SharePoint
Liên kết web
 
 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thăm di tích khảo cổ thời đại Đá cũ Rộc Tưng và Khu di tích lịch sử - văn hóa Tây Sơn Thượng (Gia Lai)

17/05/2021 13:27
(TTCNTT) - Sáng 15/5, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã đến thăm di tích khảo cổ thời đại Đá cũ Rộc Tưng và Khu di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo ở thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Cùng đi có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã đến thăm di tích Rộc Tưng 4 (xã Xuân An), một trong những điểm thuộc Di tích khảo cổ Rộc Tưng-Gò Đá tại thị xã An Khê, được khai quật vào năm 2015. 

Qua nghiên cứu và 2 lần hội thảo quốc tế được tổ chức vào năm 2016, 2019, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế về lĩnh vực sơ kỳ Đá cũ đều đánh giá cao giá trị, tầm quan trọng của các di tích khảo cổ này. 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã đến thăm di tích Rộc Tưng 4.

Các hiện vật như tổ hợp công cụ ghè 2 mặt, rìu tay, công cụ ghè hết 1 mặt, mũi nhọn, mũi nhọn tam diện…, có niên đại cách ngày nay từ 80 vạn năm đến 1 triệu năm, chủ nhân của nó là người vượn đứng thẳng, đã mở ra nhận thức mới về lịch sử phát triển và tiến hóa của loài người ở vùng đất An Khê.  Đầu tháng 11/2020, di tích khảo cổ thời đại Đá cũ Rộc Tưng-Gò Đá đã được Bộ VHTTDL công nhận là di tích cấp quốc gia.

Bộ trưởng đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Gia Lai trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị của các di tích trên địa bàn.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá, di tích khảo cổ thời đại Đá cũ Rộc Tưng-Gò Đá có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, nhất là đối với lịch sử tiến hóa của loài người. Thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã có nhiều việc làm và hoạt động rất tích cực trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những giá trị của di tích này. 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị tỉnh cùng phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ VHTTDL rà soát, đánh giá để có giải pháp nhằm tiếp tục phát huy những giá trị lịch sử to lớn của di tích khảo cổ thời đại Đá cũ Rộc Tưng-Gò Đá đối với lịch sử tiến hóa của loài người trên thế giới.

Tiếp đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng đã đến dâng hương, dâng hoa tại An Khê trường và điện thờ Tam kiệt thuộc Khu di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo. Năm 1991, quần thể di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đến thăm Khu di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo.

Từ năm 1991 đến nay, bằng nguồn kinh phí của Trung ương, tỉnh và địa phương đã đầu tư trên 67 tỷ đồng để xây dựng nhiều hạng mục, công trình tại khu di tích như làm bia di tích, cải tạo di tích An Khê trường, dựng tượng Quang Trung, xây nhà truyền thống, tu bổ các thiết chế trong cụm di tích và bổ sung các vật dụng thờ cúng.

Giai đoạn 2017-2021, khu di tích được san lấp mặt bằng tạo cảnh quan, bảo dưỡng, chăm sóc hệ thống cây cổ thụ, trồng cây xanh, xây dựng hàng rào bao quanh di tích và xây dựng các hạng mục gồm: cổng, lối vào khu di tích, quảng trường trung tâm, cải tạo hồ sen gần An Khê trường, xây mới hồ sen gần An Khê đình, xây mới điện thờ Tam kiệt, đồi mai Tam kiệt và trùng tu di tích An Khê đình… Hàng năm, khu di tích thu hút hàng ngàn lượt du khách và người dân đến tham quan.

Bộ trưởng cho biết sẽ hỗ trợ tỉnh Gia Lai trong việc nâng tầm các di lích lịch sử trên địa bàn.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao việc tỉnh Gia Lai đã dành sự quan tâm đặc biệt trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa của Khu di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo, nơi mà cách đây 250 năm, 3 anh em nhà Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đã phất cờ, dấy binh khởi nghĩa.

Trên cơ sở những đề xuất, kiến nghị của tỉnh Gia Lai, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ sẽ hỗ trợ để giúp tỉnh nâng tầm giá trị của Khu di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo, nỗ lực để từng bước công nhận di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia đặc biệt.

Thế Công

 (Nguồn: bvhttdl.gov.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây