LTS: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh việc phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Ngay sau Đại hội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ với sự tham gia của Lãnh đạo Bộ VHTTDL. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã yêu cầu toàn ngành VHTTDL phải quyết liệt hành động, có khát vọng cống hiến, đưa ngành VHTTDL từng bước phát triển, đạt được mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra.
Trước những quyết sách lớn của ngành, các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa bày tỏ sự ủng hộ và tham gia nhiều ý kiến nhằm "hiến kế" cho ngành VHTTDL phát triển. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu những bài viết của các chuyên gia, nhà nghiên cứu đến độc giả.
Trên thế giới, điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật tổng hợp, vừa là ngành công nghiệp. Công nghiệp điện ảnh là xu thế phát triển tất yếu ở các nước,
là bộ phận quan trọng của công nghiệp văn hóa.
Ở nước ta, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã chỉ rõ: "Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa". Năm 2016, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó công nghiệp điện ảnh được xác định là một trong những ngành quan trọng.
Cần xác định công nghiệp điện ảnh dựa trên bốn mắt xích của một guồng máy, đó là: 1. sáng tạo; 2. sản xuất ra tác phẩm (phim); 3. phát hành và phổ biến phim để phát triển thị trường điện ảnh, tạo nguồn kinh phí tái sản xuất; 4. bảo vệ thành quả sáng tạo- nghĩa là bảo vệ bản quyền tác phẩm. Nói đến phát triển điện ảnh phải xác định là phát triển công nghiệp điện ảnh, và điều kiện cần tiên quyết là cần có một hành lang pháp lý (Luật Điện ảnh và các văn bản dưới luật) đầy đủ, phù hợp và mang tính khuyến khích sự phát triển này.
Trong Luật Điện ảnh 2006, vì quan niệm điện ảnh cơ bản là ngành nghệ thuật nên các điều luật chủ yếu để điều chỉnh các hoạt động sáng tác- phát hành- phổ biến tác phẩm điện ảnh mà chưa quan tâm đến khía cạnh bộ phim là loại hàng hóa đặc biệt, và luật phải điều chỉnh thị trường cho loại hàng hóa này. Vì vậy, Luật Điện ảnh sửa đổi cần có định hướng rõ ràng và những quy định cụ thể điều chỉnh hoạt động của nền công nghiệp điện ảnh gắn liền với phát triển thị trường điện ảnh để tái sản xuất phim, tạo ra các bộ phim, nghĩa là sản phẩm điện ảnh- hàng hóa đặc biệt- vừa có giá trị tư tưởng, thẩm mỹ, đáp ứng nhu cầu giải trí lành mạnh vừa có hiệu quả kinh tế xã hội.
Từ những phân tích trên, Luật Điện ảnh sửa đổi cần xác định các khái niệm "công nghiệp điện ảnh" và "thị trường điện ảnh". Khái niệm "Công nghiệp điện ảnh" phải được thống nhất giải thích rõ ràng, còn "thị trường điện ảnh" vừa là điều kiện bắt buộc, vừa là nền tảng xây dựng nền công nghiệp điện ảnh. Thực tế trong hơn chục năm qua, thị trường điện ảnh Việt Nam phát triển rất nhanh. Theo thống kê của Công ty CJ CGV Việt Nam: năm 2009 tổng doanh thu khoảng 302 tỷ đồng (13 triệu đô ), đến năm 2019 là 4.064 tỉ đồng (hơn 176 triệu đô), nghĩa là sau 10 năm doanh thu tăng 13.5 lần. Trong "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam" được Thủ tướng chính phủ phê duyệt năm 2016, chỉ tiêu đến năm 2020 ngành Điện ảnh đạt khoảng 150 triệu USD, nhưng với doanh thu 176 triệu USD năm 2019, điện ảnh đã vượt 20% chỉ tiêu năm 2020! Tuy nhiên, thị trường điện ảnh tại Việt Nam phát triển chưa bền vững, bởi có sự cạnh tranh không lành mạnh, bằng chứng là những khiếu nại và kiến nghị kéo dài của các doanh nghiệp Việt Nam về sự áp đặt và thống lĩnh thị trường của một doanh nghiệp nước ngoài chiếm thị phần áp đảo. Bởi vậy, chỉ khi đưa khái niệm "thị trường điện ảnh" vào Luật thì sẽ có những quy định và chế tài để phát triển một thị trường cạnh tranh minh bạch, lành mạnh, bảo hộ doanh nghiệp điện ảnh nội một cách công khai theo các cam kết quốc tế.
Chính sách của Nhà nước về phát triển công nghiệp điện ảnh là yếu tố quan trọng hàng đầu. Theo Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi đã được lấy ý kiến rộng rãi thì chính sách của Nhà nước chỉ tập trung vào hai "hạng mục" là đầu tư và hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho các hoạt động điện ảnh. Như vậy e rằng chính sách chưa mang tính định hướng lâu dài, thậm chí có thể bị "đơn giản hóa". Cần có những định hướng lớn về chính sách để khuyến khích điện ảnh phát triển, ví dụ: định hướng sáng tạo điện ảnh lấy con người làm trung tâm; khuyến khích hoạt động điện ảnh phục vụ nhân dân, mang lại lợi ích xã hội và lợi ích kinh tế; gắn phát triển ngành công nghiệp điện ảnh với kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của đất nước; xây dựng các chính sách phát triển công nghiệp điện ảnh và các ngành công nghiệp liên quan để hướng đến thị trường thống nhất và cạnh tranh công bằng…
Tiếp theo, cần có cơ chế chính sách phù hợp và hiệu quả cho việc sản xuất phim trong nước hoặc hợp tác sản xuất với nước ngoài, bởi yếu tố cốt lõi của sự phát triển công nghiệp điện ảnh là có nhiều sản phẩm điện ảnh- nghĩa là các bộ phim tốt và hay.
Đối với phim do Nhà nước đặt hàng, cần quy định rõ các tiêu chí về đề tài, nội dung làm định hướng cho sáng tác (ví dụ: đặt hàng những dòng phim khó như phim lịch sử, phim giáo dục truyền thống yêu nước, phim phản ánh công cuộc đổi mới, phim góp phần xây dựng đạo đức cho thanh thiếu niên nhi đồng, phim tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, phim sáng tạo về nghệ thuật …), không nên nói chung chung "thực hiện theo kế hoạch phục vụ nhiệm vụ chính trị" như trong dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi. Bởi vì, người sáng tác và nhà sản xuất cần thời gian dài thẩm thấu và thai nghén tác phẩm, theo đó, những yêu cầu vội vàng, gấp gáp để phục vụ nhiệm vụ chính trị sẽ khó tạo điều kiện chín muồi để tác phẩm có chất lượng ra đời. Cũng nên có cơ chế rõ ràng để khuyến khích các thành phần kinh tế, các nguồn vốn xã hội sản xuất những bộ phim theo mục tiêu Nhà nước đặt ra vì việc phát triển điện ảnh không thể chỉ trông chờ vào việc làm phim bằng ngân sách nhà nước.
Cơ chế đó là ưu đãi thuế, "thu mua sản phẩm" (Nhà nước mua toàn bộ hoặc một phần các tác phẩm có chất lượng, đúng tiêu chí để phục vụ mục đích phù hợp), có cơ chế ưu tiên đưa phim đến khán giả (quảng bá, trình chiếu…). Bên cạnh đó, nên có sự thay đổi căn bản về phương thức đặt hàng- thay thế quy trình đặt hàng bằng phương thức duyệt kịch bản văn học, duyệt tổng dự toán phim rồi cấp tiền sản xuất (như vẫn thực hiện lâu nay) bằng phương thức hiệu quả hơn mà nhiều nước áp dụng với phim được Nhà nước hỗ trợ (ví dụ: tài trợ cho từng khâu trong một dự án phim như kịch bản, tiền kỳ, hậu kỳ… theo quy định cụ thể). Tóm lại, cần đưa ra những chính sách ưu đãi trong sản xuất phim với mục tiêu là sản xuất nhiều bộ phim có giá trị nội dung và nghệ thuật, có tác dụng giáo dục chân thiện mỹ; cần có ưu đãi về các loại thuế, về đầu ra của phim, về việc nhà nước mua bản quyền những bộ phim chất lượng về nội dung và nghệ thuật để khuyến khích các nhà sản xuất phim tiếp tục làm ra những bộ phim tốt hơn.
Cần có cơ chế chính sách phù hợp và hiệu quả cho việc sản xuất phim trong nước hoặc hợp tác sản xuất với nước ngoài, bởi yếu tố cốt lõi của sự phát triển công nghiệp điện ảnh là có nhiều sản phẩm điện ảnh- nghĩa là các bộ phim tốt và hay.
TS. Ngô Phương Lan
|
Đối với phim hợp tác sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ sản xuất cho nước ngoài: cần xác định đây là lĩnh vực rất quan trọng để thúc đẩy công nghiệp điện ảnh Việt Nam phát triển, nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm điện ảnh và các ngành dịch vụ liên quan, tạo nguồn thu lớn cho đất nước, đồng thời quảng bá đất nước, con người Việt Nam hữu hiệu và góp phần phát triển du lịch. Chính sách quan trọng nhất để thu hút các hãng phim nước ngoài đến quay phim là ưu đãi sản xuất phim.
Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đa số các quốc gia và vùng lãnh thổ đã và đang xây dựng các chương trình ưu đãi sản xuất phim ngày một hấp dẫn và hoàn thiện hơn, với mức hoàn tiền trung bình ở mức 20%- 25% chi phí sản xuất tại địa phương. Với các nhà sản xuất phim, cơ chế ưu đãi có thể là yếu tố quyết định nơi họ chọn để làm phim. Các chương trình ưu đãi điện ảnh mang lại lợi tức đầu tư lớn hơn nhiều so với chi phí ưu đãi, ví dụ tại Pháp, với mỗi 1 EUR ưu đãi nhận được đầu tư lên tới 12.8 EUR, tại Anh là 12 EUR ("Báo cáo phân tích ảnh hưởng của chương trình ưu đãi tài chính cho phim & nghe nhìn tại châu ÂU 2014", OLSBERG SPI). Tiếc là cơ chế ưu đãi sản xuất phim hầu như chưa được thể hiện trong dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi.
Về phát hành, phổ biến phim, có ba vấn đề mấu chốt để phát triển công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam, đó là quy định cấp phép phân loại phim, tỉ lệ chiếu phim Việt và xây dựng thị trường điện ảnh cạnh tranh lành mạnh.
Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi quy định cấp phép phân loại phim chiếu rạp và phát trên truyền hình theo hình thức "tiền kiểm", còn phim trên internet không cấp phép mà theo hình thức "tự phân loại và hậu kiểm". Phân loại phim theo hai hình thức như vậy không thực sự công bằng nhưng cũng khó để thống nhất vào một hình thức, cho dù là "tiền kiểm" hay "hậu kiểm". Tuy nhiên, muốn thực hiện được "hậu kiểm" phim phát trên mạng, cần phải có quy định thật rõ ràng, minh bạch, không dẫn đến suy diễn hay cố ý "hiểu nhầm" về các nội dung bị cấm trong phim, cũng như việc phân loại đối với từng độ tuổi. Cũng cần có quy định việc hạn chế chiếu phim (phạm vi rạp chiếu, số lượng buổi chiếu, giờ chiếu…) đối với những phim phân loại độ tuổi cao nhất, bởi nếu chiếu tràn lan thì việc phân loại dễ biến thành tác nhân kích thích người xem. Nên quy định cả việc thẩm định các sản phẩm quảng cáo phim (trailer, teaser, poster…) tránh kích động và phản cảm.
Vấn đề bảo hộ phim Việt từng được đặt ra từ lâu, nhưng cái khó nhất là cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO không có hạn ngạch đối với phim nhập. Điều này có nghĩa không thể hạn chế việc nhập phim, khiến cho phim nhập chiếm tỉ lệ áp đảo so với phim Việt. Tuy nhiên, không có cam kết về việc bắt buộc phải chiếu ngay lập tức tất cả phim nhập trong một thời điểm. Vì vậy, Luật cần quy định rõ nhà phát hành phải giữ tỉ lệ phim Việt là bao nhiêu, tỉ lệ buổi chiếu là bao nhiêu trong ngày/tuần/tháng. Tương tự, mỗi cụm rạp cùng phải giữ tỉ lệ phim Việt như vậy. Đây là cơ chế rất quan trọng để bảo vệ phim Việt, phát triển công nghiệp điện ảnh. Tiếp theo, khi xác định thị trường điện ảnh là nền tảng của công nghiệp điện ảnh thì cần có chính sách để xây dựng thị trường điện ảnh Việt Nam phát triển theo hướng cạnh tranh lành mạnh, hạn chế tối đa tiến tới xóa bỏ việc chèn ép, lấn át, thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp lớn đối với các doanh nghiệp nhỏ như đã đề cập ở trên. Nên có cơ chế ưu đãi đối với việc phát hành, phổ biến những phim Việt Nam có giá trị nội dung, nghệ thuật và ý nghĩa giáo dục.
Cuối cùng, để phát triển công nghiệp điện ảnh cần bảo vệ thành quả sáng tạo- nghĩa là bảo vệ quyền tác giả và bản quyền tác phẩm điện ảnh. Tiếc rằng trong dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi không có Điều nào quy định về bảo vệ bản quyền (trong Luật Điện ảnh hiện hành có Điều 7 quy định về việc này). Đương nhiên, Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Dân sự có quy định liên quan đến bản quyền, nhưng điện ảnh là lĩnh vực đặc biệt. Đó là: sáng tác tập thể dễ dẫn đến khiếu kiện; đầu tư kinh phí lớn và phim có thể là sản phẩm hợp tác của nhiều bên; bản phim dễ bị "lấy trộm"- nhất là thời công nghệ số… Vì vậy, cần có sự quan tâm thích đáng bằng những điều luật quy định việc bảo vệ quyền tác giả và bản quyền tác phẩm điện ảnh cùng những chế tài xử phạt nghiêm minh. Chỉ khi bảo vệ được thành quả sáng tạo của tác giả, nghệ sĩ và tài sản của nhà đầu tư thì mới có điều kiện phát triển sản xuất phim và các mặt hoạt động khác để nền công nghiệp điện ảnh Việt phát triển.
TS. Ngô Phương Lan- Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam
Trình bày: Hà An
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)