(TTCNTT) - Chiều 14/9, làm việc tại Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, trong các hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn, trên cơ sở nền tảng truyền thống đã được gây dựng, Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cần tiếp tục xây dựng và khẳng định thương hiệu của mình, thương hiệu của từng nhà khoa học và của từng đề tài nghiên cứu.
Báo cáo Thứ trưởng tại buổi làm việc, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật (VHNT) Quốc gia Việt Nam cho biết, trong 5 năm 2015 -2020, hoạt động nghiên cứu khoa học của Viện đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các nhà khoa học của Viện đã tham gia xây dựng văn kiện phục vụ Hội nghị lần thứ 9 BCH TƯ Đảng khóa XI (ban hành Nghị quyết số 33- NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước); xây dựng chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 33... Đồng thời, Viện cũng đã chủ trì xây dựng 2 Chiến lược; 3 quy hoạch của Ngành VHTTDL phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội; triển khai các Đề án nhằm kịp thời tư vấn cho Bộ xử lý các vấn đề về quản lý văn hóa, chấn chỉnh bất cập trong hoạt động lễ hội...
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng làm việc với Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia (ảnh Trần Huấn)
Đặc biệt, Viện đã triển khai 2 đề tài cấp Nhà nước: Hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế và Sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Những năm qua, Viện VHNT đã xây dựng thành công 7/12 hồ sơ quốc gia các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đệ trình UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Viện trưởng Bùi Hoài Sơn cũng nêu một số khó khăn mà Viện VHNT Quốc gia Việt Nam đang phải đối diện như: kinh phí nghiên cứu khoa học chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn; việc đào tạo Tiến sĩ đang gặp khó khăn do sự cạnh tranh của các cơ sở giáo dục đại học khác mở mã ngành tương tự; nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, năng lực tự chủ còn hạn chế…
Viện VHTN đề xuất tổ chức "Diễn đàn Văn hóa Việt Nam" thường niên do Bộ VHTTDL chủ trì để lắng nghe ý kiến đề xuất, hiến kế của các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ, nghệ nhân và những người thực hành nghệ thuật, tổ chức VHNT... Đồng thời, Viện đề nghị Bộ VHTTDL đề xuất với Bộ KH & CN thực hiện chương trình khoa học cấp nhà nước về "Phát triển nghệ thuật Việt Nam vì sự phát triển bền vững đất nước".
Ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ trong nhiều năm qua của Viện VHNT Quốc gia Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, bằng tinh thần đoàn kết và sự đam mê, tâm huyết, say mê nghiên cứu của đội ngũ cán bộ, nhân viên của Viện trong nhiều năm qua, Viện đã và đang khẳng định vị trí một trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu thuộc Bộ VHTTDL. Thương hiệu và uy tín của Viện ngày càng được khẳng định.
Theo Thứ trưởng, sự quy tụ một đội ngũ các nhà khoa học tên tuổi, tâm huyết qua nhiều thế hệ đã tạo nên bề dầy truyền thống mang tên Viện VHNT Quốc gia Việt Nam, với những kết quả nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn rất đáng trân trọng. "Nếu không có đam mê, tâm huyết thì khó có thể hoàn thành khối lượng công việc, nhiệm vụ nghiên cứu như Viện đã thực hiện trong thời gian qua. Vấn đề hiện nay là làm thế nào để lan tỏa sự đam mê, tinh thần cống hiến đó...", Thứ trưởng nêu.
Toàn cảnh buổi làm việc (ảnh Trần Huấn)
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng lưu ý một số vấn đề mà Viện cần tiếp tục nỗ lực vượt qua như sự cạnh tranh trong một số lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo với các cơ sở có hoạt động chuyên ngành tương tự; đảm bảo sự hài hòa giữa nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng thực tiễn; đẩy mạnh hợp tác quốc tế... Qua đó, tiếp tục khẳng định thương hiệu của Viện VHNT Quốc gia Việt Nam.
Thứ trưởng cũng chia sẻ sự ủng hộ và đồng tình trước những kiến nghị, đề xuất của Viện về tổ chức "Diễn đàn Văn hóa Việt Nam" và đề xuất thực hiện chương trình khoa học cấp nhà nước về "Phát triển nghệ thuật Việt Nam vì sự phát triển bền vững đất nước"... "Đây là những công việc đặc biệt quan trọng, đòi hỏi phải nghiên cứu về nội hàm tổ chức và triển khai thực hiện nhằm đảm bảo tính hiệu quả. Trong đó, diễn đàn cần tập trung để nói được những vấn đề về Chiến lược Phát triển Văn hóa Việt Nam đến năm 2030, nhìn lại tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi"...", Thứ trưởng lưu ý.
Cũng theo Thứ trưởng, trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Viện VHNT Quốc gia Việt Nam cần tiếp tục tập trung nghiên cứu, tham mưu cho Bộ những nội dung quan trọng như phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng có trọng tâm trọng điểm, chọn lựa thế mạnh. Đặc biệt, Thứ trưởng lưu ý, trong hoạt động nghiên cứu khoa học, để tiếp tục nâng cao uy tín, Viện cần chú trọng việc tiếp tục xây dựng và khẳng định thương hiệu của mình, khẳng định thương hiệu của từng nhà khoa học và của từng đề tài nghiên cứu.
Hà An
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)