SharePoint
Liên kết web
 
 

Cục Điện ảnh cần thúc đẩy hơn nữa việc xuất khẩu phim Việt

30/09/2020 17:12
(TTCNTT) - Sáng 29/9, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã có buổi làm việc với Cục Điện ảnh về việc thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2020, Cục Điện ảnh đã tổ chức nhiều đợt chiếu phim phục vụ nhiệm vụ chính trị như Đợt phim Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, mừng Xuân Canh Tý 2020; Tuần phim Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đợt phim Kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Cục Điện ảnh quán triệt việc tổ chức các Đợt phim tại các địa phương chỉ được thực hiện khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát an toàn và tuân thủ theo các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 do Bộ Y tế ban hành.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Cục Điện ảnh (ảnh Minh Khánh)

Cục cũng đã xây dựng và trình Bộ ban hành Kế hoạch xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi); Xây dựng báo cáo việc tổng kết thi hành Luật Điện ảnh; Báo cáo lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, đánh giá tác động xã hội và tác động giới trong Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Hoàn thiện Đề án quảng bá thương hiệu quốc gia - Liên hoan phim Việt Nam trong khuôn khổ Chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Xây dựng và trình Bộ ban hành Đề án tổ chức Liên hoan phim giai đoạn 2021-2030; Xây dựng dự thảo Quyết định tiêu chí, tiêu chuẩn, nội dung quy trình và định mức kinh tế- kỹ thuật sản xuất phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình phục vụ thiếu nhi, quay tư liệu các sự kiện lớn của đất nước, sản xuất phim truyện video và chương trình phục vụ đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, sản xuất phim tài liệu và phóng sự chuyên đề sử dụng ngân sách nhà nước; dự thảo Quyết định quy định tiêu chí, tiêu chuẩn, nội dung, quy trình và định mức kinh tế - kỹ thuật tổ chức Liên hoan phim, Tuần phim và các sự kiện quảng bá điện ảnh trong nước và quốc tế phục vụ nhiệm vụ chính trị.

Cục Điện ảnh đã giám định 18 kịch bản phim truyện, 75 kịch bản phim tài liệu, phim khoa học, 30 phim hoạt hình, 4 đề cương chương trình phục vụ đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa; giám định 19 kịch bản phim dịch vụ, hợp tác, liên doanh và có yếu tố nước ngoài. Tính đến cuối tháng 9, đã tổ chức thẩm định, phân loại và cho phép phát hành 22 phim truyện Việt Nam; 95 phim truyện nước ngoài chiếu rạp, 2 phim truyện video, 34 phim tài liệu…

Ông Vi Kiến Thành cho rằng, điện ảnh là một trong ba lĩnh vực có khả năng và tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa cùng với ca nhạc và du lịch. Tuy nhiên, cũng có nhiều vấn đề khiến việc thực hiện chiến lược công nghiệp văn hóa còn khó khăn trong đó có vấn đề sản xuất và phát hành phim.

Toàn cảnh buổi làm việc (ảnh Minh Khánh)

Các ý kiến tại buổi làm việc cũng chỉ ra những thách thức, rào cản trong việc thực hiện chiến lược công nghiệp văn hóa nói chung và trong lĩnh vực điện ảnh nói riêng như việc thành lập Quỹ phát triển điện ảnh; vấn đề thẩm định, kiểm duyệt phim trên truyền hình, trên môi trường số…

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Cục Điện ảnh trong thời gian qua. Mặc dù 9 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn, đặc biệt dưới tác động của dịch COVID-19, nhiều nhiệm vụ, kế hoạch của ngành phải tạm dừng lại, tuy nhiên, cán bộ, nhân viên Cục Điện ảnh đã đoàn kết, nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ được lãnh đạo Bộ giao.

Trong đó, Cục Điện ảnh đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính trị, tổ chức các đợt phim phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng, cổ vũ tinh thần, giá trị bền vững của độc lập dân tộc, của sự lãnh đạo của Đảng, để chúng ta vững tin vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, xây dựng đất nước ngày càng cường thịnh.

Thứ trưởng cho rằng, chúng ta cũng đã có những bước tiến mới trong quản lý phổ biến phim, tiết giảm dần những bức xúc của dư luận, công luận. Giảm những hạn chế về tác động tiêu cực từ xâm lấn về văn hóa. Bên cạnh đó, việc quản lý sản xuất, giám định phim cũng đã góp phần hạn chế sự xâm lấn của văn hóa độc hại, đem đến cho công chúng những tác phẩm có giá trị, có chất lượng cao.

Chia sẻ những khó khăn đối với ngành Điện ảnh trong bối cảnh hiện nay, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, cần rà soát, tổng kết, phát hiện những vấn đề còn chưa phù hợp, kịp thời sơ kết, tổng kết đánh giá, để tham mưu Lãnh đạo Bộ báo cáo Đảng, Nhà nước, Chính phủ cho cơ chế tháo gỡ.

Về chiến lược công nghiệp văn hóa, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Cục Điện ảnh đã cố gắng, chủ động phối hợp với các đơn vị của Bộ triển khai thực hiện. Trong đó có thể kể đến việc xây dựng đề án xác định thương hiệu LHP; tăng cường chức năng quản lý nhà nước trong thực hiện chỉ đạo các hãng phim, đặt hàng tạo ra những bộ phim mà công chúng đón nhận.

Thứ trưởng mong muốn, trong thời gian tới, Cục Điện ảnh tăng cường hơn nữa việc quảng bá phim Việt Nam. Thông qua LHP quốc tế giới thiệu điện ảnh nước nhà với bạn bè quốc tế, đặc biệt là việc xuất khẩu tác phẩm điện ảnh Việt Nam ra nước ngoài.

Cục Điện ảnh cần chủ động làm việc với Vụ Kế hoạch tài chính, thúc đẩy việc thực hiện việc đầu tư công trung hạn để có những thiết chế văn hóa cấp quốc gia theo yêu cầu của Chiến lược công nghiệp văn hóa.

Cùng với đó, cần tạo ra sản phẩm của điện ảnh thông qua liên kết với các đơn vị như với Tổng Cục Du lịch để có được các mô hình giống một số nước tiên tiến đã có, góp phần quảng bá du lịch qua tác phẩm điện ảnh.

Đặc biệt, Thứ trưởng nhấn mạnh, thời hạn thực hiện Chiến lược công nghiệp văn hóa đã đến. Đây là nhiệm vụ quan trọng và yêu cầu Cục Điện ảnh phối hợp với các đơn vị liên quan sớm sơ kết, tổng kết những chương trình về điện ảnh trên cơ sở bám sát những nhiệm vụ mà Chính phủ giao, từ đó rút kinh nghiệm và tham mưu lãnh đạo Bộ đề xuất những chương trình thực hiện mới để trình Chính phủ.

Hà An

 (Nguồn: bvhttdl.gov.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây