SharePoint
Liên kết web
 
 

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng làm việc với Cục Bản quyền tác giả

28/08/2020 16:59
(TTCNTT) - Chiều 27/8, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã có buổi làm việc với Cục Bản quyền tác giả về kết quả công tác 8 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ các tháng cuối năm.

Cùng dự buổi làm việc có Lãnh đạo Vụ Pháp chế, Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Bộ, Vụ Kế hoạch Tài chính và các đơn vị liên quan.

Theo báo cáo của Cục Bản quyền tác giả, trong 8 tháng đầu năm, Cục đã hoàn thành những công việc cụ thể như: Công tác nghiên cứu, xây dựng, góp ý văn bản pháp luật: Tham gia xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan; Tham gia xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động biểu diễn nghệ thuật; Rà soát, góp ý xây dựng văn bản, chính sách.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng chủ trì buổi làm việc với Cục Bản quyền tác giả (ảnh Nam Nguyễn)

Tổ chức triển khai thực hiện các đề án: Tăng cường năng lực quản lý và thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 trong đó Chuẩn bị tổ chức Hội nghị tập huấn phổ biến các quy định về quyền tác giả, quyền liên quan trong Hiệp định CPTPP, EVFTA, pháp luật Việt Nam và chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, dự kiến tổ chức vào tháng 8/2020. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid, Cục đã có văn bản gửi Lãnh đạo Bộ tạm hoãn tổ chức Hội nghị; Hoàn thành số hóa 27.074 hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan giai đoạn 1986-2010; Khảo sát, chuẩn bị hồ sơ trình phê duyệt dự toán số hóa dữ liệu đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan (hồ sơ từ 2011-2018).

Tiếp tục triển khai Đề án truyền thông nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan giai đoạn 2017-2020.

Trong quản lý nhà nước về công nghiệp văn hóa, Cục Bản quyền tác giả đã Xây dựng Dự thảo Kế hoạch sơ kết 03 năm triển khai, thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trình Lãnh đạo Bộ ký ban hành; Tổng hợp báo cáo sơ kết 3 năm của các Bộ, ngành, địa phương về thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam; Tổ chức nghiên cứu, xây dựng nội dung truyền thông về công nghiệp văn hóa; phối hợp tham gia xây dựng nội dung về công nghiệp văn hóa, đóng góp vào các báo cáo ngành, lĩnh vực, địa phương có liên quan.

Đặc biệt, trong công tác thụ lý hồ sơ, cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan từ đầu năm đến nay đã thụ lý 6.111 hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật. Tiếp nhận, thụ lý và giải quyết 15 vụ việc khiếu nại, kiến nghị, phản ánh, tố cáo về quyền tác giả, quyền liên quan.

Trong 4 tháng cuối năm, Cục Bản quyền tác giả sẽ tập trung triển khai những nhiệm vụ chính như: Tổ chức nghiên cứu, xây dựng dự thảo Đề án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ phần quyền tác giả, quyền liên quan; Tổ chức Hội nghị sơ kết 03 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về quyền tác giả, quyền liên quan; Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch chuẩn bị gia nhập Hiệp ước WCT (Hiệp ước của WIPO về quyền tác giả), Hiệp ước WPPT (Hiệp ước biểu diễn và bản ghi âm); Tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch chuẩn bị gia nhập Hiệp ước Marrakesh…

Đánh giá cao những kết quả đã đạt được của tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Cục Bản quyền tác giả, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, trong những tháng đầu năm, bên cạnh bối cảnh khó khăn bởi dịch bệnh, Cục Bản quyền tác giả lại trong giai đoạn kiện toàn tổ chức nhân sự do lãnh đạo Cục nghỉ chế độ, tuy nhiên, bằng sự đoàn kết, thống nhất, Cục đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ mà Lãnh đạo Bộ giao, trong đó có những đầu việc hoàn thành với chất lượng khá cao.

Trong một số lĩnh vực, Cục đã triển khai thực hiện đạt kết quả nổi trội như ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả. Cùng với phương pháp truyền thống, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đã đáp ứng được nhu cầu chính đáng về bảo vệ tác quyền, phục vụ tốt cho quyền hợp pháp của nhân dân đã được pháp luật bảo hộ.

Cục Bản quyền tác giả cũng tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, chủ trương pháp luật về Sở hữu trí tuệ, trong đó có nội hàm về bản quyền. Cục đã chủ động xây dựng và phối hợp chặt chẽ với Vụ Pháp chế để thực hiện đáp ứng tiến độ và yêu cầu đặt ra.

Cục đã chủ động triển khai tuyên truyền, nâng cao nhận thức về pháp luật về bản quyền, góp phần giảm thiểu sự vi phạm pháp luật về lĩnh vực này.

Toàn cảnh buổi làm việc (ảnh Nam Nguyễn)

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng, hiện nay, có nhiều khó khăn, thách thức về vấn đề bản quyền mà chúng ta phải đối mặt. Trong đó, vấn đề bản quyền là vấn đề quan trọng, nhưng trong thực tiễn, nhận thức về vấn đề này không đồng bộ, có những tác giả không chủ động bảo vệ quyền của mình, đến khi bị xâm phạm mới khiếu kiện, khiếu nại khiến việc giải quyết mất nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, đặc thù của lĩnh vực cũng không thể ứng dụng CNTT đồng bộ, vì vậy vẫn cần sử dụng các biện pháp truyền thống. Do đó, cần nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên của Cục, có thái độ làm việc chuyên nghiệp, tận tâm với người dân.

Thứ trưởng cũng cho rằng, trong xử lý vi phạm bản quyền ở kỷ nguyên số, có những vấn đề vượt qua thẩm quyền của Cục Bản quyền tác giả, vì vậy, cần có cơ chế phối hợp tốt với các Bộ, ngành liên quan như Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông...

Đặc biệt, Thứ trưởng cho rằng, Cục cần đẩy mạnh vai trò tham mưu để hình thành sản phẩm văn hóa trong chiến lược thực hiện Công nghiệp văn hóa Việt Nam, đáp ứng yêu cầu mà Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị đặt ra.

Trong thời gian tới, Thứ trưởng yêu cầu Cục Bản quyền tác giả tiếp tục tham mưu, kiện toàn thể chế; Chủ động tích cực hơn nữa trong xây dựng, soạn thảo, biên tập các điều khoản luật để trình cấp thẩm quyền. Nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ khi tiến hành đàm phán, ký kết các Hiệp định về vấn đề bản quyền trong bối cảnh chúng ta đang hội nhập sâu rộng như hiện nay.

Thứ trưởng cũng đề nghị Cục cần tập trung ứng dụng tốt CNTT để thực hiện tác quyền và bảo vệ tác quyền. Nghiên cứu, xây dựng dự thảo quy chế phối hợp giữa Bộ VHTTDL và Bộ TT&TT về cơ chế bảo vệ tác quyền trên không gian mạng để trình Lãnh đạo Bộ thông qua vào đầu quý IV/2020.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong nhân dân về pháp luật, bảo vệ quyền tác giả. "Ngoài các lớp tập huấn, hội nghị, cần tăng cường truyền thông, có các chuyên trang, chuyên mục với các câu hỏi đáp dễ hiểu, xây dựng sổ tay về bảo vệ bản quyền để người dân dễ dàng tiếp cận vấn đề này"- Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng yêu cầu, Cục Bản quyền tác giả khẩn trương tham mưu thực hiện sơ kết 03 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đến cuối quý IV trình Lãnh đạo Bộ đề án phát triển công nghiệp văn hóa giai đoạn 2021-2026 trên cơ sở tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 và Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Thứ trưởng cũng yêu cầu cán bộ, nhân viên, đảng viên Cục Bản quyền tác giả tập trung xây dựng đoàn kết nội bộ, xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh, chú ý vấn đề nêu gương của lãnh đạo, cấp ủy và các đảng viên, giữ gìn kỷ cương đồng thời thực hiện cơ chế làm việc phát huy tối đa dân chủ.

Hà An

 (Nguồn: bvhttdl.gov.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây