SharePoint
Liên kết web
 
 

Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khảo cổ, bảo tồn, mở cửa đón khách tham quan Hoàng thành Thăng Long

24/11/2020 09:44
(TTCNTT) - Sau 10 năm được UNESCO ghi danh, Hoàng thành Thăng Long đã từng bước khẳng định vị trí là một trong những Di sản văn hóa thế giới quan trọng và là điểm đến hấp dẫn của du lịch Thủ đô.

Chiều 23/11, tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế "10 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long".

Đây là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long, Hà Nội; chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025; góp phần tuyên truyền, quảng bá giá trị khu di sản Hoàng thành Thăng Long nhân kỷ niệm 10 năm được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa thế giới.

Hội thảo khoa học quốc tế "10 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long

Hội thảo nhằm khẳng định những thành tựu đã đạt được trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội sau 10 năm được UNESCO vinh danh, đồng thời là dịp trao đổi, học tập kinh nghiệm của những người làm công tác nghiên cứu, bảo tồn di sản trong nước và quốc tế. Từ đó nêu lên những định hướng cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản nhiều mặt của Di sản thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Hội thảo đã nhận được gần 40 tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà bảo tồn, quản lý... trong và ngoài nước. Các tham luận đề cập đến nhiều lĩnh vực từ nghiên cứu, bảo tồn, bảo quản, phục dựng... di tích, di vật trong các khu di sản cũng như kinh nghiệm quản lý, quảng bá, tuyên truyền và phát huy giá trị di sản.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung phân tích những kết quả đã đạt được trong các hoạt động tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long trong một thập kỷ qua hoạt động khai quật khảo cổ học; xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị; sự hợp tác trong các hoạt động nghiên cứu, trưng bày; định hướng nghiên cứu phục dựng các công trình kiến trúc tại Hoàng thành Thăng Long thông qua kết quả nghiên cứu khoa học... cũng như chia sẻ kinh nghiệm và định hướng phát huy giá trị văn hóa phi vật thể và giáo dục di sản hướng tới mục tiêu quản lý bền vững khu di sản...

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, trên tổng thể, kết quả khảo cổ học Thăng Long - Hà Nội đã ngày càng chứng minh rõ hơn 3 tiêu chí nổi bật toàn cầu của Di sản văn hóa thế giới, với diễn trình và chứng cứ toàn diện hơn, lâu dài, sinh động, sâu sắc hơn, phản ánh những đặc trưng nổi bật của nền văn hiến Thăng Long trên tầng văn hóa - văn minh bản địa, hội tụ, giao thoa, tiếp biến những tinh hoa văn hóa của cả nước, trong khu vực và trên thế giới.

Hiện vật khảo cổ thời Lý tại Hoàng thành Thăng Long

Ông Mai Phan Dũng, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa - UNESCO (Bộ Ngoại giao) cho rằng, với mục tiêu phát triển bền vững, Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long cần cân nhắc việc chuyển dịch trọng tâm đầu tư từ tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng sang tăng cường trùng tu, bảo trì di sản; thiết lập và áp dụng các tiêu chuẩn chuyên môn nhằm bảo đảm tính xác thực của di sản; gắn phát triển cộng đồng với trách nhiệm bảo tồn di sản.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý khẳng định: Kể từ khi Hoàng thành Thăng Long được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa Thế giới, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, UBND TP Hà Nội và các bộ, ngành có liên quan đã có sự quan tâm, đầu tư nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của khu di sản. UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội thực hiện tốt các cam kết của Chính phủ đối với khuyến nghị của ICOMOS về di sản, tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khảo cổ, bảo tồn cũng như mở cửa đón khách tham quan, đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá giá trị để khu di sản mãi là niềm tự hào của đất nước và con người Việt Nam.

“Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị đối với khu di sản trong bối cảnh phát triển đô thị cũng được đặt ra với nhiều băn khoăn, lo lắng. Bởi lẽ, việc nghiên cứu bảo tồn các di tích khảo cổ học nằm sâu dưới lòng đất vốn là vấn đề rất khó khăn, phức tạp và mang tính quốc tế, không chỉ riêng đối với Việt Nam”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nhận định.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, Hội thảo khoa học quốc tế “10 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long” nhằm khẳng định những thành tựu đã đạt được trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long, góp phần để nhận thức sâu hơn, toàn diện hơn về những giá trị căn bản của khu di sản trên nhiều phương diện từ qui hoạch đô thị, kiến trúc, cảnh quan, sự giao thoa văn hoá… đến bảo tồn, phát huy giá trị. Đây cũng là dịp để các nhà khoa học trao đổi, học tập kinh nghiệm, đưa ra định hướng, kế hoạch hành động để từng bước nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy bền vững các giá trị nhiều mặt của Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Hà An

(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây