SharePoint
Liên kết web
 
 

Năm 2021, hai nhiệm vụ quan trọng góp phần mang đến những chuyển biến mới cho nền điện ảnh

08/01/2021 17:19
(TTCNTT) - Chiều 7/1, tại Hà Nội, Cục Điện ảnh đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác Khối Điện ảnh Bộ VHTTDL năm 2020, phương hướng, nhiệm vụ năm 2021. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị.

Theo báo cáo của Cục Điện ảnh, năm 2020 là năm đặc biệt khó khăn đối với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực Điện ảnh. Việc triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2020 gặp trở ngại do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên các đơn vị đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chính trị, quản lý nhà nước, sản xuất kinh doanh phát triển và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông chủ trì Hội nghị

Cục Điện ảnh đã chỉ đạo và tổ chức các Đợt phim chính trị kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước; Chủ trì soạn thảo dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Bộ VHTTDL sẽ trình Chính phủ dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) vào tháng 4/2021; Hoàn thành và trình Bộ VHTTDL các đề án "Xây dựng và Quảng bá thương hiệu quốc gia- Liên hoan phim Việt Nam", Đề án Tổ chức Liên hoan phim giai đoạn 2021-2030; Phối hợp xây dựng Quy định tiêu chí, tiêu chuẩn, nội dung quy trình và định mức kinh tế- kỹ thuật sản xuất phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình sử dụng ngân sách nhà nước; Quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn, nội dung, quy trình và định mức kinh tế- kỹ thuật tổ chức Liên hoan phim, Tuần phim và các sự kiện quảng bá điện ảnh trong nước và quốc tế phục vụ nhiệm vụ chính trị sử dụng ngân sách nhà nước.

Trình Bộ VHTTDL ban hành 03 Quyết định phê duyệt và đưa kịch bản phim truyện Bình minh đỏ, Phương cháy, Cơn going vào sản xuất phim do Nhà nước đặt hàng giai đoạn 2018-2021; Giám định 15 kịch bản phim truyện, 77 kịch bản phim tài liệu, 45 kịch bản phim hoạt hình. Chỉ đạo sản xuất 03 phim tài liệu; giám định 30 kịch bản phim dịch vụ, hợp tác, liên doanh có yếu tố nước ngoài; cấp 39 giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh sản xuất phim nâng tổng số các doanh nghiệp sản xuất phim được cấp giấy phép là 581 đơn vị.

Đến ngày 31/12/2020, Cục Điện ảnh đã tổ chức thẩm định, phân loại và cho phép phát hành 35 phim truyện Việt Nam, 175 phim truyện nước ngoài (23 phim truyện nước ngoài không được cấp phép phổ biến), 04 phim truyện HD, 78 phim tài liệu, 21 phim hoạt hình, 26 phim truyện ngắn, cấp 264 giấy phép văn hóa phẩm xuất nhập khẩu có nội dung là phim.

Bên cạnh đó, các công tác phát triển sự nghiệp, nghiên cứu, đào tạo điện ảnh tiếp tục được thực hiện và đạt hiệu quả cao. Trong hợp tác quốc tế, tiếp tục tổ chức thành công các tuần phim như Tuần phim ASEAN 2020 tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh với sự tham gia của 9/10 nước ASEAN, gửi phim tham dự Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Ả rập xê út; Tham dự LHP châu Á- TBD lần thứ 59 tại Macau, Trung Quốc; tham dự các cuộc họp trực tuyến và trực tiếp với Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á…

Hoàn thành kế hoạch tổ chức đầu tư chiều sâu tạo nguồn kịch bản giai đoạn 2020-2022; Tổ chức cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020; Tổ chức 02 lớp bồi dưỡng phổ biến phim cho 153 cán bộ nhân viên các đơn vị điện ảnh địa phương…

Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị điện ảnh thuộc Bộ VHTTDL cũng nêu lên những khó khăn của ngành trong thời gian qua như việc thực hiện cơ chế tự chủ khiến các đơn vị đối mặt với thuế mặt bằng cao so với tính chất hoạt động kinh doanh và khả năng chi trả; Nhiều đơn vị điện ảnh hoạt động trong điều kiện thiếu thốn cơ sở vật chất, cơ sở xuống cấp, khó tìm nguồn đầu tư thay thế trang thiết bị mới; cạnh tranh trong lĩnh vực phát hành từ các công ty phát hành phim có vốn nước ngoài làm thu hẹp thị trường của các nhà phát hành Việt Nam; Tổ chức nhân sự một số đơn vị còn chưa ổn định và thiếu, ảnh hưởng đến hoạt động quản lý, sản xuất. Chính sách, cơ chế đãi ngộ không đủ thu hút cán bộ có trình độ gia nhập đội ngũ và gắn bó lâu dài với điện ảnh.

Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Tạ Quang Đông ghi nhận những nỗ lực vượt khó, tạo nên những thành công mới của các đơn vị điện ảnh thuộc Bộ trong năm 2020.

Thứ trưởng cho rằng, những khó khăn, thách thức từ nhiều phía đang buộc mỗi đơn vị phải tiếp tục chủ động, đưa ra những giải pháp tháo gỡ. Theo Thứ trưởng, các đơn vị cần chủ động rà soát lại những yếu tố mang tính chất pháp lý liên quan đến điều kiện để tham gia các hoạt động sản xuất phim. Quy định về đấu thầu trên mạng đã mở ra một cánh cửa mới cho các nhà làm phim, rất cần thiết để hòa nhập và phát triển cùng với sự phát triển của thị trường điện ảnh. Các đơn vị điện ảnh thuộc Bộ cần chú ý vấn đề tiếp cận, vươn ra thị trường điện ảnh vốn đang có tốc độ phát triển nhanh, doanh thu cao.

Thứ trưởng lưu ý vấn đề khai thác bản quyền phim Nhà nước đặt hàng, đặc biệt trên nền tảng trực tuyến - vấn đề thu hút sự chú ý của dư luận trong thời gian qua. Khẳng định phải tôn trọng những nguyên tắc về bản quyền, các đơn vị sản xuất nếu có nhu cầu khai thác thì làm đề xuất và Cục Điện ảnh sẽ có những hướng dẫn cụ thể theo những quy định của pháp luật. "Trong bối cảnh hiện nay, khi nhu cầu thưởng thức các tác phẩm điện ảnh trên các nền tảng trực tuyến ngày càng cao thì bắt buộc phải có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đặc biệt đối với vấn đề khai thác bản quyền phim Nhà nước đặt hàng", Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho rằng, trong năm 2021, ngoài các nhiệm vụ đã được đặt ra cho các đơn vị khối điện ảnh, có hai công việc quan trọng cần sự đoàn kết, quyết tâm thực hiện thật tốt giữa các đơn vị khối điện ảnh là tổ chức Liên hoan phim Việt Nam tại Huế và trình Chính phủ Luật Điện ảnh (sửa đổi). Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị cần huy động trí tuệ, tâm sức để hoàn thành hai nhiệm vụ quan trọng, góp phần mang đến những chuyển biến mới cho nền điện ảnh nước nhà trong thời gian tới.

Hà An

 (Nguồn: bvhttdl.gov.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây