SharePoint
Liên kết web
 
 

Thêm những giá trị thú vị về kinh đô Hoa Lư

22/04/2021 10:54
(TTCNTT) - Đợt khai quật khảo cổ học tại Di tích Cố đô Hoa Lư và ở các huyện Hoa Lư, Nho Quan và Gia Viễn do Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình chủ trì, phối hợp Viện Khảo cổ học thực hiện trong năm 2021, mục tiêu nghiên cứu vùng đất Ninh Bình, giai đoạn 10 thế kỷ đầu Công nguyên, đã cho những kết quả thú vị.

Xuất lộ những dấu vết kiến trúc khẳng định quy mô kinh đô

Ngày 20-4, tại Khu di tích Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình và Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội) phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học báo cáo kết quả nghiên cứu khảo cổ học năm 2021, tại khu vực di tích cố đô Hoa Lư và vùng lân cận.

Theo sử liệu văn bản, khu vực này, xưa là huyện Vô Công/Vô Thiết của quân Cửu Chân thời thuộc Hán, là Trường Châu thời thuộc Đường. Cuộc khai quật tại Di tích Cố đô Hoa Lư năm 2021, nhằm nghiên cứu tìm kiếm những tư liệu, hiện vật có thể xác định khu vực trị sở huyện lỵ của chính quyền phong kiến đóng tại vùng đất Ninh Bình từ đầu Công nguyên đến thời kỳ Nhà nước Đại Cồ Việt, làm rõ quy mô, vị trí, kỹ thuật xây dựng… của các kiến trúc cung điện thời Đinh - Tiền Lê phân bố ở đây.

Hội thảo báo cáo kết quả nghiên cứu khảo cổ học ở khu vực kinh đô Hoa Lư, ngày 20/4.

Các hố khai quật tại khu vực Di tích Cố đô Hoa Lư đã làm xuất lộ các lớp kiến trúc thời Đại La và thời Đinh - Tiền Lê nằm chồng xếp lên nhau, nền kiến trúc và lớp nền, móng kiến trúc thời Đại La.

Qua nghiên cứu so sánh có thể nhận định, nền kiến trúc thuộc thời Đại La, có niên đại trước thế kỷ 10 cho đến giai đoạn tu sửa, tôn tạo kiến trúc thời Đinh - Tiền Lê.

Tại khu vực hố khai quật ở cánh đồng Nội Trong, phía nam Đền Vua Đinh đã làm lộ ra nền móng kiến trúc dùng cát sỏi laterite màu nâu sẫm trộn cùng đất và vỏ nhuyễn thể, trên bề mặt rải đầm thêm các mảnh gạch ngói vỡ vụn đắp trải rộng thành nền kiến trúc cung điện rất cứng chắc.

Trong phạm vi hố đào phát lộ ba cụm cọc và gia cố cọc gỗ nằm gần thẳng hàng, có cột đường kính hơn 30cm được đóng âm vào sinh thổ đến độ sâu từ 1,8m đến 2,5m tính từ mặt nền kiến trúc. Đây là cột nhà và cột móng kè của kiến trúc nhà cửa, cung điện.

Di vật thu được là các loại gạch, ngói, gốm sứ, sành… gồm nhiều niên đại kéo dài từ thời Hán đến thời Đinh - Tiền Lê. Trong đó, gạch, ngói giai đoạn thế kỷ 7-9 có số lượng nhiều nhất.

Dấu tích hàng cọc gia cố kiến trúc được các nhà khảo cổ học tìm thấy tại kinh đô Hoa Lư.

Từ các di tích kiến trúc và di vật xuất lộ, bước đầu ghi nhận, đây là kiến trúc giai đoạn Đại La, sau đó được nhà Đinh sử dụng lại ở giai đoạn đầu lập quốc.

Từ kết quả đợt khai quật năm 2021, bước đầu cho phép nhận định về quy hoạch chung của kinh thành Hoa Lư, gồm hai khu vực Thành Nội và Thành Ngoại. Hoàng thành nằm ở phía bắc Cấm thành, hiện là khu vực từ Cổng Bắc Di tích Cố đô Hoa Lư đến núi Cột Cờ, có thể là nơi ở của giới tăng lữ, quý tộc và tướng lĩnh cấp cao. Các di tích còn lại là chùa Nhất Trụ có lẽ xưa là nơi ở của các thiền sư Khuông Việt, Pháp Thuận, Đa Bảo… và các phủ đệ nay là nơi thờ tự.

Dấu tích các lớp kiến trúc xếp chồng lên nhau.

Nhiều minh chứng về sự phát triển văn hóa, kinh tế và chính trị

Kết quả khai quật khảo cổ ở Di tích Cố đô Hoa Lư và các mộ gạch Đền Hạ, Đồi Cò (Nho Quan), Đồi Chùa (Gia Viễn) đóng góp thêm những nhận thức mới về vùng đất Ninh Bình giai đoạn 10 thế kỷ đầu Công nguyên và Kinh đô Hoa Lư ở thế kỷ 10 lịch sử.

Các di tích mộ gạch phân bố quanh ngã ba sông Bôi - sông Hoàng Long từ đầu Công nguyên cho đến các dấu tích di tích, di vật thời Đại La ở Cố đô Hoa Lư đều ghi nhận vùng đất Ninh Bình xưa đã được các triều đại phong kiến phương Bắc quan tâm xây dựng từ rất sớm.

Những di vật sành gia dụng.

Kết quả khai quật bước đầu ghi nhận, đây là những ngôi mộ thời Đông Hán. Mộ gạch là minh chứng cho trình độ phát triển không chỉ về văn hóa, kinh tế mà còn cả về mặt chính trị. Những tư liệu về mộ gạch mới được khai quật góp phần làm phong phú thêm bức tranh lịch sử, văn hóa, xã hội vùng đất Ninh Bình trong 10 thế kỷ đầu Công nguyên. Điều này có thể lý giải cho sự hình thành và phát triển vượt bậc của sứ quân Đinh Bộ Lĩnh cũng như việc thành lập và phát triển kinh đô Hoa Lư sau này.

Đợt khai quật đã làm phát lộ nhiều di tích kiến trúc và nhiều di vật là vật liệu xây dựng và đồ gia dụng phản ánh sinh động công cuộc dựng nước và giữ nước, cũng như đời sống văn hóa cung đình, hé mở phần nào diện mạo của một trị sở hành chính của chính quyền Bắc thuộc và sau đó là kinh thành Hoa Lư ở thế kỷ 10 lịch sử.

Những di vật sành gia dụng.

Các nhà khoa học đã đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình cho phép Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp các cơ quan hữu quan tiếp tục khai quật nghiên cứu để có thêm những nhận thức rõ ràng hơn về lịch sử vùng đất Ninh Bình ở giai đoạn 10 thế kỷ đầu Công nguyên và đặc biệt là sự hình thành, phát triển của Nhà nước Đại Cồ Việt với trung tâm là kinh đô Hoa Lư ở thế kỷ 10.

Những tư liệu thu được sẽ góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giáo dục lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư nói riêng, lịch sử - văn hóa vùng đất Ninh Bình nói chung, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong nước và quốc tế, phát huy tiềm năng du lịch của Khu di tích Cố đô Hoa Lư và cả tỉnh Ninh Bình nói chung.

Theo Báo Nhân Dân

 (Nguồn: bvhttdl.gov.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây