi trên cả nước nhưng đến nay vẫn chưa có định hướng, chính sách thống nhất trên toàn quốc. Việc đầu tư nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch ở nhiều địa phương là rất ít. Chủ yếu là trông cậy vào việc đầu tư, xây dựng sản phẩm du lịch của doanh nghiệp. Tuy nhiên, có một thực tế là 95% doanh nghiệp du lịch là doanh nghiệp vừa, nhỏ, thậm chí siêu nhỏ nên hầu hết việc đầu tư còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, phần lớn chỉ dùng các sản phẩm cũ, trùng lặp.
Việc đầu tư phát triển các dịch vụ du lịch như: ẩm thực, bán hàng, vui chơi giải trí, dịch vụ đêm... mới chỉ nghiên cứu trên giấy tờ chứ chưa đi vào thực tế và chưa được khuyến khích phát triển nhiều.
Chưa có nhiều chính sách để phát triển các dịch vụ du lịch đêm. Ảnh HOÀNG HÀ
Nguồn nhân lực du lịch ở nhiều nơi đang bị thiếu và yếu. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong thu hút nguồn nhân lực du lịch là rất nặng nề. Trong khi đó, cơ quan Nhà nước chưa có giải pháp phù hợp để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong lĩnh vực nhân lực. Kinh phí Nhà nước hỗ trợ cho đào tạo nguồn nhân lực là rất nhỏ bé.
Công tác quảng bá, xúc tiến cũng còn nhiều bất cập. Hiện nay hầu hết doanh nghiệp du lịch nhỏ về quy mô, yếu về tiềm lực kinh tế, do vậy khó huy động nguồn lực xã hội trong công tác xúc tiến du lịch. Trong khi đó, doanh nghiệp du lịch chỉ xúc tiến sản phẩm của mình còn việc giới thiệu điểm đến là của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Hầu hết các địa phương không triển khai công tác xúc tiến du lịch mà chỉ tập trung tổ chức lễ hội, ngày văn hóa du lịch của địa phương. Lễ hội tuy cũng góp phần thu hút khách nhưng không nhiều và thực tế đang có sự lẫn lộn giữa tổ chức các lễ hội và làm quảng bá xúc tiến du lịch ở địa phương. Do vậy, kinh phí xúc tiến du lịch đã ít lại gây lãng phí và làm khó cho doanh nghiệp khi thường xuyên bị huy động đóng góp cho các sự kiện ở địa phương.
Liên kết du lịch giữa TP.HCM và các vùng miền trên cả nước gần đây đã tạo hiệu ứng phát triển mạnh mẽ, hình thành các sản phẩm du lịch liên vùng, giải bài toán trùng lắp giữa các địa phương
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa và hội nhập quốc tế cao, mang nội hàm văn hóa sâu sắc. Sản phẩm du lịch không có ranh giới địa bàn do vậy cần có các chính sách để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được khai thác sản phẩm du lịch không giới hạn địa giới hành chính. Đó là lý do cần có để hình thành các liên kết vùng.
Trong thời gian qua, ngành Du lịch đã triển khai ký kết nhiều liên kết vùng nhưng hiệu quả nói chung còn thấp. Sự cam kết của các cơ quan Nhà nước về du lịch khi ký kết còn lỏng lẻo. Sự phân công trách nhiệm rất khó khăn và không rõ ràng. Chỉ có liên kết giữa các doanh nghiệp trong việc liên kết xây dựng sản phẩm du lịch chung, xúc tiến, bán sản phẩm chung, liên kết đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho doanh nghiệp… là có tính khả thi. Tuy nhiên, cơ quan phối hợp các liên kết doanh nghiệp là các Hiệp hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp lại không có nguồn lực, điều kiện để tổ chức các liên kết này.
Nghị quyết 08 có ý nghĩa lịch sử đối với sự nghiệp phát triển Du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều nội dung của Nghị quyết chưa được các cơ quan phối hợp triển khai. Để du lịch có những bước phát triển đột phá mới, đặc biệt là sau cơn “cuồng phong” Covid-19, các doanh nghiệp du lịch tha thiết đề nghị lãnh đạo Đảng và Nhà nước có các chỉ đạo mạnh mẽ để tất cả các ngành liên quan, các địa phương phải tiếp tục đầu tư, triển khai nghiêm túc các nội dung đã nêu trong Nghị quyết 08.
Báo Văn hóa, PHẠM HẢI QUỲNH, Chủ tịch Hội du lịch Cộng đồng Việt Nam- VCTC
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)