Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ diễn ra tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 25/1 đến ngày 2/2, là dịp để nhìn lại những thành tựu của đất nước trong 5 năm qua.
Trong thành công chung của đất nước, không thể thiếu sự đóng góp quan trọng, tích cực của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, góp phần lan tỏa các giá trị truyền thống, vẻ đẹp Việt Nam ra thế giới.
Du khách đến tham quan đồi hoa Xuân thị xã Thái Hòa (Nghệ An). (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)
Trước thềm Đại hội, phóng viên TTXVN đã trò chuyện với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện nhằm đánh giá sức mạnh, sự lan tỏa của văn hóa Việt thời gian qua và kỳ vọng về tương lai phát triển...
Nỗ lực vượt khó, nâng cao vị thế Việt Nam
- Nhiệm kỳ qua, các nhiệm vụ, hoạt động của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã diễn ra trong bối cảnh thuận lợi, khó khăn, thách thức như thế nào? Ngành đã đạt được những thành tựu, dấu ấn nào nổi bật, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Có thể nói rằng thuận lợi lớn nhất của ngành là có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, thể hiện rõ nét nhất là qua Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêucầu phát triển bền vững đất nước.
Nhưng khó khăn đặt ra cho ngành cũng không ít, chủ yếu là do nguồn lực, điều kiện cơ sở vật chất còn khiêm tốn, lạc hậu và việc nhận thức chưa thực sự thông suốt giữa các cấp.
Bên cạnh đó, điều kiện địa bàn đa dạng từ vùng núi, vùng sâu, xa tới hải đảo; đặc biệt thiên tai, dịch COVID-19 năm 2020 đã ảnh hưởng đến mọi mặt hoạt động của ngành.
Thách thức đặt ra trong công tác quản lý nhà nước và thực thi các hoạt động cụ thể là rất lớn.
Tuy nhiên, ngành đã nỗ lực chủ động khắc phục khó khăn và có những thành tựu nổi bật về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Đến nay, cả nước đã có 3.560 di tích quốc gia, trong đó có 119 di tích quốc gia đặc biệt; 364 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Công tác phong tặng danh hiệu cho nghệ nhân cống hiến xuất sắc trong việc gìn giữ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc đặc biệt được quan tâm. Các hoạt động văn hóa cơ sở bám sát nhiệm vụ tuyên truyền phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, gắn với công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.
Các ngành nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, điện ảnh đều làm tốt công tác phục vụ các nhiệm vụ chính trị, bước đầu có những thành công đáng kể ở phương diện công nghiệp văn hóa.
Thể thao thành tích cao và thể thao quần chúng tiếp tục được đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, gắn với Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại.”
Thể thao Việt Nam đạt được những thành tích nổi bật trên các đấu trường quốc tế.
Năm 2019, Thể thao Việt Nam có bước tiến vượt bậc tại SEA Games 30 và đứng thứ 2 toàn đoàn với 98 huy chương Vàng, trong đó có nhiều huy chương ở các môn Olympic.
Đội tuyển U22 nam Quốc gia lần đầu tiên sau 60 năm giành Huy chương Vàng SEAGames. Đội tuyển nữ bảo vệ thành công chức vô địch lần thứ 6, đem lại niềm vinh dự, tự hào dân tộc, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Du lịch Việt Nam đạt được những thành tựu có ý nghĩa đột phá với tốc độ tăng trưởng trung bình năm 2019 và trong 3 năm liên tiếp (2016 - 2019) đạt 30%/năm. Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 nước tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.
Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đã vượt Indonesia vươn lên vị trí thứ 4 về lượng khách quốc tế đến. Du lịch Việt Nam tiếp tục được vinh danh tại các giải thưởng du lịch quốc tế. Năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam liên tục được cải thiện trên bảng xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới.
- Trong 5 năm qua, ngành đã có những hoạt động cụ thể nào để góp phần lan tỏa các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ra thế giới, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Tính đến hết năm 2020, Việt Nam đã có 10 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; 1 di sản cần bảo vệ khẩn cấp; 6 di sản ký ức châu Á-Thái Bình Dương và Di sản Tư liệu Thế giới; 2 di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO ghi danh.
Những di sản này thể hiện bản sắc văn hóa Việt Nam, văn hiến Việt Nam qua ngàn đời thấm đẫm truyền thống dân tộc, kết tinh tinh hoa văn hóa dân tộc được thế giới ghi nhận. Cũng có nghĩa là chúng ta đã bước đầu làm tốt công tác giới thiệu, quảng bá văn hóa và con người Việt Nam ra thế giới.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Các di sản văn hóa của Việt Nam được UNESCO ghi danh ngày càng nhiều, chứng tỏ giá trị vượt thời gian, không gian của các di sản, vươn ra tầm thế giới nhờ sự đặc sắc, công lao bảo tồn và phát huy giá trị của di sản do thiên nhiên và bàn tay của con người cùng nâng niu gìn giữ.
Thế giới biết đến hình ảnh đất nước và con người Việt Nam qua các di sản là cách quảng bá, hội nhập hữu hiệu, nhanh chóng, ít tốn kém mà hiệu quả rất cao.
Từ các di sản được UNESCO ghi danh, thế giới biết đến Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, thân thiện, thu hút khách hàng đầu Đông Nam Á với các địa danh, thắng cảnh nổi tiếng, món ăn hấp dẫn, người dân thân thiện… Quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu sắc và toàn diện hơn.
Bằng thế mạnh tổng hợp của các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch, ngoại giao văn hóa đã khiến các hoạt động biểu diễn, thi đấu, trải nghiệm du lịch, hội thảo, tọa đàm, hợp tác song phương và đa phương lồng ghép hiệu quả, làm cho tinh hoa văn hóa các vùng miền tươi đẹp của giang sơn gấm vóc Việt Nam lan tỏa ra khu vực và thế giới ngày càng hiệu quả.
Cơ đồ văn hóa Việt Nam càng ngày càng rạng danh trong nước và được quốc tế tôn trọng, đề cao đã minh chứng cho sức mạnh bản sắc văn hóa đậm đà truyền thống và hiện đại của văn hóa, con người Việt Nam là trường tồn...
Định vị thương hiệu du lịch Việt Nam hấp dẫn, an toàn
- Thưa Bộ trưởng, nhiệm kỳ qua, du lịch cùng với tăng trưởng đáng kể lượng khách quốc tế thì còn giành được nhiều giải thưởng quốc tế danh giá, điều này đã góp phần định vị thương hiệu du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới như thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Liên tục từ năm 2016 đến năm 2019, du lịch Việt Nam nhận được nhiều giải thưởng quốc tế danh giá. Trong đó, năm 2016, Đà Nẵng được nhận danh hiệu “Điểm đến hàng đầu châu Á về sự kiện và lễ hội” và nhiều giải thưởng uy tín khác.
Năm 2017, du lịch Việt Nam đứng thứ 6/10 nước có tăng trưởng du lịch cao nhất thế giới, đứng đầu châu Á về tốc độ phát triển du lịch và nhận được nhiều danh hiệu danh giá của giải thưởng du lịch toàn cầu.
Đáng kể là danh hiệu: “Việt Nam - Điểm đến Golf hấp dẫn nhất châu Á - Thái Bình Dương”; Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines là “Hãng hàng không hàng đầu thế giới về bản sắc văn hóa” và “Hãng hàng không hàng đầu thế giới về hạng phổ thông đặc biệt” (Theo WTA 2017).
Theo báo cáo “Điểm nhấn Du lịch năm 2018,” Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), Việt Nam xếp thứ 3 trong top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách quốc tế nhanh nhất thế giới; là đại diện duy nhất của châu Á lọt vào danh sách 3/10 quốc gia có du lịch trải nghiệm tốt nhất thế giới (TripAdvisor công bố). Nhiều điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch được bình chọn trên các diễn đàn quốc tế...
Năm 2019, khách quốc tế đến Việt Nam năm 2019 đạt hơn 18 triệu lượt; Việt Nam được bình chọn là “Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á” trong 2 năm liên tiếp; “Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á”; “Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á”... Năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam liên tục được cải thiện trên bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), từ hạng 75/141 năm 2015 lên hạng 67/136 năm 2017 và năm 2019 xếp hạng 63/140 nền kinh tế.
Năm 2020, dù ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19 nhưng du lịch Việt Nam Việt Nam tiếp tục giành nhiều giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards - WTA). Trong đó, đáng chú ý là giải thưởng “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới” (World's Leading Heritage Destination).
Đây là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam giành chiến thắng ở hạng mục này, khẳng định sức hút của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế.
Ngoài ra, Việt Nam còn được tôn vinh ở các hạng mục: “Điểm đến Di sản hàng đầu châu Á,” “Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á” và “Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á.”
Đây cũng là minh chứng rõ nét, thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, tự nhiên của đất nước. Những con số và kết quả ấn trượng nêu trên đã góp phần khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam là điểm đến “An toàn, hấp dẫn, cạnh tranh” trong khu vực và thế giới.
- Lĩnh vực du lịch vẫn còn có hạn chế cần có giải pháp, hướng đi lâu dài để phát triển bền vững, vậy xin Bộ trưởng chia sẻ cụ thể những hướng đi này của lĩnh vực du lịch?
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Tồn tại trong ngành du lịch chủ yếu là do cơ chế vận hành công tác quản lý điểm đến; xúc tiến quảng bá chưa hiệu quả do hạn chế về nguồn lực, chưa thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài.
Du lịch Việt Nam cũng chưa xây dựng được sản phẩm mang thương hiệu quốc gia. Nhân lực du lịch đã qua đào tạo chuyên ngành còn thiếu, đặc biệt là nguồn nhân lực quản lý, trình độ cao.
Hạ tầng du lịch có xu hướng quá tải, chưa đáp ứng được tốc độ tăng trưởng cao về số lượng khách du lịch. Chính sách thị thực nhập cảnh còn hạn chế so với các điểm đến cạnh tranh trực tiếp của du lịch khu vực Đông Nam Á...
Thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tập trung hơn vào công tác hoàn thiện thể chế, chấn chỉnh các hoạt động nghiệp vụ xúc tiến và quảng bá, thực hiện chính sách kích cầu du lịch, triển khai và đưa Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch vào hoạt động.
Ngành phối hợp tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam online, kết nối doanh nghiệp (webinar) tới thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và ASEAN...
Đây cũng là cách thức chúng tôi triển khai để đón khách quốc tế quay trở lại “Thiên đường du lịch Việt Nam” trong năm 2021. Những năm tiếp theo, kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn, phấn đấu thuộc nhóm 3 quốc gia dẫn đầu về phát triển du lịch ở Đông Nam Á; 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới; 14 tiêu chí năng lực cạnh tranh du lịch đều tăng, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững.
Hội tụ và lan tỏa giá trị văn hóa Việt
- Có những vấn đề nào trong hoạt động của ngành mà Bộ trưởng còn trăn trở, chưa thực hiện được hiệu quả trong 5 năm qua và phải làm gì trong thời gian tới để tốt hơn?
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Có thể nói rằng trong năm 2020, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến các hoạt động của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Việc hạn chế tiếp xúc, hạn chế đi lại, không tập trung đông người… đã khiến các hoạt động văn hóa, nhất là văn hóa truyền thống, lễ hội, sự kiện nghệ thuật, thể thao, du lịch bị ngừng hoặc gián đoạn.
Những thửa ruộng bậc thang ở thung lũng Mường Hoa nhìn từ cabin cáp treo Fansipan. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Điều này gây ảnh hưởng đến đời sống văn hóa, tinh thần và nguồn thu nhập của người dân, gây khó khăn cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh.
Dù từ năm 2016-2019, ngành có nhiều thành tích, thành tựu nổi bật ở lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch nhưng khó khăn chung đã khiến hoạt động liên tục trong 5 năm bị ảnh hưởng.
Cùng với các hoạt động văn hóa nghệ thuật, hoạt động thể dục thể thao, du lịch trên toàn quốc phải giảm về số lượng và quy mô, lùi hoặc hoãn tổ chức hoặc tổ chức bằng hình thức trực tuyến đã ảnh hưởng lớn tới chất lượng, nội dung và hiệu quả tương tác, trải nghiệm của người dân trong nước và du khách quốc tế.
Những trăn trở về hoạt động của ngành là thường xuyên vì đặc thù luôn luôn thay đổi, luôn đòi hỏi sự tiến bộ, năng động theo tiêu chí giá trị “Chân-Thiện-Mỹ”...
Thời gian tới, trong “nguy” có “cơ hội,” toàn ngành chủ động rà soát, chỉnh đốn và nâng cao chất lượng hoạt động ở phương diện quản lý nhà nước theo phương châm tiếp tục thực hiện Kết luận số 76/KL-TW ngày 4/6/2020 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ-TW về Phát triển Văn hóa con người Việt Nam vì sự phát triển bền vững đất nước.
- Bộ trưởng có kỳ vọng gì về một giai đoạn mới của ngành văn hóa tới đây?
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Năm mới, mỗi người thường có những kỳ vọng về một tương lai tươi sáng hơn. Trước thềm năm Tân Sửu 2021, tôi mong ước ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục đóng góp tích cực để khẳng định Việt Nam là một quốc gia văn hóa, văn hiến, văn minh với những giá trị nền tảng cốt lõi, thể hiện con người Việt Nam mới ngày càng được chăm lo phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. Việt Nam luôn là điểm đến du lịch hấp dẫn, độc đáo, an toàn.
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch xứng đáng là điểm hội tụ và lan tỏa vốn văn hóa, nghệ thuật, sức mạnh, tài khéo của hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam vươn lên, hướng tới sự phát triển toàn diện trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay.
- Trân trọng cảm ơn!
Theo Thanh Giang / (TTXVN/Vietnam+)
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)