SharePoint
Liên kết web
 
 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa thành sức mạnh để phát triển đất nước

06/01/2021 16:57
(TTCNTT) - Ngày 5/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia (Hội đồng) nhiệm kỳ 2020-2024.

Trong nhiệm kỳ 2015-2019, Hội đồng đã tổ chức thẩm định được 52 di tích, 112 hiện vật, nhóm hiện vật trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định công nhận Bảo vật quốc gia.

Hội đồng đã đóng góp ý kiến, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ các hồ sơ di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh và di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam trình UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại hoặc cần bảo vệ khẩn cấp.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Hội đồng Di sản quốc gia (ảnh VGP)

Qua quá trình khảo sát và làm việc với các địa phương, GS. Lưu Trần Tiêu cũng nêu thực trạng các địa phương chưa quan tâm, có chế độ bảo vệ, bảo quản, bảo tồn tương xứng đối với bảo vật quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.

Hội đồng đề nghị Bộ VHTTDL chỉ đạo các địa phương có biện pháp, phương án cụ thể để bảo vệ và bảo quản đặc biệt đối với bảo vật quốc gia, di sản văn hóa phi vật thể sau khi được UNESCO ghi danh; UBND tỉnh, thành phố quan tâm đúng mức đến việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị đối với di tích quốc gia đặc biệt.

Trân trọng những đóng góp của Hội đồng trong công tác xét hồ sơ công nhận di tích các cấp rất tốt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn trong nhiệm kỳ tới (2020-2024) Hội đồng làm tốt hơn nữa hoạt động tư vấn về những vấn đề liên quan đến khoa học, công tác quản lý để bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, biến thành sức mạnh để đất nước phát triển. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, từ đó hình thành cơ chế, mạng lưới đồng hành, bổ trợ cơ quan quản lý nhà nước để công tác bảo tồn, phát huy di sản đi vào thực chất.

Phó Thủ tướng chia sẻ thêm trong quá trình phát triển, nhiều nước vì sức ép tăng trưởng kinh tế nên thường không chú ý vấn đề môi trường, xã hội, văn hóa. Đến lúc nhận ra thì các nước này phải mất hàng chục năm để giải quyết ô nhiễm môi trường, và hàng thế hệ để khắc phục những bất cập xã hội, văn hóa. So với nhiều nước cùng trình độ phát triển, các chỉ số về văn hóa, xã hội, phát triển con người phát triển bền vững của Việt Nam ở thứ hạng cao hơn nhiều so với thu nhập bình quân GDP tính trên đầu người.

Toàn cảnh buổi làm việc (ảnh VGP)

Trao đổi về một số kiến nghị cụ thể của các thành viên Hội đồng liên quan về sự cần thiết phải có chương trình, đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá, thúc đẩy dự án xây dựng bảo tàng lịch sử quốc gia… Phó Thủ tướng "đặt hàng" Hội đồng bàn và xem xét phương án thiết lập bảo tàng số quốc gia; nghiên cứu xây dựng bộ công cụ giám sát việc bảo tồn các di sản văn hóa trên cả nước.

Cũng tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Hội đồng đã nghe báo cáo của Trung tâm Bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long về tiến độ triển khai công tác phục dựng Chính điện Kính Thiên,

Qua các ý kiến, Phó Thủ tướng giao Bộ VHTTDL, TP. Hà Nội sớm báo cáo cụ thể về vấn đề này. "Đây là việc cần làm đúng, làm thận trọng nhưng phải nhanh nhất có thể", Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh Hoàng thành Thăng Long là di tích đặc biệt, quan trọng của quốc gia, vì vậy TP. Hà Nội, Bộ VHTTDL phải quan tâm hết sức sâu sát.

Hồng Hà

(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây