2. Đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 25 và Điều 31 của Nghị định 103/2009/NĐ-CP ngày 11/6/2009 theo hướng quy định cấp giấy phép kinh doanh có thời hạn đối với loại hình kinh doanh vũ trường, karaoke (Câu số 13).
3. Đề nghị sớm ban hành hướng dẫn quy định mức thu phí, lệ phí cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng cho các địa phương thực hiện (Câu số 14).
4. Đề nghị sớm ban hành các quy định pháp luật cụ thể về quảng cáo gắn với biển hiệu, quảng cáo bằng băng-rôn trên các tuyến đường công cộng; quản lý các hoạt động trò chơi dân gian có thưởng, karaoke di động,… (Câu số 15).
5. Tại Điều 54, Luật Thể dục thể thao về "Loại hình cơ sở thể thao", trong đó có Trung tâm đào tạo, huấn luyện vận động viên thể thao. Tuy nhiên, Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT- BVHTTDL-BNV ngày 14/9/2015 quy định sự nghiệp thể dục thể thao trực thuộc Sở chỉ có Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể thao. Như vậy làm mất chức năng "đào tạo" đi kèm nguồn kinh phí đào tạo hàng năm của Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện Thể thao. Quy định này đang gây khó khăn cho địa phương trong quá trình thực hiện. Kiến nghị sửa đổi Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT- BVHTTDL-BNV (Câu số 16).
Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xin trả lời như sau:
Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch theo Công văn số 3033/BVHTTDL-VP ngày 18/08/2020 về nội dung kiến nghị của cử tri, như sau:
1. Về đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 158/2013/NĐ-CP
Quảng cáo rao vặt không đúng quy định làm mất mỹ quan đô thị nơi công cộng đã được quy định tại Điều 51 và 61 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo với các hình thức phạt tiền và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo. Đối với đề nghị bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả "cắt liên lạc đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng thuê bao điện thoại để quảng cáo rao vặt không đúng quy định làm mất mỹ quan đô thị nơi công cộng" đang được Quốc hội cho ý kiến vì dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính dự kiến quy định biện pháp này. Hơn nữa, đây là loại hình giao dịch dân sự giữa nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng nên việc ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông được thực hiện theo quy định của Luật Viễn thông.
2. Về đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 25 và Điều 31 của Nghị định số 103/2009/NĐ-CP
Ngày 19/6/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 54/2019/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường trong đó đã bãi bỏ Điều 25 và Điều 31 của Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 11/6/2009 của Chính phủ quy định về ban hành quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng. Từ Điều 10 đến Điều 16 của Nghị định số 54/2019/NĐ-CP đã quy định rõ về điều kiện, hồ sơ và thẩm quyền cấp phép và không quy định về thời hạn của Giấy phép, nhằm giảm thủ tục hành chính và chi phí hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh.
3. Về đề nghị sớm ban hành hướng dẫn quy định mức thu phí, lệ phí cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng
Dịch vụ trò chơi điện tử không kết nối mạng (trừ kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài) là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phải tuân thủ điều kiện trong quá trình hoạt động kinh doanh được quy định tại Luật Đầu tư, Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Chính phủ ban hành quy chế hoạt động và kinh doanh hoạt động văn hóa công cộng, Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09/10/2018 của Chính phủ sửa đổi một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hoạt động kinh doanh này không thuộc đối tượng phải cấp giấy chứng nhận đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, việc quy định thu phí, lệ phí phải tuân thủ Luật phí, lệ phí và do Bộ Tài chính là cơ quan có thẩm quyền đề xuất.
4. Về đề nghị ban hành các quy định pháp luật cụ thể về quảng cáo gắn với biển hiệu, quảng cáo bằng băng-rôn trên các tuyến đường công cộng; quản lý các hoạt động trò chơi dân gian có thưởng, karaoke di động
a) Về đề nghị ban hành các quy định về quảng cáo gắn với biển hiệu, quảng cáo bằng băng-rôn trên các tuyến đường công cộng:
Luật Quảng cáo năm 2012 đã quy định cụ thể tại Mục 4 về Quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn, biển hiệu, hộp đèn, màn hình chuyên quảng cáo và phương tiện giao thông (từ Điều 27 đến Điều 34). Theo đó, đã quy định rõ các điều kiện, hình thức, nội dung quảng cáo trên bảng quảng cáo, biển hiệu, băng-rôn. Ngoài ra, Luật Quảng cáo năm 2012 cũng quy định việc đặt bảng quảng cáo, băng-rôn phải tuân thủ quy định về khu vực bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa; hành lang an toàn giao thông, đê điều, lưới điện quốc gia; không được che khuất đèn tín hiệu giao thông, bảng chỉ dẫn công cộng; không được chăng ngang qua đường giao thông và phải tuân thủ quy hoạch quảng cáo của địa phương và quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành (Khoản 1 Điều 27) đề đảm bảo đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan cũng như thực tế của từng địa phương và trật tự mỹ quan đô thị.
Đặc biệt, theo yêu cầu xây dựng Quy hoạch Quảng cáo tại các địa phương quy định tại Điều 37 và Điều 38 Luật Quảng cáo năm 2012 và Chương IV Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, đến nay toàn quốc đã có 55/63 địa phương phê duyệt quy hoạch quảng cáo ngoài trời và đang triển khai thực hiện.
Về việc kiểm soát nội dung quảng cáo, Luật Quảng cáo năm 2012 quy định thủ tục Thông báo sản phẩm quảng cáo (Điều 29 và Điều 30) đến cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương. Quy định này giúp chính quyền có thể hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các quy định cũng như quản lý một cách hiệu quả sản phẩm quảng cáo trên băng-rôn, biển hiệu.
b) Về hoạt động trò chơi dân gian có thưởng, karaoke di động:
- Hoạt động trò chơi dân gian có thưởng đã được quy định tại Điều 3 và Điều 36 Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 11/6/2009 của Chính phủ quy định về ban hành quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng. Do đó, khi tổ chức cá nhân tổ chức hoạt động trò chơi dân gian có thưởng phải tuân thủ theo quy định trên.
Trường hợp vi phạm sẽ thực hiện theo quy định xử phạt tại Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch và quảng cáo; Nghị định số 28/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017 của Chính phủ quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định số 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
- Về karaoke di động:
Căn cứ quy định tại Điều 4 về điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke của Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19/6/2019 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, hoạt động trên không thuộc hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke theo quy định. Về việc cá nhân đi hát rong tại một số khu vực ở địa phương gây ồn ào, mất trật tự làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan chức năng liên quan, căn cứ Điều 6 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy, phòng, chống bạo lực gia đình, chỉ đạo các cấp chính quyền, cơ quan an ninh tại địa phương thực hiện quản lý theo đúng thẩm quyền.
5. Về kiến nghị sửa đổi Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT- BVHTTDL-BNV
Triển khai thực hiện Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BVHTTDL-BNV ngày 14/9/2015 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phòng Văn hóa và Thông tin thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BVHTTDL-BNV).
Căn cứ Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BVHTTDL-BNV, các Trung tâm Huấn luyện thể thao, Trung tâm Đào tạo vận động viên được tổ chức lại thành Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao. Hầu hết các địa phương khi phê duyệt chức năng của Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao đều có phê duyệt chức năng đào tạo vận động viên thể thao. Việc tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp thể thao công lập trong lĩnh vực thể dục thể thao thuộc quản lý của các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, thành phố là phù hợp, thực hiện chủ trương tinh giản bộ máy, giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước.
Hiện nay, Bộ Nội vụ đang hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP. Khi dự thảo Nghị định nêu trên được ban hành, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ triển khai rà soát, đánh giá kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của các địa phương trên cả nước để xây dựng và ban hành Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BVHTTDL-BNV. Quá trình xây dựng Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BVHTTDL-BNV, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp thu ý kiến của cử tri tỉnh Tây Ninh và rà soát lại tên gọi, hoạt động thực tế các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (trong đó, có Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao) để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp quy định pháp luật hiện hành và tình hình thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch theo chủ trương của Đảng và quy định của Nhà nước.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh để trả lời cử tri.
>> Toàn văn nội dung văn bản