SharePoint
Liên kết web
 
 

Sắp xếp lại, nâng cao năng lực các đơn vị nghệ thuật biểu diễn ở Trung ương phải hợp lý, sử dụng hiệu quả nhân lực và cơ sở vật chất, kỹ thuật

08/07/2021 10:29
(TTCNTT) - Đó là tinh thần chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông tại buổi làm việc về Đề án sắp xếp lại, nâng cao năng lực các đơn vị nghệ thuật biểu diễn ở Trung ương diễn ra sáng 7/7, tại Hà Nội.

Cùng dự buổi làm việc có ông Lê Minh Tuấn- Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn và Tổ soạn thảo Đề án.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông chủ trì buổi làm việc Đề án sắp xếp lại, nâng cao năng lực các đơn vị nghệ thuật biểu diễn ở Trung ương

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lê Minh Tuấn cho biết, Đề án sắp xếp lại, nâng cao năng lực các đơn vị nghệ thuật biểu diễn ở Trung ương (sau đây gọi tắt là Đề án) gồm các phần: Mở đầu; Sự cần thiết của việc xây dựng Đề án; Vị trí, chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị nghệ thuật Trung ương; Căn cứ xây dựng Đề án; Nội dung Đề án và phụ lục.

Sự cần thiết của việc xây dựng Đề án nêu rõ, vừa qua, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, nội dung Nghị quyết đã đưa ra nhiệm vụ và giải pháp đối với lĩnh vực văn hoá, thể dục và thể thao, trong đó chú trọng đến việc Sắp xếp lại, nâng cao năng lực các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả, vì vậy việc triển khai xây dựng Đề án này là cần thiết nhằm triển khai hiện thực hóa chủ trương, chính sách của Đảng vào thực tiễn đời sống nghệ thuật biểu diễn.

Theo đó, việc xây dựng Đề án nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/1/2018 về chương trình hành động của Chính phủ nhằm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Sự cần thiết của việc xây dựng Đề án cũng đề cập vấn đề bảo tồn văn hóa dân tộc trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng, văn hóa nói chung và nghệ thuật biểu diễn nói riêng sẽ là những lĩnh vực đi tiên phong và luôn được đánh giá là phương pháp rất hiệu quả, là cầu nối truyền tải những thông điệp về văn hóa, chính trị, ngoại giao...để kết nối giữa các quốc gia, khu vực trên thế giới.

Theo ông Lê Minh Tuấn, nội dung của Đề án nhấn mạnh việc sắp xếp lại và nâng cao năng lực các đơn vị nghệ thuật. Với tiền đề giữ nguyên 12 đơn vị nghệ thuật biểu diễn thì cần rà soát, sắp xếp lại bên trong các đơn vị, những vấn đề cần bổ sung, hoặc không phù hợp với giai đoạn hiện nay để từ đó xây dựng cơ cấu tổ chức phù hợp.

Cũng theo ông Tuấn, qua đánh giá các đơn vị nghệ thuật Trung ương nổi lên một số vấn đề như: nguồn nhân lực và đội ngũ sáng tạo.

Các đơn vị nghệ thuật biểu diễn truyền thống đang bị khủng hoảng về nguồn lực lao động chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn cao vì vậy cần có những cơ chế, chính sách kịp thời để khuyến khích, thu hút lực lượng trẻ tham gia học tập, biểu diễn ở các loại hình nghệ thuật truyền thống đang bị thiếu hụt nguồn nhân lực hiện nay.

Toàn cảnh buổi làm việc

Bên cạnh đó, một bất cập về nguồn nhân lực cần được đặt ra trong phạm vi Đề án này đó là vấn đề hiện nay tại 12 đơn vị nghệ thuật trung ương đang có một lực lượng lớn lao động hết tuổi nghề nhưng đang còn tuổi lao động và không chuyển đổi được vị trí việc làm. Dẫn đến thực trạng nhân sự giữ biên chế trong đơn vị thì lại không tham gia biểu diễn nghệ thuật. Để có lực lượng nghệ sĩ biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật, đơn vị phải ký hợp đồng thời vụ đối với lực lượng lao động nghệ thuật trẻ bên ngoài. Hơn nữa hiện nay nhà nước không tiếp tục cho phép ký hợp đồng chuyên môn. Đây là một trong những vướng mắc dẫn đến thiếu hụt trầm trọng lực lượng nghệ sĩ trẻ có trình độ chuyên môn phù hợp trong lĩnh vực có đặc thù cao như nghệ thuật biểu diễn.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đánh giá cao sự nỗ lực vào cuộc của các thành viên Tổ soạn thảo Đề án. Thứ trưởng cho rằng, đây là vấn đề khó, đòi hỏi sự nỗ lực của Tổ soạn thảo.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông yêu cầu, phần mở đầu và sự cần thiết xây dựng Đề án phải nêu bật được việc thực hiện đường lối của Đảng, xây dựng con người mới, hội nhập quốc tế, ảnh hưởng của cách mạng khoa học kỹ thuật và công nghiệp văn hóa. Đồng thời nêu được vị trí của 12 đơn vị nghệ thuật trong bối cảnh hiện nay. Đây là các đơn vị nghệ thuật có tính chuyên nghiệp hóa, tập trung tất cả tinh hoa của các loại hình nghệ thuật Việt Nam.

Về nội dung đề án, Thứ trưởng yêu cầu làm rõ vấn đề sắp xếp và nâng cao năng lực các đơn vị nghệ thuật. Theo đó, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho rằng, phải sắp xếp nội bộ từng đơn vị với mục tiêu hợp lý, sử dụng hiệu quả nhân lực và cơ sở vật chất, kỹ thuật.

Thứ trưởng yêu cầu Đề án phải xác định rõ những năng lực của các đơn vị nghệ thuật, trong đó gồm năng lực biểu diễn; năng lực truyền thông; năng lực tự chủ và năng lực hội nhập. Xác định tiêu chí trong từng năng lực này.

Bên cạnh đó, phải làm rõ thực trạng các đơn vị nghệ thuật, đưa ra những đánh giá chung về tình hình hoạt động, số lượng suất diễn, cơ sở vật chất, kỹ thuật. Từ đó đưa ra mô hình hướng tới và các giải pháp, nhóm giải pháp, các đề xuất, khuyến nghị.

Tiếp thu chỉ đạo của Thứ trưởng, Tổ soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo Đề án.

Hà An

 (Nguồn: bvhttdl.gov.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây