SharePoint
Liên kết web
 
 

Làm việc với các cơ sở đào tạo phía Nam, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: “Bộ sẽ ưu tiên xử lý những nhu cầu cấp bách”

25/09/2020 16:51
(TTCNTT) - Ngày 24/9, tại TP.HCM, đoàn công tác của Bộ VHTTDL do Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện làm trưởng đoàn cùng lãnh đạo các Vụ liên quan đã có buổi làm việc với 11 cơ sở đào tạo khu vực phía Nam về công tác đào tạo, tình hình nhân sự và các vấn đề xây dựng cơ bản…

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các trường đã báo cáo với đoàn những kết quả đạt được trong thời gian qua, đồng thời nêu ra những khó khăn, bất cập và kiến nghị Bộ VHTTDL có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ.

Tuyển sinh khả quan nhưng còn mất cân đối

Báo cáo với đoàn công tác Bộ, ông Nguyễn Thế Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM cho biết, công tác tuyển sinh của trường trong những năm qua về cơ bản đủ chỉ tiêu chung, tuy nhiên ở từng ngành có sự mất cân đối, nhất là các ngành như Văn hóa học, Bảo tàng học, Kinh doanh xuất bản phẩm, Văn hóa các dân tộc thiểu số… có rất ít thí sinh đăng ký, trong khi các ngành còn lại thì đều vượt chỉ tiêu. Theo ông Dũng, trường có 9 ngành đào tạo nhưng có đến 7 ngành đang thiếu giảng viên theo quy định của Bộ. Tương tự, ông Hoàng Ngọc Long, Phó Giám đốc Phụ trách Nhạc viện TP.HCM cũng cho hay, trong năm 2020, Nhạc viện tuyển sinh vượt chỉ tiêu. “Tuy nhiên, vẫn có tình trạng mất cân đối giữa các ngành, các bộ môn. Những ngành về âm nhạc truyền thống đều không có nguồn tuyển. Đây là thách thức lớn đối với các cơ sở đào tạo văn hóa - nghệ thuật”, NSƯT Hoàng Ngọc Long tâm tư.

Trong khi đó, theo ông Đinh Quang Trung, quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM thì so với năm 2019, tổng số thí sinh dự thi vào trường tăng 20% với gần 1.500 thí sinh. Trong đó hai ngành Diễn viên Kịch, Điện ảnh - Truyền hình và Đạo diễn Điện ảnh - Truyền hình có lượng hồ sơ đăng ký vượt trội so với chỉ tiêu, điều này cho thấy đây là những ngành đang “hot”, thu hút thí sinh. Bà Đinh Bích Diệp, Hiệu trưởng Trường CĐ Du lịch Vũng Tàu cũng cho biết hiện tỉ lệ tuyển sinh của trường đến thời điểm này đã đạt 74%, dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ đảm bảo 80-90% chỉ tiêu chung. Tuy nhiên, cũng như các trường nói trên, Trường CĐ Du lịch Vũng Tàu cũng đang có sự mất cân đối, có ngành vượt, ngành khác lại không đủ.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tại buổi làm việc Ảnh: HOÀNG HẢI

Theo các cơ sở đào tạo, năm học vừa qua, tình hình tuyển sinh của các trường có dấu hiệu khả quan, đặc biệt khối các trường mỹ thuật, văn hóa - nghệ thuật và du lịch đều đảm bảo đủ kế hoạch đề ra. Ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM cho hay, năm 2020, chỉ tiêu đào tạo của trường là 200 thì có đến gần 800 hồ sơ đăng ký dự thi. Ông Trương Đức Cường, Hiệu trưởng Trường CĐ Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai cũng phấn khởi thông tin, sau thời gian dài gần như không tuyển sinh được, trong năm 2020 này nhà trường đã có trên 600 hồ sơ đăng ký và đã tuyển sinh được 90% chỉ tiêu. Các trường CĐ Du lịch Cần Thơ, CĐ Du lịch Nha Trang, Trường Múa TP.HCM cũng cho hay, nguồn tuyển sinh năm nay tốt, công tác tuyển sinh không có trở ngại gì đáng kể.

Có tình trạng “chảy máu chất xám”

Hầu hết các trường đều báo cáo đang gặp khó khăn trong công tác nhân sự, đặc biệt là thiếu những vị trí cán bộ lãnh đạo, giảng viên. Cùng với đó, tình trạng người lao động thôi việc do thu nhập chưa đảm bảo cuộc sống là bài toán nan giải mà các trường khối Bộ VHTTDL đang phải đối mặt. Bên cạnh đó là tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu thốn, không đảm bảo cho công tác đào tạo, cũng là một thách thức lớn đối với các trường phía Nam.

Ông Đặng Hà Việt, Hiệu trưởng Trường ĐH Thể dục thể thao (TDTT) TP.HCM đề nghị Bộ VHTTDL cho phép nhanh chóng được bổ sung một số vị trí lãnh đạo để kiện toàn bộ máy. “Trường chúng tôi đang có hiện tượng “chảy máu chất xám”, các em đi ra ngoài làm thu nhập cao hơn nên trường khó giữ chân được”, ông Việt tâm tư. Trường ĐH TDTT TP.HCM cũng xin Bộ được đầu tư, cải tạo, nâng cấp một số công trình, hạng mục như khu chức năng, giảng đường, viện nghiên cứu và thư viện để phục vụ nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực TDTT và tổ chức các hoạt động khoa học, công nghệ, truyền thông và thông tin trong lĩnh vực TDTT... Ngoài ra, Nhà trường kiến nghị được cấp kinh phí để cải tạo, nâng cấp khu thể thao ngoài trời để đáp ứng được yêu cầu chuyên môn TDTT và học tập giáo dục quốc phòng của sinh viên.

Hiệu trường Trường CĐ Du lịch Đà Lạt Nguyễn Minh Thơ cho hay, trường hiện cũng đang gặp nhiều khó khăn trong công tác nhân sự. “Việc tuyển dụng rất khó do trường xa trung tâm, nhiều cán bộ vào làm việc một thời gian đến khi có kinh nghiệm thì chuyển công tác, trường tuyển người mới thì phải đào tạo lại… Chúng tôi đang hết sức đau đầu vì cái vòng lẩn quẩn này”, bà Nguyễn Minh Thơ chia sẻ.

Ông Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo đánh giá cao các trường trong công tác tuyển sinh, đào tạo và cho biết từ nay đến cuối năm còn tuyển sinh đợt 2, đặc biệt là hệ trung cấp và cao đẳng được phép tuyển sinh quanh năm, nên không lo việc thiếu chỉ tiêu. Vụ Đào tạo đề nghị các trường nhanh chóng triển khai thực hiện các đề án đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, đề án đặt hàng 300 chỉ tiêu chuyên ngành văn hóa - nghệ thuật đặc thù, ngành truyền thống… Đại diện Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ Kế hoạch - Tài chính cũng đã giải đáp các chính sách liên quan, hướng dẫn các thủ tục, quy định nhằm nhanh chóng kiện toàn bộ máy nhân sự, lãnh đạo cho các trường trong thời gian tới.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá cao các cơ sở đào tạo khu vực phía Nam trong thời gian qua đã luôn nỗ lực vượt khó, hoàn thành và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. “Trong 3 năm gần đây, các trường đã tuyển sinh khá tốt là một tín hiệu vui. Thời gian tới, các đơn vị cần nỗ lực hơn nữa, phải thích nghi với hoàn cảnh để có những chiến lược phù hợp, đặc biệt là cần chú trọng nâng cao chất lượng tuyển sinh để có nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu hội nhập”, Bộ trưởng cho biết và nói rằng, những tác động của dịch Covid-19 vừa qua là một bài học kinh nghiệm lớn, đặc biệt là với khối ngành du lịch cũng như các trường đào tạo du lịch, cần tính toán đến phương án có lúc tuyển sinh sẽ khó khăn; cần tạo nên thương hiệu để duy trì được nguồn đầu vào có chất lượng, nhất là chú trọng tuyển những ngành quý hiếm, đặc thù mà xã hội đang cần.

“Tôi cho rằng, các trường cần tạo ra môi trường làm việc tốt, điều này rất quan trọng, bởi lẽ bên cạnh chế độ chính sách, tiền lương, thu nhập thì môi trường làm việc, phong cách ứng xử của người lãnh đạo, của cán bộ, người lao động trong cùng đơn vị là yếu tố quan trọng để giữ chân và thu hút nhân lực đến làm việc”, Bộ trưởng chia sẻ và nhắc nhở các đơn vị cần nhanh chóng kiện toàn bộ máy lãnh đạo đồng bộ. “Trên cơ sở các ý kiến, kiến nghị của các đơn vị, căn cứ tình hình thực tiễn và nguồn lực, trong vòng 5 năm tới, Bộ sẽ ưu tiên xử lý những nhu cầu cấp bách nhất. Theo đó, Bộ sẽ xem xét trước việc tiến hành nâng cấp sửa chữa để có được bộ mặt nhà trường khang trang hơn. Nhưng quan điểm của Bộ là nếu chưa có điều kiện để đầu tư khang trang, quy mô như mong muốn thì trước hết cần phải tạo không gian sạch sẽ, văn minh, điều này sẽ tạo tâm lý, tinh thần làm việc thoải mái, ứng xử với nhau văn minh hơn trong môi trường giáo dục”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chia sẻ.

Theo Báo Văn hóa

 (Nguồn: bvhttdl.gov.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây