Liên quan đến việc Bộ Chính trị yêu cầu các bộ ngành nghiên cứu thí điểm hộ chiếu vaccine tại Phú Quốc (Kiên Giang), GS Nguyễn Anh Trí - chuyên gia ngành Y tế, nguyên Viện trưởng Viện huyết học và Truyền máu Trung ương đã có những chia sẻ để bày tỏ quan điểm của mình với Báo Điện tử Tổ Quốc.
Thưa GS Nguyễn Anh Trí, tại phiên họp ngày 11/6, Bộ Chính trị cho phép nghiên cứu cho thí điểm sử dụng hộ chiếu vaccine với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh như Phú Quốc (Kiên Giang), là một chuyên gia trong lĩnh vực y tế, quan điểm của ông về việc này như thế nào?
- Với diễn biến dịch bệnh Covid-19 trong gần 2 năm vừa qua, dịch tái đi tái lại nhiều lần, thế giới cũng phát hiện một số biến chủng vi rút mới và việc những người đã tiêm vaccine vẫn có thể nhiễm vi rút, đặt ra việc chúng ta phải suy nghĩ dịch sẽ không bao giờ hết triệt để.
Với góc độ y khoa, tôi cho rằng chúng ta không hy vọng dịch sẽ chấm dứt nhanh như mình mong muốn, mà chỉ có thể giảm dần khi miễn dịch cộng đồng. Tôi tin rằng, không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã xác định điều này. Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật này để không ứng xử tiêu cực cũng như không lạc quan vô căn cứ.
GS Nguyễn Anh Trí. Ảnh: Nam Nguyễn
Ngay từ rất sớm, chủ trương mà Đảng, Nhà nước đặt ra là thực hiện thành công "mục tiêu kép" vừa phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch hiệu quả là rất đúng đắn. Trên toàn thế giới đến thời điểm này nhiều quốc gia cũng hướng đến mục tiêu này. Thực tế cho thấy rằng, những nước nào lơ đãng về việc chống dịch thì sẽ không thể phát triển kinh tế xã hội, sẽ dẫn đến đời sống xã hội, người dân, an ninh... sẽ bị đảo lộn.
Qua ghi nhận ở một số quốc gia châu Âu, tôi thấy rằng họ khá thành công trong 3 tháng trở lại đây khi quyết liệt thực hiện việc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Nhiều nước đã áp dụng việc không hạn chế người nước ngoài qua lại với điều kiện những người đó đã được tiêm vaccine và có kết quả xét nghiệm âm tính gần nhất với SARS-CoV-2.
Quay trở lại câu chuyện trong nước để thấy rằng, Việt Nam cũng không thể chần chừ trong việc mở cửa. Do đó, cá nhân tôi cho rằng việc thí điểm hộ chiếu vaccine tại Phú Quốc là quyết định rất phù hợp và đúng đắn. Tuy nhiên, trong bối cảnh vẫn có thể xuất hiện một số biến chủng mới thì chúng ta cần phải nghiên cứu giải quyết từng vụ việc cụ thể, từng vùng dịch, từng hoàn cảnh cụ thể thì mới đảm bảo được "mục tiêu kép".
Một số ý kiến cho rằng, hiện nay việc nghiên cứu vaccine trên toàn thế giới đang "đuổi theo" các biến chủng mới, đây có phải là vấn đề khi chúng ta triển khai hộ chiếu vaccine không thưa ông?
- Đây là hai vấn đề khác nhau, sản xuất vaccine mang nặng về tính nghiên cứu còn hộ chiếu vaccine mang đặc thù của việc quản lý hành chính. Tuy nhiên, nó gặp nhau ở vấn đề đó là có khả năng có những loại vaccine không còn bắt kịp với những biến chủng mới.
Để triển khai thực hiện thí điểm hộ chiếu vaccine ở Phú Quốc thì 100% người dân ở Phú Quốc phải được tiêm vaccine; chỉ khi nào người dân Phú Quốc tiêm vaccine đủ mũi 2 với thời gian quy định thì bấy giờ mới đưa khách du lịch vào.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên
|
Ở một số nước, họ đang có chủ trương mỗi năm sẽ tiêm một loại vaccine để đáp ứng với việc các chủng mới xuất hiện trên toàn cầu.
Ngoài ra, với việc các quốc gia đang đẩy mạnh việc nghiên cứu vaccine thì sắp tới có thể sẽ xuất hiện tình trạng nhiều loại vaccine của nhiều nước trên thế giới. Chính vì vậy, khi chúng ta thí điểm hộ chiếu vaccine thì phải có sự thống nhất giữa các quốc gia về thông tin tiêm chủng như phải tiêm vaccine loại nào, tiêm vaccine của hãng nào.
Đồng thời, chúng ta cũng phải cảnh giác tình trạng việc bán giấy chứng nhận đã tiêm vaccine ở thị trường "chợ đen". Đây là tình trạng và là nguy cơ lớn có thể xảy ra khi các quốc gia mở cửa, nhu cầu đi lại của người dân lớn. Theo tôi cần phải có quy định nhằm chống gian lận tiêm vaccine, hộ chiếu vaccine giả.
Mục tiêu đến cuối năm 2021 Việt Nam sẽ có 150 triệu liều vaccine để miễn dịch cộng đồng cho 70% dân số, đây có phải là thời điểm phù hợp để triển khai thí điểm hộ chiếu vaccine không thưa Giáo sư?
- Theo quan điểm của cá nhân tôi, hai vấn đề này tuy là một nhưng bản chất lại hoàn toàn khác nhau. Hộ chiếu vaccine bản chất là hướng đến mở cửa, để tạo điều kiện cho các chuyên gia quốc tế, hay khách du lịch.
Khi triển khai thí điểm hộ chiếu vaccine, chúng ta phải ưu tiên miễn dịch cộng đồng ở Phú Quốc trước. Có nghĩa là cần phải tiêm vaccine cho toàn bộ người dân ở đây để có thể an tâm mở cửa du lịch.
Bên cạnh với những vấn đề mà tôi đã nói ở trên thì chúng ta cũng cần phải lưu ý về thời gian cách ly. Tôi cho rằng, Bộ Y tế cần phải nghiên cứu mô hình của các quốc gia để rút ngắn thời gian cách ly khi người nước ngoài có hộ chiếu vaccine vào Việt Nam để du lịch hay làm việc.
Đặt ở vị trí chúng ta khi có công việc phải đi nước ngoài, nếu phải cách ly 21 ngày dẫn đến một tâm lý trở ngại rất lớn. Tôi được biết, từ 1-31/7/2021, Bộ Y tế đã cho thí điểm việc cách ly trong thời gian 7 ngày tại Quảng Ninh, đây là một tín hiệu vui và là quyết định phù hợp để chúng ta bắt đầu triển khai hộ chiếu vaccine. Sau khi thí điểm này hoàn thành, tôi cho rằng, chúng ta nên bắt đầu triển khai thí điểm hộ chiếu vaccine ngay chứ không cần chờ đến lúc đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021.
Theo tôi, có 3 yêu cầu bắt buộc đối với người nước ngoài khi vào Việt Nam cần phải thực hiện đó là: Phải được tiêm vaccine; Trước lúc vào trong vòng 24 tiếng phải làm xét nghiệm âm tính vì phòng những trường hợp chủng mới; Phải thực hiện "5K" theo quy định của Bộ Y tế Việt Nam.
Xin cảm ơn GS Nguyễn Anh Trí!
PGS. TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế cho biết, dự kiến một trong những điều kiện tiên quyết đối với khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc là họ phải có giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine; đồng thời mẫu hộ chiếu vaccine phải được công nhận giữa Việt Nam và các nước. Nếu chưa có giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine thì có thể có giấy xác nhận đã khỏi bệnh Covid-19 do cơ quan có thẩm quyền tại nước điều trị cấp; và thời gian có hiệu lực đến ngày nhập cảnh là không quá 12 tháng và có xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Liên Hương, phải xác định được các khu vực cho phép du lịch. Khu vực này đảm bảo khép kín, đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch, đã đánh giá an toàn phòng chống dịch và cập nhật trên bản đồ Covid-19. Thứ hai là phải chuẩn bị các lực lượng tham gia giám sát, đáp ứng tình huống không may có trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng, hoặc nhân viên phục vụ hay du khách mắc bệnh. Cần xây dựng và ứng dụng công nghệ thông tin để theo dõi giám sát phòng chống dịch.
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)