(TTCNTT) - Thời gian qua, nhận thức rõ vị trí, ý nghĩa quan trọng của việc tăng cường quản lý, thiết lập trật tự kỷ cương trong các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa, đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng, ngành VHTTDL tỉnh Quảng Bình đã tích cực triển khai công tác tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao dân trí, giữ gìn bản sắn dân tộc.
Cụ thể, công tác quản lý nhà nước đã được các cấp lãnh đạo chỉ đạo kịp thời; hình thức quản lý, tuyên truyền đa dạng, phong phú, song song với việc ban hành văn bản là các hình thức tuyên truyền thông qua báo, đài, đặc biệt là tuyên truyền cổ động trực quan. Chính vì vậy, hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa tại địa bàn được ổn định, người dân nhận thức đúng đắn, chấp hành tốt các quy định trong kinh doanh hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Ảnh minh họa/Báo Hà nội mới
Hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh đã từng bước được cải thiện, đổi mới về phương thức tổ chức và hoạt động, cở sở vật chất được tăng cường, cơ bản phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, sinh hoạt lành mạnh của người dân. Đến nay, toàn tỉnh có 1.138/1.181 thôn, bản, tổ dân phố, tiểu khu có nhà văn hóa – khu thể thao; 157/159 Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã, phường, thị trấn đã được xây dựng tại các địa phương, trong đó có 35 trung tâm văn hóa – thể thao xã, phường, thị trấn đã được xây dựng độc lập. Qua đó góp phần nâng cao số lượng, chất lượng văn hóa tại địa bàn khu dân cư, tạo không khí vui tươi phấn khởi, chủ động trong công tác phòng, chống, ngăn chặn kịp thời các tệ nạn xã hội len lỏi vào cộng đồng dân cư, ổn định chính trị, an ninh xã hội.
Về phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, thời gian qua, Ban Chỉ đạo Phong trào các cấp tiếp tục chỉ đạo thực hiện cuộc vận động xây dựng Gia đình văn hóa ở cơ sở bằng nhiều hình thức, hoạt động phong phú như tổ chức văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, gặp mặt, tọa đàm... Qua thực hiện phong trào, chất lượng cuộc sống của hầu hết các gia đình nâng lên, đạo đức gia đình coi trọng hơn, ý thức trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình ngày càng được nâng cao, góp phần quan trọng trong việc đẩy lùi và bài trừ tệ nạn xã hội, hiện tượng vi phạm pháp luật.
Song song với xây dựng Gia đình văn hóa, việc xây dựng thôn, bản, tổ dân phố văn hóa ngày càng được các cấp, ngành, tổ chức chính trị xã hội và tầng lớp Nhân dân trong toàn tỉnh đồng tình hưởng ứng, nhờ đó đã phát huy tác dụng thiết thực trong cuộc sống và trở thành những chuẩn mực về nếp sống, lối sống, quan hệ văn hoá cộng đồng. Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân được thực hiện dưới nhiều hình thức đã mang lại hiệu quả thiết thực. Ý thức chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước của người dân ngày càng cao, góp phần giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại cơ sở.
Việc xây dựng quy ước, hương ước các thôn, bản, tổ dân phố được tiến hành chặt chẽ. Nội dung quy ước, hương ước xây dựng phù hợp với pháp luật hiện hành, tình hình thực tiễn của địa phương, có tính thống nhất chung và mang tính tự nguyện cao. Quyền làm chủ của nhân dân được phát huy trong việc đề ra nội dung, biện pháp xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư trong quy ước. Qua việc thực hiện quy ước, hương ước, ý thức chấp hành luật pháp, thực hiện nếp sống văn minh, tình làng nghĩa xóm, giữ gìn thuần phong mỹ tục trong cộng đồng dân cư ngày càng được nâng cao, các tệ nạn xã hội được ngăn chặn.
Nhìn chung, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng như quản lý, thiết lập trật tự kỷ cương trong các hoạt động văn hóa đã được ngành VHTTDL Quảng Bình quan tâm triển khai, thực hiện có hiệu quả. Các hoạt động tuyên truyền với nhiều hình thức đổi mới và nội dung phong phú đa dạng đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức, làm thay đổi hành vi của chính quyền các cấp, ban ngành, đoàn thể, góp phần tác động tích cực đến hành vi của cán bộ và các tầng lớp nhân dân.
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)