(TTCNTT) - Vừa qua, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã có đợt trưng bày "Khám phá di sản kiến trúc chùa Một Cột - Diên Hựu thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo" từ kết quả nghiên cứu của nhóm SEN Heritage.
Ðeo kính 3D, khách tham quan được chiêm ngưỡng mô hình phỏng dựng kiến trúc chùa Một Cột và chùa Diên Hựu thời Lý thông qua hình ảnh tranh 3D, phim 3D, sản phẩm công nghệ thực tế ảo (VR3D)... Với công nghệ này, người xem có những trải nghiệm mà trước đó có thể chưa từng được biết: một thực tế ảo về vị trí, hình thái kiến trúc, quy mô của chùa tháp Một Cột - Diên Hựu... Cách làm này có thể giúp ngành bảo tàng đưa hiện vật tiếp cận người xem, để mọi người đều có thể khám phá, trải nghiệm cùng những di sản từ ngàn xưa.
Việc các bảo tàng tiếp cận và ứng dụng công nghệ thực tế ảo để giới thiệu về các hiện vật được trưng bày của mình với đông đảo công chúng là cách làm cần thiết để quảng bá từ xa và thu hút, lôi kéo khách tham quan trực tiếp đến các bảo tàng, nhất là trong thời gian chống dịch Covid-19. Trong bối cảnh ấy, một số bảo tàng đã bước đầu có những động thái chuyển đổi về cách thức đưa tư liệu, hiện vật đến gần với người xem. Ðồng thời, cũng theo xu hướng này, nhiều địa chỉ triển lãm trực tuyến, triển lãm 3D đã ra mắt công chúng và có sức hấp dẫn, thu hút người xem khá đông trên mạng như: Trung tâm Bảo tồn Hoàng thành Thăng Long ra mắt người xem triển lãm trực tuyến ảo 360 độ "Di tích cách mạng nhà và hầm D67"; chùm tác phẩm nghệ thuật tạo hình đặc sắc về đề tài kháng chiến chống Mỹ được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu trực tuyến trên website; các triển lãm 3D của Bảo tàng Hồ Chí Minh…
Thực tế cho thấy, vài năm gần đây, các bảo tàng tại Việt Nam đang nỗ lực theo đuổi công nghệ để thu hút công chúng, nhất là giới trẻ. Bảo tàng Lịch sử quốc gia là đơn vị tiên phong xây dựng bảo tàng ảo tương tác 3D để tăng tính trải nghiệm, tương tác cho bảo tàng thực... Từ năm 2013, bắt nhịp xu hướng hiện đại hóa thông qua ứng dụng công nghệ trong trưng bày, giới thiệu của các bảo tàng hiện đại trên thế giới, nhiều triển lãm, bộ sưu tập đã được Bảo tàng Lịch sử quốc gia đưa đến với công chúng dưới hình thức công nghệ thực tế ảo 3D. Khi truy cập vào website của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, khách tham quan sẽ thấy hiện lên nội dung "Tham quan 3D". Tại đây, bảo tàng đã xây dựng bốn nội dung tham quan trực tuyến là Việt Nam thời tiền sử, Văn hóa Ðông Sơn, Triều Ngô - Ðinh - Tiền Lê - Lý - Trần và Óc Eo - Phù Nam.
Hiện tại, một bộ phận công chúng đã dần quen với thao tác sử dụng công nghệ, điện thoại, máy tính để truy cập và thưởng lãm những cuộc trưng bày online, tương tác ảo. Nhiều cuộc triển lãm, người quan tâm chỉ ngồi một chỗ vẫn có thể nhìn ngắm, nghiên cứu về các hiện vật trưng bày trong bảo tàng. Khoảng cách giữa các hiện vật trong bảo tàng với công chúng đã được thu hẹp. Chỉ cần một cú nhấp chuột là có thể hiện lên trước mắt những kho báu di sản, những cuộc triển lãm chuyên đề, có thuyết minh, âm thanh phụ trợ khiến chuyến tham quan trở nên hết sức sống động, thú vị. Phản hồi từ nhiều người xem cho thấy, xem trưng bày ảo dễ hiểu, chi tiết và đầy đủ thông tin hơn tham quan trưng bày thật. Như khi quan sát trống đồng Ngọc Lũ trong tủ kính tại trưng bày thực của bảo tàng, khách không thể cảm thụ được hết những giá trị của bảo vật quốc gia này, nhưng khi tham quan trên trưng bày tương tác ảo 3D, du khách lại có thể quan sát được các chi tiết hoa văn trang trí, các thông tin chi tiết về hiện vật và tự tương tác các nội dung mong muốn... Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi năm 2019 có tới chín triệu lượt truy cập vào website của Bảo tàng Lịch sử quốc gia để xem và tìm hiểu thông tin.
Cách mạng công nghiệp 4.0 với những ứng dụng thông minh như quét mã QR, trưng bày 3D, công nghệ thực tế ảo VR, thực tế tăng cường AR (sự kết hợp giữa thế giới thật với thông tin ảo) vừa là xu hướng, cơ hội, vừa là thách thức đối với các bảo tàng. Bởi dù bảo tàng tương tác ảo 3D cũng không thể thay thế được bảo tàng thực, vì trực quan ngắm nhìn hiện vật gốc mới mang lại tình cảm, cảm xúc lịch sử thật sự. Thế nhưng, việc ứng dụng công nghệ lại góp phần quan trọng để phát huy giá trị trưng bày hiện vật rộng rãi, nhanh chóng và hiệu quả hơn đến với công chúng. Nó mở ra một hướng đi cho việc lưu trữ dữ liệu, bảo tồn di sản văn hóa, trùng tu - phỏng dựng phế tích, phục vụ công tác trưng bày, thuyết minh bảo tàng, và quảng bá di sản Việt Nam. Tuy các đơn vị bắt tay vào thực hiện xây dựng bảo tàng "ảo" ở Việt Nam còn ít ỏi, nhưng vẫn cho thấy một xu thế và thực tế các bảo tàng không thể tiếp tục "đứng im" trong bối cảnh công nghệ phát triển như hiện nay.
Theo Báo Nhân Dân
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)