Nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: "Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc", Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2021.
Với mong muốn tiếp nhận thêm những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, giới văn nghệ sĩ trong và ngoài nước để hoàn thiện Dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 với tính khả thi cao, Báo điện tử Tổ Quốc đã có cuộc trao đổi với TSKH Phan Đình Tân, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương.
TSKH Phan Đình Tân- Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương
PV: Thưa ông, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc đầu tư cho văn hóa, phát triển văn hóa, đúng như lời dạy của Bác Hồ: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Theo ông, trong giai đoạn hiện nay, vai trò, vị trí của văn hóa có ý nghĩa và đóng góp như thế nào trong tiến trình phát triển đất nước?
TSKH Phan Đình Tân: Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, vai trò của văn hoá luôn luôn được đề cao và coi trọng một cách cụ thể, vừa mang tính lý luận, vừa mang tính thực tiễn.
Nhà văn hoá cổ học Trung Hoa đã từng nói về văn hoá một cách ngắn gọn và sâu sắc: Làm thầy thuốc lầm thì giết một người. Làm thầy địa lý lầm thì giết một họ. Làm thầy chính trị lầm thì giết một nước. Làm văn hóa lầm thì giết cả một đời.
Aristoteles – Nhà triết học, Nhà khoa học và giáo dục vĩ đại của Hy Lạp cổ đại, bậc thầy của triết học Hy Lạp từng nói: "Giá trị cuối cùng của cuộc sống nằm ở khả năng thức tỉnh và suy nghĩ, chứ không chỉ nằm ở sinh tồn".
Trong tiến trình phát triển đất nước, dân tộc, văn hoá luôn có vai trò hết sức to lớn, chính vì vậy, các quốc gia, dân tộc trên thế giới đều có chung nhận thức về vai trò của văn hoá: Có thể mất nước, mất nhà nhưng phải giữ cho được nguồn gốc tổ tiên, phong tục, tập quán... Và điều đó lại càng đúng với lịch sử Việt Nam với sức sống bền bỉ, trường tồn, mãnh liệt của văn hoá dân tộc đã góp phần đánh đổ ách đô hộ và xâm lược của đế quốc, thực dân…
Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá kiệt xuất Việt Nam luôn đề cao giá trị văn hoá của dân tộc. Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946, Bác từng nói "Số phận dân ta là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi". Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Người đã ký kết Sắc lệnh số 65 về bảo tồn các di sản văn hóa: đình, chùa, đền miếu, cung điện, thành quách, bia ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy tờ, sổ sách, tất cả những văn chứng có ích cho lịch sử, Người từng nói "Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải phát triển kinh tế và văn hoá…". Năm 1951, trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Người cũng đã ra chỉ thị phục hồi vốn văn hoá cổ dân tộc. Cho đến khi sắp đi xa, Người vẫn đau đáu căn dặn: "Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân".
Tháng 5 vừa qua, trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" cũng đã tiếp tục nhấn mạnh về vai trò và tầm quan trọng của văn hoá: "Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn; chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những thành tựu, tinh hoa văn hóa nhân loại, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao. Chúng ta xác định: Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới…".
Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới
PV: Thưa ông, Bộ VHTTDL đang xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Trong đó, Chiến lược hướng tới mục tiêu chung cơ bản và xuyên suốt là: Khơi dậy khát vọng cống hiến vì Tổ quốc, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa và con người Việt Nam, từng bước xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Ông thấy những quan điểm này có gì mới so với Chiến lược phát triển văn hóa giai đoạn trước đây? Theo ông, những quan điểm này đã phù hợp với nhu cầu của xã hội hiện nay?
TSKH Phan Đình Tân: So với Mục tiêu phát triển văn hóa đến năm 2020 thì dự thảo lần này mang tính khái quát cao nhưng tính cụ thể thì cần tiếp tục suy nghĩ đề xuất thêm cho tương xứng với Dự thảo. Theo nhận thức của tôi thì muốn phát triển văn hoá nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi đạo đức xã hội đang có vấn đề, hệ thống giáo dục của chúng ta còn rất lúng túng, khi giá trị cũ-mới còn có những cách hiểu chưa thống nhất… lòng nhân ái, khoan dung, tình thương yêu, trọng nghĩa tình, hạnh phúc gia đình, sự chân thật, tử tế, thật thà… còn có lúc trở nên xa xỉ, thậm chí có khi trở thành lạc lõng thì sự vĩ mô có thể trở thành không tưởng, xa rời thực tế.
Trong khi đó mục tiêu trọng tâm của Chiến lược phát triển văn hóa 2020 dù thực hiện chưa thực sự thành công nhưng đã đề cập tương đối chi tiết: "… hướng mọi hoạt động văn hóa vào việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo; tuân thủ pháp luật; có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái khoan dung, trọng nghĩa tình, lối sống văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình, cộng đồng và xã hội, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách, thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; gắn kết mối quan hệ giữa văn hóa và xây dựng môi trường văn hóa với vấn đề hình thành nhân cách".
Trong nhiều vấn đề như hoàn thiện thể chế, chính sách, khung pháp lý; xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động văn hóa; Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc… Ông có thể cho biết, vấn đề nào mà ông tâm huyết và mong muốn góp ý kiến?
TSKH Phan Đình Tân: Đối với tôi, nếu coi văn hoá là nền tảng tinh thần thì quan điểm "xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện" là quan trọng nhất vì đó là điều kiện tiên quyết để thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo.
Để xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện thì cần những yếu tố như: xây dựng đạo đức xã hội, cải cách hệ thống giáo dục, đề cao và trân trọng lòng nhân ái, khoan dung, tình thương yêu, trọng nghĩa tình
PV: Một vấn đề được nhấn mạnh trong Chiến lược là xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện và Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Theo ông, hai vấn đề này có mối liên hệ như thế nào? Theo ông, để xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, cần những yếu tố gì?
TSKH Phan Đình Tân: Đây là quan hệ biện chứng – có cái này thì có cái kia. Để xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện thì cần những yếu tố như tôi đã đề cập: Đó là, xây dựng đạo đức xã hội, cải cách hệ thống giáo dục, đề cao và trân trọng lòng nhân ái, khoan dung, tình thương yêu, trọng nghĩa tình. Đồng thời phải có chiến lược để góp phần xây dựng hạnh phúc gia đình bền vững, sự chân thật, tử tế, thật thà phải được tôn vinh, bảo vệ, tài năng trong khoa học và nghệ thuật… phải được trọng dụng và phát huy một cách bài bản và mang tính chiến lược quốc gia…
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hà An (thực hiện)
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)