SharePoint
Liên kết web
 
 

"Cây gậy thần": Tạo sức hấp dẫn từ sự kết hợp các loại hình nghệ thuật

10/12/2020 10:51
(TTCNTT) - Mong muốn xây dựng một sân chơi nghệ thuật giữa hai lực lượng nghệ sĩ cải lương và xiếc, kì vọng tạo nên một hình thức nghệ thuật mới từ việc kết hợp những ưu thế nổi trội của hai loại hình nghệ thuật sân khấu, tác phẩm Cây gậy thần của Liên đoàn Xiếc VN và Nhà hát Cải lương Việt Nam đã thực sự chinh phục người xem ở ngay suất diễn đầu tiên ra mắt tại Rạp xiếc Trung ương, Hà Nội.

Hấp dẫn khán giả từ sự kết hợp mới lạ

"Cây gậy thần" có sự tham gia của ê kíp sáng tạo hùng hậu gồm hai đạo diễn: NSND Triệu Trung Kiên, NSND Tống Toàn Thắng, Nhạc sĩ- NSND Đào Trung (sáng tác âm nhạc), Họa sĩ- NSƯT Doãn Bằng (thiết kế mỹ thuật), NSƯT Thanh Nam (biên đạo múa)... kịch bản "Cây gậy thần" của cố tác giả Hoàng Luyện, Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2017.

Nghệ sĩ cải lương vừa bay trên không vừa cất giọng hát...

NSND Lưu Phúc, một nghệ sĩ lâu năm của ngành xiếc cho rằng: "Sự kết hợp giữa hai loại hình sân khấu trong Cây gậy thần đã phát huy được ưu thế nổi trội của từng loại hình, đây là xu hướng dàn dựng hiện đại rất đáng khích lệ. Vẫn tiết mục dây lụa của xiếc nhưng đứng riêng lẻ thì hiệu quả không thể tuyệt vời khi đưa vào nội dung và có sự kết hợp của cải lương. Sẽ dễ dàng cảm nhận sự thành công khi chứng kiến những tràng pháo tay vang dội từ người xem cho những khoảnh khắc kết hợp đầy thăng hoa trong nghệ thuật khi hai cặp nghệ sĩ cải lương và xiếc cùng hình tượng Chử Đồng Tử - Tiên Dung và thực hiện động tác đu dây lụa".

Có thể thấy sự kết hợp chặt chẽ, ăn ý của hai đạo diễn cải lương (NSND Triệu Trung Kiên) và xiếc (NSND Tống Toàn Thắng) ở tác phẩm này. Đó là lý do các nghệ sĩ cải lương và xiếc cùng tung hứng ăn ý ở nhiều không gian sân khấu, nhiều tầng sân khấu ở rạp xiếc TƯ.

Nếu như sân khấu cải lương là ước lệ, mềm mại, thì sân khấu xiếc là trực diện, mạnh mẽ. Và khán giả đã có được sự tổng hòa của hai loại hình này. Những yếu tố ước lệ đã biến mất, thay vào đó là sự sinh động, lôi cuốn, và khán giả cảm giác như huyền tích Chử Đồng Tử- Tiên Dung thật sự đang diễn ra trước mắt mình.

...và cưỡi ngựa, tạo cho vở diễn tính chân thực, sinh động

Ở sân khấu bên trái của rạp xiếc có khi là cảnh triều đình Lạc Vương, ở góc phải có khi lại tái hiện sinh động cuộc sống sinh động của người dân Chử xá, sân khấu giữa 2 tầng cũng biến hóa lúc tái hiện cảnh Phật quang xuất hiện, lúc lại mọc lên tòa lâu đài nguy nga. Mỗi cảnh diễn lại tạo được những dấu ấn riêng từ cách xử lý kết hợp giữa xiếc, cải lương và hiệu ứng công nghệ như cảnh diễn tả tình yêu nảy nở giữa Chử Đồng Tử và Tiên Dung của cải lương và xiếc cùng diễn trên sân khấu, cảnh Chử Đồng Tử được chim thần dẫn đường trên biển, cảnh các đạo sĩ đánh tan thủy quái... Đặc biệt ấn tượng là sự xuất hiện của những con thú nuôi như trâu, lợn trở thành sản vật của dân làng cho vợ chồng Chử Đồng Tử lập nghiệp trong đám cưới. Sự xuất hiện hài hước của các phái đoàn sứ ở các nước đến. Tất cả dân làng, sứ giả và kể cả những ông bà nông dân cũng hòa theo những điệu nhạc vui làm tăng tính giải trí và hấp dẫn.

Nâng cao trình độ, tạo ra thế hệ nghệ sĩ đa năng

NSND Tống Toàn Thắng , Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc VN, đồng đạo diễn chia sẻ lúc đầu bản thân anh và diễn viên của hai nhà hát cũng rất bỡ ngỡ, lo lắng bởi đặc trưng của hai loại hình cải lương và xiếc cũng rất khác nhau, cải lương thì nặng yếu tố ủy mị, tiết tấu chậm, còn xiếc thì lại mang tiết tấu nhanh, trực diện.

NSND Tống Toàn Thắng nói: "Nghệ sĩ cải lương và xiếc đã thực sự vượt lên chính mình, vượt qua mọi khó khăn tưởng như không thể làm được bằng sáng tạo nhiệt huyết. Từ sự kết hợp này diễn viên của cải lương và xiếc đều có sự tương tác, học tập về kỹ thuật biểu diễn từ loại hình của đồng nghiệp. Cá nhân tôi thấy vô cùng khâm phục các bạn diễn viên cải lương khi thấy họ vừa đu trên dây như diễn viên xiếc, vừa diễn, vừa hát. Khi xem khán giả sẽ thấy nghệ thuật cải lương có thể nổi trội hơn bởi đây là một kịch bản của sân khấu cải lương và xiếc cũng mong muốn mở rộng thêm đối tượng khán giả lâu nay vẫn yêu thích cải lương đến với xiếc ở chương trình này".

Sự kết hợp giữa xiếc và cải lương

"Trong giai đoạn này, đòi hỏi phải nâng cao chất lượng các chương trình để phục vụ khán giả. Không làm mất đi cái cốt lõi của mỗi loại hình nghệ thuật, xiếc không mất đi cái kỹ năng, kỹ xảo, kỹ thuật. Tài năng của người nghệ sĩ xiếc vẫn luôn luôn trau dồi. Muốn có các tác phẩm hay thì chất lượng nghệ sĩ phải tăng lên. Trình độ của người nghệ sĩ phải nâng lên ngang tầm quốc tế và thế giới. Chính vì vậy, khi họ tham gia những vở diễn sẽ tạo những đột phá về kỹ năng, kỹ xảo"- NSND Tống Toàn Thắng chia sẻ.

Với các nghệ sĩ tham gia các vai diễn Chử Đồng Tử, Tiên Dung của Nhà hát Cải lương VN như Minh Hải, Như Quỳnh đều chia sẻ niềm vui và sự hào hứng khi được diễn theo một phong cách hoàn toàn khác với lối diễn của cải lương. Việc xả thân tập luyện thậm chí liều lĩnh, đánh đổi của sự an toàn để mang lại hiệu quả cao trong nghệ thuật cao khi họ vừa hát, diễn và tự tin thực hiện các động tác trên không khiến khán giả không khỏi trầm trồ, xuýt xoa.

NSND Triệu Trung Kiên chia sẻ: "Lực lượng diễn viên của hai Nhà hát đều cảm thấy hào hứng, vui vẻ, không còn khoảng cách giữa diễn viên xiếc hay diễn viên cải lương. Mỗi nghệ sĩ đều được học hỏi thêm ngôn ngữ nghệ thuật biểu diễn. Nghệ sĩ cải lương được phát triển khả năng biểu diễn. Như Quỳnh, Minh Hải của Nhà hát Cải lương VN đã xả thân, liều lĩnh đánh đổi cả sự an toàn của mình ở những màn đu dây không có bảo hiểm, bay lên cao, dùng các động tác bay từ đất lên trên sân khấu tầng cao, bay thẳng xuống thuyền bay lơ lửng trên không gian... Mục đích tối cao là tạo chất lượng và tính giải trí cao, hấp dẫn, lôi kéo được khán giả đến rạp. Đây là nỗi niềm của rất nhiều nhà hát khi khán giả đang thờ ơ với sân khấu. Bằng chủ quan khi thấy khán giả đến xem và phản ứng của khán giả sau đêm công diễn 6/12 thì hình như tác phẩm đã chinh phục họ"- NSND Triệu Trung Kiên bày tỏ.

Xiếc thú trong vở diễn

Với "Cây gậy thần", các đạo diễn, ê kíp sáng tạo và nghệ sĩ của Liên đoàn Xiếc VN và Nhà hát Cải lương VN đã biến những điều không tưởng thành hiện thực, phá bỏ đi những băn khoăn, lo lắng về sự phối hợp của hai loại hình nghệ thuật không hề liên quan với nhau. Tác phẩm đã cho thấy sức sáng tạo của người nghệ sĩ là không bao giờ có giới hạn, sân khấu cần có những thử nghiệm mang tính phá cách để tìm ra chìa khóa đưa khán giả trở lại với thói quen xem nghệ thuật.

"Cây gậy thần" là tác phẩm đầu tiên được dàn dựng trong dự án nghệ thuật Huyền sử Việt do Nhà hát Cải lương VN và Liên đoàn Xiếc VN xây dựng đã được Bộ VHTTDL phê duyệt. Huyền sử việt gồm 4 vở diễn thuộc thể loại Ca – Kịch – Xiếc, ca ngợi công đức của "Tứ bất tử" – bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng tâm linh nguyên thủy của người dân Việt Nam, đó là: Tản Viên sơn Thánh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và Mẫu Liễu Hạnh. Mục đích dự án nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và cũng là một sáng tạo mang nhiều yếu tố cách tân nhằm thu hút đông đảo hơn nữa khán giả đến với nghệ thuật biểu diễn. Cây gậy thần dựa trên huyền tích về Chử Đồng Tử - Tiên Dung là một mối thiên duyên không tiền, khoáng hậu thể hiện khát vọng tự do và hạnh phúc của con người.

Đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên cho biết vở diễn bắt đầu công diễn đến khán giả Hà Nội các tối 12 và 13/12 tại Rạp xiếc trung ương, sau đó biểu diễn đều đặn vào tối thứ bảy và chủ nhật hằng tuần cho đến giữa tháng 1/2021. Ngoài ra, êkip còn có một bản dựng cho sân khấu hộp để đưa vở diễn đến các tỉnh thành trong cả nước.

Hà An

 (Nguồn: bvhttdl.gov.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây