SharePoint
Liên kết web
 
 

Cơ cấu lại thị trường Du lịch: Chú trọng khách nội địa, nâng cao chất lượng dịch vụ

20/11/2020 08:53
(TTCNTT) - Sáng 19/11 trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam 2020 (VITM 2020), Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Hội nghị về cơ cấu lại thị trường khách du lịch. Trong bối cảnh du lịch thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, các doanh nghiệp du lịch, nhà quản lý và các chuyên gia đều cho rằng, cần cơ cấu lại thị trường, chú trọng phát triển thị trường du lịch nội địa bằng chất lượng sản phẩm.

Phát triển du lịch nội địa để cân bằng cán cân du lịch

Thời gian vừa qua, du lịch Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng cả về lượng khách và tổng thu từ du lịch. Giai đoạn 2015 - 2019, khách quốc tế lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng từ 7,9 triệu lên 18 triệu (tăng gần 2,3 lần). Tốc độ tăng trưởng bình quân khách quốc tế đạt 22,7%/năm. Cũng trong thời gian trên, lượng khách nội địa từ 57 triệu lượt, lên 85 triệu lượt (tăng 1,5 lần). Tổng thu từ du lịch tăng từ 355 ngàn tỷ đồng lên 755 ngàn tỷ đồng (tăng 2,1 lần). Năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam tăng 12 bậc, từ xếp thứ 75 năm 2015 lên thứ 63 năm 2019.

Trong giai đoạn này, cần xây dựng thêm sản phẩm du lịch, tăng điểm đến hấp dẫn

Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, du lịch là một trong những ngành kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Theo dự báo của Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO), năm 2020, lượng khách du lịch quốc tế trên toàn thế giới giảm khoảng 1,1 tỷ lượt khách, thiệt hại dịch Covid 19 cho ngành du lịch lên tới 1.100 tỷ USD, khoảng 100-120 triệu lao động trong ngành du lịch mất việc làm.

Ông Nguyễn Trùng Khánh- Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Dự báo sau dịch, xu hướng du lịch quốc tế có nhiều thay đổi. Du khách sẽ chú trọng hơn các yếu tố an toàn sức khỏe, bảo hiểm du lịch, vệ sinh, tránh các không gian đông đúc, tránh tiếp xúc, nhạy cảm đối với vấn đề chi phí và giá cả trong việc lựa chọn điểm đến; xu hướng đi du lịch gần trong nước hoặc trong khu vực, cắt ngắn thời gian các kỳ nghỉ, nhu cầu nhiều hơn đối với các kỳ nghỉ dưỡng trong các không gian mở, biệt lập, có các điều kiện vệ sinh an toàn đảm bảo cho việc phòng dịch.

Đối với du lịch Việt Nam, ngay sau khi đạt mức tăng trưởng kỷ lục vào tháng 1/2020, du lịch Việt Nam rơi vào khủng hoảng do dịch Covid-19 bùng phát. Năm 2020, dự kiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm trên 80% so với năm 2019. Về khách nội địa, mặc dù Bộ VHTTDL cùng các địa phương, doanh nghiệp tổ chức nhiều chương trình kích cầu, giảm giá nhưng dự báo cũng giảm 50% so với năm 2020. Ngành du lịch Việt Nam thất thu khoảng 23 tỷ USD trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid 19. Đến nay, khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động. Công suất sử dụng phòng của nhiều khách sạn ở các thành phố lớn, các khu du lịch chỉ đạt từ 10-15%, nhiều khách sạn phải đóng cửa và cho nhân viên nghỉ việc. Ngành vận chuyển, hàng không quốc tế cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Đại dịch Covid-19 tác động sâu sắc và toàn diện, thay đổi toàn bộ chiến lược, kế hoạch và cấu trúc của ngành.

Trong bối cảnh này, vấn đề chính đặt ra là toàn ngành cần đánh giá lại, xem xét lại cơ cấu ngành, trong đó có cơ cấu thị trường khách, coi đây là cơ hội mở ra giai đoạn mới.

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, cơ cấu thị trường du lịch Việt Nam khách nội địa chiếm 82,5%, khách quốc tế chiếm 17,5%. Về tổng thu từ khách nội địa và khách quốc tế: Giai đoạn 2015 – 2019, tỷ lệ tổng thu từ khách quốc tế và khách nội địa hầu như không thay đổi với tỷ lệ 55,7% thu từ khách quốc tế và khoảng 44,3% thu từ khách nội địa, mặc dù về số lượng, khách nội địa có số lượng gấp 4,7 lần số lượng khách quốc tế.

Đối với thị trường khách du lịch nội địa, giai đoạn 2015 - 2019 đã tăng thêm 28 triệu lượt khách, từ 57 triệu lên 85 triệu lượt, đóng góp đáng kể vào tổng thu của ngành du lịch, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành hàng không và nhiều ngành kinh tế khác.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam khẳng định, thị trường nội địa giữ vai trò cân đối hoạt động du lịch. Đặc biệt trong bối cảnh tác động của Covid-19, thị trường quốc tế hiện nay đang dừng lại, du lịch nội địa đã thích ứng tốt. Ngành du lịch cần tính toán xem cơ cấu của ngành trong giai đoạn mới như thế nào. "Câu chuyện phát triển cân đối vùng miền, đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào thị trường chủ yếu để ngành có đề kháng trước những rủi ro"- ông Hà Văn Siêu nhận định.

Toàn cảnh Hội nghị

Tăng chất lượng, khai thác điểm mới

Theo đại diện của Vietnam Airlines, trong thời gian ngắn hạn, du lịch khó có thể phục hồi mà phải 2-3 năm, thậm chí dài hơn nữa. Trước dịch Covid-19, mỗi năm có khoảng 9-10 triệu người Việt Nam đi du lịch nước ngoài. Dù số tiền chi tiêu từ lượng khách này chưa được ước tính nhưng nếu khảo sát, thu hút lượng khách này hướng đến du lịch nội địa, thì đây là lượng khách tiềm năng.

Cũng theo vị đại diện này, hiện sản phẩm du lịch của Việt Nam vẫn còn theo xu hướng truyền thống, trong giai đoạn này, cần xây dựng thêm sản phẩm du lịch, tăng điểm đến hấp dẫn.

"Cần có sản phẩm khuyến khích khách nội địa tốt hơn. Hiện nay du lịch Việt Nam vẫn theo xu hướng truyền thống. Cứ đi biển là nghĩ đến Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang; tour Tây Bắc thì Sapa, Hà Giang… trong khi còn nhiều điểm khác hấp dẫn. Nếu không khai thác tốt các điểm khác thì du khách trong nước họ chỉ đi 1-2 lần 1 điểm. Vì vậy cần khai thác những điểm mới, tăng sự mới lạ, hấp dẫn tại các điểm đã quen thuộc để thu hút khách nội địa"- đại diện VN Airlines cho biết.

Đồng quan điểm này, ông Trần Hùng Việt- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP HCM khẳng định: "Hiện giá của dịch vụ du lịch đang ở mức đáy, cung quá lớn so với cầu, nên khách hàng dễ dàng lựa chọn. Quan trọng để thu hút khách du lịch là sản phẩm có đáp ứng yêu cầu, có đáp ứng được chất lượng. Xu hướng hiện nay là du lịch nghỉ dưỡng, vì vậy, phải xây dựng các tour thiên về phục vụ xu hướng này và đáp ứng được nhu cầu của du khách, không vì giá rẻ mà chất lượng thấp đi".

Ý kiến này cũng được bà Trần Thị Nguyện, Giám đốc Tiếp thị tập đoàn Sungroup tán thành. Bà Trần Thị Nguyện cho biết, thị trường nội địa là thị trường quan trọng mà Sun hướng đến. Hiện nay, giá dịch vụ đã ở mức "dưới sàn", không còn gì để giảm nữa. Nhưng nhìn lại sản phẩm du lịch của mình, Tập đoàn Sungroup xác định, không giảm dịch vụ nữa mà nâng cao chất lượng, hướng đến đối tượng khách có điều kiện chi tiêu cao, họ không đồng tình với giá rẻ mà đòi hỏi sản phẩm phải có chất lượng, đẳng cấp, sự khác biệt.

Hồng Hà

 (Nguồn: bvhttdl.gov.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây