Năm 2020, sân khấu phục hồi sau đợt dịch Covid-19 lần thứ nhất, khán giả nhí vẫn có cơ hội vui chơi, thưởng thức các chương trình nghệ thuật vào dịp Quốc tế thiếu nhi. Năm nay, để đón đợt biểu diễn phục vụ khán giả "nhí" vào Ngày quốc tế thiếu nhi 1.6 và Tết Trung thu, nhiều nhà hát đã lên chương trình dàn dựng các vở diễn. Tuy nhiên, dịp 1.6 này, các nhà hát đều đóng cửa, hủy các chương trình.
Nhiều chương trình phục vụ thiếu nhi năm nay đã bị hủy
Hoãn, hủy hàng loạt chương trình
Nhà hát Tuổi Trẻ đã hoàn thành hai vở: Bầy chim thiên nga và Cuộc chiến Virus nhưng đành "xếp kho" không biết đến bao giờ mới được công diễn. Nhà hát Múa rối Việt Nam cũng phải hủy tới 46 suất diễn của tháng 5 và 5 buổi diễn vào tháng 6 phục vụ thiếu nhi tại 3 sân khấu ở Hà Nội và biểu diễn lưu động, đó là chưa kể các suất diễn phục vụ học sinh, sinh viên, phục vụ chính trị.
Liên đoàn Xiếc Việt Nam có hai chương trình được dàn dựng khá công phu, một là của 4 đạo diễn trẻ dàn dựng mang tên Biệt đội anh hùng và một chương trình xiếc thú đặc biệt với chủ đề rừng và muông thú. Việc xây dựng hàng loạt các tiết mục xiếc thú được kỳ công tập luyện hàng năm trời con thú mới có thể thuần phục và ra biểu diễn cũng đã đủ thấy sự vất vả của nghệ sĩ xiếc. Lần này sẽ có rất nhiều vật nuôi trong gia đình tham gia như lợn, trâu, mèo, ngựa, vẹt, dê…
Thậm chí, để thích ứng với việc hạn chế động vật hoang dã lên sân khấu, các nghệ xiếc còn phải "đội lốt" các con thú to như hổ, gấu, khỉ... để tạo sự đa dạng, hấp dẫn cho chương trình.
Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, NSND Tạ Duy Ánh lo lắng: "Khâu tổ chức biểu diễn của Liên đoàn đã lên kế hoạch sẵn sàng với nhiều suất diễn liên tục trong dịp này, vậy mà giờ phải ra thông báo hủy, hoãn và không biết đến bao giờ mới được sáng đèn trở lại. Tuy ngừng biểu diễn nhưng nghệ sĩ xiếc vẫn luôn tập luyện hằng ngày, các con thú vẫn cần phải nuôi dạy để chúng thuần thục. Đổ mồ hôi trên sàn tập nhưng nghệ sĩ lại không có thu nhập, đây là nỗi lo lắng lớn nhất của Ban giám đốc vào lúc này".
Giữ lửa nghề chờ đón khán giả nhí
Ở thời điểm "vàng" của năm mà sân khấu lại đành "đóng cửa" đương nhiên đã kéo theo những tâm tư của Ban giám đốc và đông đảo các nghệ sĩ với những lo lắng thường trực về đời sống "cơm áo gạo tiền", về hướng đi cho sân khấu trong mùa dịch với những thiệt hại, ảnh hưởng nặng nề để lại. Sân khấu cần khán giả để có nguồn thu và để mang lại cảm xúc cho nghệ sĩ trên sàn diễn.
Các nhà hát nỗ lực vượt khó, chờ đón khán giả trở lại
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khó khăn, điều đáng ghi nhận nhất là các Nhà hát của Bộ VHTTDL như Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam vẫn nỗ lực giữ nghề, tập luyện để chờ đón khán giả khi dịch bệnh được đẩy lùi.
Hầu hết diễn viên các nhà hát vẫn thường xuyên tập luyện từng nhóm nhỏ theo phân cảnh của vở để đảm bảo phòng dịch nhưng cũng không làm họ quên nghề.
Được biết, trong thời điểm hiện nay, các diễn viên của Liên đoàn Xiếc vẫn ngày ngày đổ mồ hôi trên sân khấu tròn, bởi hơn bất cứ loại hình nghệ thuật nào, nghệ thuật xiếc, chỉ cần không tập luyện một vài ngày thì cơ thể sẽ cứng, khó thực hiện những động tác xiếc.
Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, NSND Tống Toàn Thắng cho biết, Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng như các nhà hát khác của Bộ VHTTDL đều chú trọng xây dựng các chương trình thiếu nhi rất công phu, thậm chí hơn cả dành cho người lớn. Với trẻ em bắt buộc phải làm hay, hấp dẫn thì lần sau các em mới quay lại. Đó là lý do mà chúng tôi không chấp nhận những sản phẩm chắp vá, dễ dãi hoặc mang tính thời vụ.
NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cho biết, các nghệ sĩ của Nhà hát vẫn đang ngày ngày tập luyện để có được những tác phẩm hấp dẫn dành cho "thượng đế nhí". Chúng tôi luôn chờ mong sân khấu được sáng đèn trở lại để ngay lập tức có những sản phẩm nghệ thuật hay, chất lượng để phục vụ các em. Xin các bậc phụ huynh và các em nhỏ đừng quên chúng tôi…".
NSƯT Xuân Bắc- Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết, các nghệ sĩ của nhà hát vẫn tập luyện luân phiên theo từng nhóm nhỏ để đảm bảo phòng chống dịch, để không nhớ sân khấu. "Nghệ sĩ phải có sân khấu, phải biểu diễn, chúng tôi cố gắng có những khoản hỗ trợ các nghệ sĩ tập luyện ở mức tối thiểu để động viên nhau trong giai đoạn này"- NSƯT Xuân bắc cho biết.
Đồng quan điểm này, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, NSƯT Sĩ Tiến cho rằng: "Rất nhiều người cứ nghĩ sân khấu thiếu nhi khai thác theo lối mòn các nhân vật trong truyện cổ tích hay văn học thiếu nhi là hoàn toàn sai lầm. Chúng tôi xây dựng nhân vật gần gũi với các em để có thể tiếp cận các em nhanh nhất. Cách mượn tích cũ và xây dựng hình tượng các nhân vật quen thuộc chỉ là cái cớ để thể hiện một hình thức dàn dựng mới, bằng ngôn ngữ và tình tiết mang hơi thở của đời sống hiện đại. Cách khai thác này giúp cho khán giả thiếu nhi cảm thấy hào hứng hơn rất nhiều, chúng sẵn sàng đối thoại, giao lưu và hò reo theo từng lời thoại của nhân vật trên sân khấu".
Những nỗ lực nâng cấp chất lượng nghệ thuật đặc biệt là các vở diễn cho thiếu nhi cho thấy sự nghiêm túc và tận tụy với nghề của những nghệ sĩ sân khấu. Trong giai đoạn khó khăn này, các nhà hát đã "biến nguy thành cơ", coi đó là dịp để định hướng, nâng cao chất lượng, tìm cách tiếp cận thị hiếu khán giả, sẵn sàng cho ngày trở lại.
Hồng Hà
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)