SharePoint
Liên kết web
 
 

Hội thảo khoa học "Phát huy giá trị các tác phẩm mỹ thuật tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - Thực trạng và giải pháp"

05/10/2020 08:55
(TTCNTT) - Sáng 2/10, tại Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học "Phát huy giá trị các tác phẩm mỹ thuật tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - Thực trạng và giải pháp".

Theo TS. Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thì "Phát huy giá trị hiện vật luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của mỗi bảo tàng hướng tới, trong đó trưng bày, giáo dục là khâu công tác then chốt góp phần đánh giá hiệu quả toàn bộ các khâu công tác còn lại của bảo tàng. Bởi suy cho cùng các công tác như nghiên cứu, sưu tầm; kiểm kê, bảo quản, tu sửa, phục chế... mục đích cuối cùng là giới thiệu tới công chúng khi có một diện mạo hấp dẫn nhất (bao gồm hình thức nguyên gốc của hiện vật và nội dung có hàm lượng thông tin chính xác, hàm súc kết hợp với các thủ pháp trưng bày phù hợp). Đó là cách tiếp cận cơ bản và thể hiện mong muốn chủ quan của các bảo tàng.

Toàn cảnh Hội thảo

Nhưng những tham chiếu mang tính khách quan để đánh giá hiệu quả từ cách thức phát huy giá trị hiện vật trên, lại là những số liệu liên quan đến số lượng khách tương tác với bảo tàng. Sự tương tác cơ bản gồm hai hình thức: Khách tham quan có thể trực tiếp đến bảo tàng trải nghiệm không gian trưng bày cũng như các dịch vụ liên quan hoặc trực tuyến qua truy cập trang website của bảo tàng tìm kiếm thông tin...

Hội thảo khoa học diễn ra trong bối cảnh quá trình toàn cầu hóa cùng những lợi ích từ cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 với những ứng dụng thông minh như quét mã QR code, trưng bày 3D, công nghệ thực tế ảo VR (Virtual Reality – đưa công nghệ ảo vào đời thực), thực tế tăng cường AR (Augmented Reality – sự kết hợp giữa thế giới thật với thông tin ảo). Bối cảnh trên vừa là cơ hội vừa là những thách thức đối với các bảo tàng nói chung và bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng không ngoại lệ. Ở Việt Nam, việc vận dụng VR3D đã quét 3D được hàng trăm mẫu di vật mỹ thuật cổ. Khi tương tác trực tuyến trên điện thoại thông minh hay máy tính, khách tham quan có thể lật, phóng to, thu nhỏ các hình ảnh này và cảm thấy như được trực tiếp ngắm các hiện vật ở ngoài đời thực. Với các tác phẩm mỹ thuật cận hiện và đương đại chúng ta cũng đã được trải nghiệm công nghệ 3D mapping và ánh sáng qua triển lãm tranh của họa sỹ Bùi Xuân Phái, tại bảo tàng Hà Nội vào dịp tháng 10 năm 2019...

Các đại biểu đóng góp ý kiến tại Hội thảo

Hội thảo đã nhận được 20 bản tham luận của các GS, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý đi sâu vào các nội dung: Làm sâu sắc hơn về nhận thức vai trò của công tác phát huy các giá trị của hiện vật - các tác phẩm mỹ thuật tại bảo tàng Mỹ thuật nói chung, bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nói riêng; Xác định và làm rõ nội hàm những giá trị của hiện vật – các tác phẩm mỹ thuật tại bảo tàng Mỹ thuật nói chung, bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nói riêng; Đánh giá thực trạng công tác trưng bày và phát huy giá trị hiện vật - tác phẩm mỹ thuật của bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, trên cơ sở so sánh với các bảo tàng trong và ngoài nước cùng chuyên ngành; Đề xuất các giải pháp, kiến nghị khoa học phù hợp có thể ứng dụng vào côngtác phát huy giá trị hiện vật - tác phẩm mỹ thuật của bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Các ý kiến trao đổi, thảo luận rất tập trung và trách nhiệm của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các nhà quản lý là cơ sở để Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tiếp thu và tiếp tục nghiên cứu để vận dụng một cách hiệu quả nhất vào công tác phát huy giá trị hiện vật - tác phẩm mỹ thuật tại Bảo tàng.

 (Nguồn: bvhttdl.gov.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây