Đổi mới phòng đọc
Không gian xanh, góc đọc sách mở, bàn, ghế cách điệu, bắt mắt là những đổi mới của Phòng đọc mở tại Thư viện tỉnh vừa được đưa vào sử dụng đầu tháng 9-2020. Phòng đọc mở rộng hơn 100m2 với hơn 6.000 bản sách các loại: Văn học Việt Nam, văn học thế giới, lịch sử, địa lý, khoa học xã hội, kỹ năng, tâm lý… được thiết kế hiện đại, có sân khấu phục vụ các CLB đến giao lưu, chia sẻ về sách. Để tạo điều kiện cho bạn đọc tiếp cận với sách, Phòng đọc mở giảm tối thiểu thủ tục hành chính, bạn đọc chỉ cần đăng ký với thủ thư, không cần làm thẻ đọc vẫn có thể mượn sách đọc tại chỗ.
Em Đinh Ngọc Linh, học sinh Trường THPT Hàn Thuyên (thành phố Bắc Ninh) là bạn đọc thường xuyên của Thư viện tỉnh, vừa thi xong tốt nghiệp THPT nên sáng nào Linh cũng đến đây tự học tiếng Anh và tìm sách đọc. Linh chia sẻ: Nếu ai ít đến thư viện thì khá bất ngờ với sự đổi mới của Thư viện tỉnh 2 năm trở lại đây. Các phòng đọc đều được trang bị cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại, bắt mắt, có điều hòa phục vụ bạn đọc, thủ thư nhiệt tình, trách nhiệm, nhất là phòng đọc thiếu nhi và phòng đọc mở có sự thiết kế, bài trí rất nghệ thuật, thân thiện, khoa học, ngồi đọc sách ở đây là không muốn về, bởi vừa có không gian tĩnh lặng vừa có không gian mở thân thiện với môi trường, tạo cảm giác dễ chịu cho người đọc.
Phòng đọc mở thu hút đông đảo bạn đọc đến đọc và mượn sách.
Để thu hút bạn đọc, năm 2019, Thư viện tỉnh hoàn thiện phòng đọc thiếu nhi được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại phù hợp lứa tuổi, các loại bàn ghế phục vụ bạn đọc được thiết kế với nhiều hình khối và màu sắc bắt mắt, cách bài trí ngộ nghĩnh, khoa học, có góc sinh hoạt chung, riêng theo từng nhóm tạo không gian đọc sách thoải mái, thân thiện. Theo thủ thư Nguyễn Thủy Tiên, phụ trách phòng đọc thiếu nhi chia sẻ: Năm nay do dịch COVID-19, song tháng 7 bạn đọc đến phòng đọc thiếu nhi, tăng đột biến, gấp 5 lần so với năm 2019. Cụ thể, phòng cấp mới 500 thẻ, đọc tại chỗ hơn 600 lượt bạn đọc, thứ Bảy hàng tuần có khoảng 50 đến 70 lượt bạn đọc đến đọc và mượn sách, nhiều gia đình cùng đến đọc sách, các cháu thiếu nhi đến đây không muốn về…
Phòng đọc thiếu nhi với gần 20.000 bản sách thường xuyên được bổ sung sách mới, chia làm 7 khu: Sách học tập; sách tham khảo; truyện tranh; sách kỹ năng, lịch sử, địa lý; sách văn học; truyện cổ tích; sách bộ tập. Ngoài ra còn có 4 giá cây sách: Sách khoa học công nghệ; nghệ thuật, tâm lý; tri thức; văn học. Để thu hút lượng bạn đọc thiếu nhi, Thư viện tỉnh còn bố trí một số góc dành riêng cho các hoạt động trò chơi dân gian: Cờ vua, ô ăn quan, chơi chuyền, cá ngựa, tô màu… Nhờ sự đổi mới, hiện đại, phòng đọc thiếu nhi đã đón nhiều trường mầm non, tiểu học đến trải nghiệm tạo ấn tượng và sự hứng thú với sách đối với các em thiếu niên, nhi đồng.
Đưa sách đến gần hơn với bạn đọc
Ngoài đổi mới cơ bản 2 phòng đọc mở và thiếu nhi để thu hút bạn đọc, Thư viện tỉnh còn đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền giới thiệu sách qua chuyên mục “Đọc sách cùng tôi” trên website, fanpage đồng thời kết hợp với các trường học, giới thiệu sách tạo cơ hội để học sinh tiếp cận gần hơn với sách; phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh giới thiệu 17 cuốn sách trên truyền hình; tổ chức nói chuyện chuyên đề với chủ đề “Kỹ năng nuôi dạy con thời hiện đại và phòng, chống bạo lực gia đình” và “Đoàn viên thanh niên với phát triển văn hóa đọc”…
Nhằm phát triển phong trào đọc sách cơ sở, Thư viện tỉnh phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thể thao các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên luân chuyển sách, góp phần tháo gỡ khó khăn về vốn tài liệu trong hệ thống thư viện công cộng, tạo điều kiện để các thư viện, tủ sách cơ sở duy trì hoạt động hiệu quả. Hiện Thư viện tỉnh có hơn 180 nghìn bản sách, báo, tạp chí, trong 6 tháng đầu năm đã phối hợp luân chuyển hơn 75.000 lượt sách, báo, tạp chí; cấp và đổi gần 1.700 thẻ; phục vụ hơn 10.000 lượt bạn đọc.
Bà Nguyễn Thị Luyên, Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Để nâng cao hiệu quả phục vụ bạn đọc, nhu cầu khai thác tài liệu của nhân dân và thực hiện hiệu quả Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, Thư viện tỉnh tiếp tục mở cửa ngày thứ Bảy, có nhiều đổi mới, giải pháp để trở thành điểm đến quen thuộc của bạn đọc và nhân dân. Thư viện tỉnh cũng mong muốn có thêm kinh phí để phục vụ bạn đọc ngày Chủ nhật, bởi 2 ngày cuối tuần phụ huynh, học sinh mới được nghỉ và có thời gian đến thư viện nhiều hơn ngày thường.
Được biết, Thư viện tỉnh đang trong quá trình triển khai xe thư viện đa phương tiện được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp (là 1 trong 43 tỉnh, thành phố trong cả nước được cấp xe). Xe thư viện đa phương tiện được hoạt động sẽ là một thư viện lưu động bổ ích, đưa ánh sáng tri thức đến phục vụ nhân dân, góp phần phát triển văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh.
Theo Minh Hường/Báo Bắc Ninh
(Nguồn: bvhttđl.gov.vn)