Chiều 19/1, tại Khách sạn Vinpearl (TP Thanh Hóa), UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội thảo “Phát triển du lịch Thanh Hóa trước thời cơ và thách thức mới”. Đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội thảo.
Tham dự Hội thảo có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương; đại diện một số cục, vụ, viện thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL); các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch; đại diện lãnh đạo Ngành Du lịch tỉnh Quảng Ninh và Ninh Bình; lãnh đạo một số huyện, thị xã, thành phố là trọng điểm du lịch của tỉnh Thanh Hóa; đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh.
Toàn cảnh hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh: Thanh Hóa sở hữu nguồn tài nguyên du lịch hết sức phong phú, đa dạng, gồm cả tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn. Từ cơ sở đó, việc khai thác, phát triển du lịch đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, đặc biệt là các chỉ tiêu kinh tế du lịch luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao. Tính riêng giai đoạn 2016 - 2019, tăng trưởng lượt khách bình quân đạt 15,2%/năm, tăng trưởng tổng thu du lịch đạt 31,7%/năm, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, du lịch Thanh Hóa phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Thông qua Hội thảo, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ mong muốn được tham vấn các ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, khách quan và kinh nghiệm quý báu của các nhà quản lý, các chuyên gia và doanh nghiệp du lịch đóng góp cho du lịch Thanh Hóa.
Cụ thể là định vị du lịch Thanh Hoá trong tương quan chung với du lịch Việt Nam; gợi mở cho Thanh Hóa các giải pháp có tính khoa học, chiến lược, bền vững và thực tiễn, nhằm phát triển du lịch Thanh Hóa trở thành một trong những địa bàn trọng điểm du lịch Quốc gia, cũng như trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Đặc biệt, tỉnh Thanh Hóa cũng mong muốn tham vấn ý kiến trực tiếp của các đại biểu vào Dự thảo “Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025”, nhằm cụ thể hoá mục tiêu, kỳ vọng phát triển du lịch trong 5 năm tới.
Trên cơ sở những vấn đề được đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa gợi mở, các nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp du lịch đã tham vấn, cho ý kiến và gợi mở hướng giải quyết các khó khăn đang đặt ra cho du lịch Thanh Hóa. Cụ thể là tập trung đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức đối với du lịch Thanh Hóa hiện nay, để làm cơ sở gợi mở các nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch trong thời gian tới.
Nếu theo cơ cấu chi tiêu và thời gian lưu trú, thì tỷ lệ khách chi tiêu cao, lưu trú dài ngày tại Thanh Hóa còn thấp. Điều đó khiến cho lượng khách du lịch đến Thanh Hóa tuy đông, nhưng tổng thu từ du khách chưa cao. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng, đang đặt ra cho du lịch Thanh Hóa và được các đại biểu, các học giả quan tâm làm rõ. Trong đó, tập trung giải pháp phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch; phân tích xu hướng của thị trường, các loại thị trường và phân khúc thị trường cần hướng tới, cũng như khả năng đáp ứng của du lịch Thanh Hóa.
Một vấn đề quan trọng khác được đặt ra tại Hội thảo là thu hút đầu tư và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch. Theo đó, các ý kiến tập trung gợi mở cho Thanh Hóa các vấn đề về việc ưu tiên nguồn lực cho các hạng mục hạ tầng trọng yếu và giải quyết những hạn chế trong hoạt động đầu tư hiện nay; giải pháp huy động nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch; giải pháp thúc đẩy hoạt động hợp tác, liên kết giữa khu vực công và khu vực tư, giữa doanh nghiệp và địa phương trong phát triển du lịch...
Du lịch nghỉ dưỡng biển là sản phẩm chủ lực của du lịch Thanh Hóa
Ngoài ra, chất lượng, tính chuyên nghiệp và sức cạnh tranh trong phát triển du lịch cũng là một nội dung quan trọng, được các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá và gợi mở hướng giải quyết, khắc phục mang tính lâu dài. Theo đó, Thanh Hóa cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là phát triển các kỹ năng, tính chuyên nghiệp và sức cạnh tranh của đội ngũ nhân lực du lịch; chú trọng ứng dụng công nghệ số và các tiện ích trong hoạt động cung ứng dịch vụ du lịch; chú trọng công tác bảo tồn các giá trị văn hóa; tôn trọng và bảo vệ môi trường; chủ động ứng phó của Ngành Du lịch trong bối cảnh tình hình dịch bệnh; chia sẻ những kinh nghiệm trong phát huy giá trị và quản lý điểm đến...
Du lịch sinh thái - cộng đồng là sản phẩm thế mạnh của du lịch Thanh Hóa
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh: Du lịch Thanh Hóa những năm gần đây đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Do đó, du lịch cần thay đổi cả về tư duy, cách làm và nhất là cần cú hích mạnh mẽ trên mọi phương diện.
Cụ thể, về cơ chế chính sách, Thanh Hóa cần nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ để có các chính sách ưu tiên, đặc thù, cũng như có chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư chiến lược, giàu tiềm lực. Bên cạnh đó, cần rà soát lại các quy hoạch du lịch, quy hoạch liên quan đến du lịch và tăng cường quản lý, giám sát việc thực hiện quy hoạch du lịch. Hoàn thiện, nâng cấp kết cấu hạ tầng, cơ ở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch.
Chú trọng thị trường nội địa và liên kết để khai thác các thị trường nguồn như Hà Nội, các tỉnh phía Bắc, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, thị trường khách nội tỉnh. Chú trọng phát triển các sản phẩm có chất lượng, thương hiệu gồm cả du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng - sinh thái...
Tổng cục Du lịch cam kết đồng hành cùng tỉnh Thanh Hóa và các doanh nghiệp trong phát triển du lịch. Trước mắt, trong năm 2021 Tổng cục Du lịch sẽ đưa Sầm Sơn vào danh mục các khu du lịch Quốc gia và xây dựng chương trình bảo vệ môi trường tại đô thị du lịch này.
Theo Báo Thanh Hóa
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)