Điện ảnh là lĩnh vực nghệ thuật duy nhất có quy phạm pháp luật điều chỉnh ban hành bằng văn bản luật của Quốc hội và được quan tâm xây dựng hệ thống văn bản pháp quy đầy đủ để tạo cơ sở, hành lang pháp lý cho sự hoạt động và phát triển. Luật điện ảnh 62/2006/QH11 ngày 29/06/2006 của Quốc hội, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2007 (gọi tắt là Luật điện ảnh) đã được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện ảnh số 31/2009/QH12 ngày 18/06/2009 của Quốc hội, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2009. Hiện nay, Luật điện ảnh được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành bởi 01 nghị định, 02 quyết định và 06 thông tư của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (trong đó có 01 quyết định đã được sửa đổi, bổ sung). Như vậy, tuy hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này không nhiều, nhưng khá ổn định và thống nhất.
Ảnh minh họa (Minh Khánh)
Về mặt tích cực, Luật Điện ảnh năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã tạo nên hành lang pháp lý quan trọng cho các chủ thể, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, tạo cơ sở để phát triển điện ảnh Việt Nam. Doanh thu điện ảnh trong những năm gần đây tăng trung bình từ 25 - 30% năm. Số lượng phim Việt Nam sản xuất ngày càng tăng, đặc biệt đa số được sản xuất bằng nguồn xã hội hóa.
Do điều kiện cần có cho hoạt động sản xuất phim là vốn. Trong Dự thảo nêu chỉ tiêu: "Sản xuất 55-60 phim truyện/năm; 35-40 phim hoạt hình/năm; 45-50 phim tài liệu, phim khoa học/năm" khiến tôi thấy băn khoăn vì cho rằng hơi cao, khi chưa xác định rõ nguồn vốn sản xuất từ đâu, tỷ lệ ra sao, cụ thể sẽ có bao nhiêu phim do nhà nước đặt hàng, bao nhiêu phim được tài trợ, bao nhiêu phim sẽ được huy động vốn theo hình thức xã hội hóa… thì sẽ khó thực hiện.
Trong thời đại bùng nổ khoa học kỹ thuật, công nghệ và đất nước chuyển mạnh sang cơ chế kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng, sau 15 năm thi hành Luật Điện ảnh (2006 - 2021), thực tế đã cho thấy nhiều điểm hạn chế, bất cập, không phù hợp với thực tế. Đó là những bất cập về khai thác, phổ biến phim trên môi trường internet; tình trạng công ty nước ngoài nắm giữ đa số thị phần phim trong nước và cạnh tranh không lành mạnh, vấn đề vi phạm bản quyền… với nhiều diễn biến phức tạp mà luật chưa quy định, chưa có chế tài xử lý, hoặc mức xử phạt thấp không có tính răn đe. Thêm nữa, sự thay đổi phương thức thương mại cùng nhiều cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết, các chính sách quản lý hiện nay đang hạn chế việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh.
Cùng với đó, mặc dù chủ trương xã hội hóa hoạt động điện ảnh đã được đề cập tại Luật Điện ảnh hiện hành, song thực tế các nhà quản lý vẫn chưa sẵn sàng "san sẻ" quyền tự quyết cho các cơ sở điện ảnh. Một số quy định của Luật Điện ảnh còn chưa bảo đảm tính khả thi, còn quá tập trung vào công tác quản lý Nhà nước mà chưa có các quy định cụ thể về biện pháp mang tính phát triển trong hoạt động đa dạng của lĩnh vực điện ảnh.
Vì những lý do nêu trên, việc bổ sung, sửa đổi Luật Điện ảnh hiện hành nay đã trở nên yêu cầu bức thiết.
Một số bộ phim điện ảnh Việt Nam (ảnh minh họa)
Hòa cùng bước chuyển của nền kinh tế đất nước sang thể chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; sau hơn 2 thập kỷ thực hiện chính sách của Chính phủ về xã hội hóa hoạt động điện ảnh Điện ảnh Việt Nam đã thực sự chuyển mình sang thể chế kinh tế thị trường. Về mặt tích cực, quá trình xã hội hóa đã huy động được nhiều nguồn lực tư nhân tham gia vào hoạt động điện ảnh và làm phim truyền hình. Chính sự tham gia của tư nhân khiến sản lượng phim Việt tăng nhanh (hiện đạt khoảng 50 phim truyện điện ảnh/năm) và tạo nên thị trường điện ảnh khá sôi động ở các đô thị lớn, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh. Là những bộ phim được sản xuất với mục đích thương mại, phim thị trường do tư nhân sản xuất đang là dòng phim chủ đạo của Điện ảnh Việt hiện nay. Tuy nhiên tập trung khai thác những đề tài thuần giải trí và đậm tính thương mại hướng tới phục vụ đối tượng khán giả chủ yếu là thanh thiếu niên đô thị, phim tư nhân dường như đang xa rời chức năng giáo dục lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và những tư tưởng, thẩm mĩ cao đẹp cho công chúng, đặc biệt là tuổi trẻ.
Trong khi đó các cơ sở sản xuất, phát hành phim, chiếu bóng đã có những năm tháng đóng góp cho nền Điện ảnh Cách mạng nay phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong bước chuyển sang cơ cấu tổ chức doanh nghiệp tự chủ. Đến nay 4 đơn vị của ngành đã cổ phần hóa là Hãng phim Giải phóng, Hãng phim truyện I, Hãng phim truyện Việt Nam và Hãng phim Hoạt hình Việt Nam; trong khi Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương vẫn giữ cơ cấu tổ chức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Thực tế cho thấy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp điện ảnh nhà nước không hẳn tạo nên hiệu ứng tích cực. Hiện nay Công ty CP Phim hoạt hình Việt Nam vẫn duy trì kế hoạch sản xuất ổn định do có nguồn đặt hàng sản xuất phim của Nhà nước; trong khi Công ty CP Phim Giải phóng, Công ty CP Phim truyện I đang bươn chải trong sóng gió thị trường. Còn sự tồn tại của Công ty CP Đầu tư và phát triển Phim truyện Việt Nam hình thành từ Hãng phim truyện Việt Nam đang đặt trước dấu hỏi lớn do nhà đầu tư chiến lược là Tổng Công ty Vận tải Thủy (Vivaso) bị Chính phủ yêu cầu thoái vốn do những sai phạm trong quá trình cổ phần hóa đơn vị.
Về vĩ mô, Chiến lược và Quy hoạch "Phát triển điện ảnh đến năm 2020 và Tầm nhìn đến năm 2030" mặc dù được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ cuối năm 2013 nhưng đến nay mới chỉ được đầu tư từng phần khiến Điện ảnh vẫn chưa thể có bước chuyển mang tính đột phá hướng tới nền công nghiệp văn hóa thực sự. Nếu cứ triển khai thực hiện đầy đủ những tiêu chí và hạng mục cụ thể của Chiến lược và Quy hoạch trên đây đã là đầy đủ lắm rồi (!)
Do mất dần đi sự hỗ trợ của Nhà nước cho sản xuất phim; dòng chảy Điện ảnh thời gian qua (ngoại trừ lĩnh vực phim tài liệu, khoa học và hoạt hình) có lúc đứt gãy bởi thiếu vắng mảng phim đề tài lịch sử, kháng chiến, cách mạng, tâm lý xã hội... có khả năng định diện nền Điện ảnh Việt Nam, góp phần chấn hưng, bồi bổ nội lực tinh thần dân tộc, giữ vững nhân tâm, ổn định tình hình đất nước làm động lực thúc đẩy công cuộc Đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Là một ngành nghệ thuật tổng hợp, sản phẩm điện ảnh sau công đoạn sáng tác - sản xuất phải qua khâu phát hành, phổ biến mới đến được với khán giả. Trong thời kỳ hưng thịnh của Điện ảnh Việt Nam (trước giai đoạn xã hội hóa, cổ phần hóa), một tổ chức phát hành phim hùng hậu với hệ thống rạp chiếu trên khắp các tỉnh, thành, vùng sâu vùng xa, nơi biên cương hải đảo Tổ quốc đã thực sự làm tốt nhiệm vụ đưa phim đến khán giả và qua đó tích cực hỗ trợ Điện ảnh thực hiện chức năng giáo dục, bồi bổ nhận thức tư tưởng, thẩm mỹ cho quần chúng theo đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng. Thế nhưng, trong bước chuyển sang kinh tế thị trường và xã hội hóa hoạt động điện ảnh hệ thống phát hành phim nhà nước đang từng bước tan rã. Thị trường phát hành phim hiện nay chủ yếu do tư nhân làm chủ; nhưng các công ty tư nhân nội địa chỉ nắm được trên 20% lượng phòng chiếu trong khi các doanh nghiệp phát hành, phổ biến phim có yếu tố đầu tư nước ngoài chiếm tới 65% thị phần. Với mục đích hàng đầu là lợi nhuận, các doanh nghiệp nước ngoài ưu tiên nhập khẩu và chiếu phim ngoại nhập - nhất là phim Mỹ (được nhập thoải mái do không bị áp hạn ngạch khi ta đàm phán ra nhập WTO, trong khi Chính phủ và quản lý ngành cũng chưa có các biện pháp mang tính "rào cản kỹ thuật" để hạn chế) khiến phim Việt rất khó vào rạp.
Ảnh minh họa (Minh Khánh)
Để Luật Điện ảnh phát huy tác dụng hơn nữa trong việc thúc đẩy Điện ảnh Việt Nam phát triển bền vững trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập và toàn cầu hóa với đóng góp hiệu quả về kinh tế - xã hội, theo chúng tôi rất cần:
1. Tiếp tục thể chế hóa các nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng như Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 5 - Khóa VIII về "Xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc", Nghị quyết 23 của Bộ chính trị "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới"; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 - Khóa XI về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước".
2. Thúc đẩy hình thành nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam theo hướng hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng tốt nhu cầu về đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân; trong đó điện ảnh tư nhân được khuyến khích phát triển lành mạnh theo quy luật thị trường, khu vực điện ảnh từng thuộc nhà nước nay đã cổ phần hóa hoặc chuyển đổi cơ cấu tổ chức có điều kiện tiếp tục phát triển.
3. Nhà nước xem xét tạo nguồn tài chính ban đầu làm cơ sở cho Qũy hỗ trợ phát triển điện ảnh Quốc gia triển khai hoạt động. Tuy nhiên, với mục đích góp phần phát triển điện ảnh dân tộc, cần tập trung dành nguồn lực tài chính của Quỹ cho những dự án làm phim có triển vọng đạt tới giá trị nội dung và nghệ thuật cao về đề tài lịch sử, cách mạng, kháng chiến, bảo vệ phát huy những giá trị dân tộc truyền thống, nhân văn và những dự án phim nghệ thuật, phim "tác giả", phim đầu tay, phim thiếu nhi... có sự tìm tòi làm phong phú ngôn ngữ điện ảnh.
4. Từ kinh nghiệm cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, Luật cần có điều khoản cụ thể quy định phương thức cổ phần hóa phù hợp với lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho các đơn vị tiếp tục phát triển nghề nghiệp.
5. Đối với công tác phát hành, phổ biến phim
- Có quy định cụ thể nhằm khôi phục và tăng cường hệ thống phát hành phim và chiếu bóng địa phương.
- Có quy định cụ thể nhằm khắc phục tình trạng các công ty điện ảnh nước ngoài hiện đang lấn lướt hoạt động phổ biến, phát hành phim tại Việt Nam.
6. Nên nghiên cứu thấu đáo kiến nghị của của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về việc: Bãi bỏ Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phim; bãi bỏ văn bản chấp thuận đặt văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh Việt Nam tại nước ngoài; bãi bỏ quy định người nhập khẩu phim phải có rạp chiếu phim; bãi bỏ quy định về cấp phép văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh nước ngoài tại Việt Nam; cải tiến việc cấp giấy phép hợp tác, liên doanh sản xuất, cung ứng dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức cá nhân, nước ngoài sao cho phát huy tác dụng khuyến khích các doanh nghiệp điện ảnh trong, ngoài nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; giảm dần độc quyền kiểm duyệt phim của cơ quan quản lý ngành theo lộ trình thích hợp…
Ảnh minh họa (Nam Nguyễn)
7. Hiện nay, nhờ công nghệ phát triển việc phổ biến phim qua mạng internet ngày càng phát triển với số lượng, thời lượng phim trên internet rất lớn, vượt xa các hình thức phổ biến phim khác, kể cả truyền hình và không xác định được biên giới lãnh thổ. Với khối lượng khổng lồ như vậy thì các công tác quản lý như kiểm duyệt trước khi phổ biến, lưu trữ, lưu chiểu, sẽ cần phải được đổi mới cho phù hợp. Với những khác biệt đó, việc quản lý phim phổ biến trên internet cần được áp dụng cơ chế phù hợp. Các biện pháp mang tính cấp phép hoặc kiểm duyệt nội dung trước dường như bất khả thi mà nên áp dụng các biện pháp mang tính hậu kiểm cùng với biện pháp kỹ thuật tương ứng.
8. Bổ sung tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp (như Hội Điện ảnh Việt Nam) vào số đối tượng được tổ chức và tham gia liên hoan phim quốc tế, hội chợ phim quốc tế, chương trình phim Việt Nam ở nước ngoài.
Nếu được các cấp có thẩm quyền quan tâm thì hy vọng những "nan giải" trong hoạt động điện ảnh sẽ thực sự được giải quyết.
(Ghi theo lời PGS. TS. Họa sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú - Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh)
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)