SharePoint
Liên kết web
 
 

UNESCO mong muốn đưa vận động viên quốc tế sang tập huấn tại Việt Nam

10/08/2020 12:43
(TTCNTT) - Sáng 7/8, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Lê Thị Hoàng Yến đã có buổi làm việc với đại diện UNESCO tại Việt Nam. Nội dung chính của buổi làm việc xoay quanh các vấn đề liên quan đến những đề xuất về hợp tác Thể dục Thể thao trong thời gian tới.

Cụ thể, theo ông Kim Encel – phụ trách thể thao của UNESCO tại Việt Nam cho hay: Trong nhiều năm qua, UNESCO luôn đánh giá cao sự hợp tác với Việt Nam ở nhiều lĩnh vực. Trong đó, nổi bật phải kể đến sự hợp tác mang lại nhiều dấu ấn mạnh mẽ trong lĩnh vực văn hóa. Với nền tảng và sự hợp tác tốt đẹp đó, UNESCO đang xây dựng các kế hoạch hợp tác cùng Việt Nam ở nhiều lĩnh vực khác trong đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực Thể dục Thể thao (thể thao cộng đồng và thể thao thành tích cao). Bởi lẽ, những năm gần đây, nền Thể thao Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ, nổi bật về thành tích tại các đấu trường quốc tế. Nhiều môn Thể thao Olympic đã tạo dấu ấn mạnh mẽ như: Bắn súng, Điền Kinh, Thể dục dụng cụ, Bơi… Đây là tiền đề, hứa hẹn cho những hợp tác mới sẽ mang lại nhiều kết quả tốt đẹp.

Theo chia sẻ của ông Tim Voegele Dowing, đối tác chiến lược của UNESCO: Hiện nay trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid – 19 ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhiều hoạt động thi đấu Thể thao, tập luyện của vận động viên đỉnh cao gần như bị đóng băng hoàn toàn. Điều này, ít nhiều ảnh hưởng không nhỏ tới sự chuẩn bị, thành tích thi đấu của vận động viên đỉnh cao. Việt Nam được Tổ chức y tế thế giới và nhiều quốc gia đánh giá là một trong những nước có sự kiểm soát, phòng chống dịch Covid – 19 tốt nhất thế giới. Bên cạnh việc dập dịch (giai đoạn 1) rất thành công và sớm đưa hoạt động thể dục thể thao, cũng như các hoạt động khác của đời sống xã hội trở lại bình thường. Thì ở thời điểm hiện tại dịch Covid – 19, mặc dù có tái bùng phát trở lại, nhưng chúng tôi luôn tin tưởng Việt Nam vẫn sẽ làm tốt công tác phòng, chống dịch.

Với lợi thế là ổn định về chính trị, điều kiện khí hậu khá ôn hòa cùng sự an toàn và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch Covid – 19, tại buổi làm việc các thành viên của UNESCO đưa ra đề xuất về việc đưa các vận động viên đỉnh cao của một số quốc gia trên thế giới tới tập huấn tại Việt Nam nhằm chuẩn bị cho các sự kiện Thể thao lớn diễn ra trong thời gian tới như Olympic Tokyo 2020. Nếu được Chính phủ, ngành Thể dục Thể thao cho phép và thỏa thuận hợp tác sớm được thực hiện, phía UNESCO cũng như các nước dự kiến có vận động viên được cử sang tập huấn sẵn sàng trả các khoản chi phí ăn, ở và hỗ trợ Việt Nam (tài trợ) các trang thiết bị tập luyện của một số môn Thể thao tại các địa điểm nơi các đoàn vận động viên quốc tế dự kiến tập huấn. Cùng với đó, trực tiếp tham gia thi đấu, giao lưu trao đổi kinh nghiệm thi đấu nâng cao chuyên môn cùng các vận động viên Việt Nam (nếu được các cơ quan chủ quản của Việt Nam cho phép).

Về điều này, Phó Tổng cục trưởng Lê Thị Hoàng Yến khẳng định: Việt Nam luôn sẵn sàng hợp tác cùng UNESCO vì sự phát triển bền chặt và mang tính chiến lược trong lĩnh vực Thể dục Thể thao vào thời gian tới. Tuy nhiên, dựa trên tình hình thực tiễn tại Việt Nam khi cả nước đang tăng cường công tác kiểm soát dịch bệnh Covid – 19 ở nhiều địa phương trên toàn quốc thì tạm thời nhiều hoạt động Thể thao trong nước cũng đang dừng hoạt động. Trước đề nghị từ phía UNESCO đưa các đoàn vận động viên quốc tế sang tập huấn tại Việt Nam, bà Lê Thị Hoàng Yến cho rằng: đây là ý tưởng rất hay và tạo nhiều thuận lợi lớn cho Thể thao Việt Nam nói chung và các vận động viên các đội tuyển đang tập huấn tại các Trung tâm huấn luyện Thể thao quốc gia nói chung. Đặc biệt, trước thềm SEA Games 31 diễn ra tại Việt Nam vào năm 2021, Olympic Tokyo 2020 hay Asian Games 2022 tại Trung Quốc thì đây là cơ hội rất tốt giúp vận động viên Việt Nam có thêm nhiều cơ hội cọ xát, giao lưu, hoàn thiện, nâng cao thành tích. Song, trước các quy định của Chính phủ Việt Nam trong việc phòng chống dịch Covid – 19 việc đưa các đoàn từ quốc tế sang Việt Nam sẽ không thể thuận lợi như bình thường.

Bà Lê Thị Hoàng Yến nhấn mạnh: Tổng cục Thể dục Thể thao sẽ đề xuất ý kiến này lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như các cơ quan chức năng, nếu nhận được sự đồng thuận và cho phép của Chính phủ Việt Nam thì chắc chắn phải đảm bảo nguyên tắc: các đoàn vận động viên quốc tế sang tập huấn tại Việt Nam sẽ phải tập trung vào khu cách ly trong quãng thời gian quy định, cũng như thực hiện đầy đủ các bước kiểm tra y tế theo quy định của Chính phủ, Bộ Y tế Việt Nam.

Bên cạnh đó, Phó Tổng cục trưởng Lê Thị Hoàng Yến cũng chia sẻ cùng các thành viên của UNESCO trong khuôn khổ buổi làm việc: Hiện Tổng cục Thể dục Thể thao đang quản lý 4 Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ. Hầu hết vận động viên đỉnh cao của Việt Nam đang tập luyện tại đây trong điều kiện được kiểm soát nghiêm ngặt, đảm bảo tốt nhất về sức khỏe, công tác chuyên môn. Tuy nhiên, về cơ bản trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác tập luyện của vận động viên tại các Trung tâm huấn luyện Thể thao quốc gia không hẳn 100% được đảm bảo theo tiêu chuẩn quốc tế, thậm chí còn khá khiêm tốn so với các quốc gia có nền thể thao phát triển trên thế giới. Nhưng nếu sự hợp tác này có thể triển khai và thực hiện được, phía ngành Thể dục Thể thao chắc chắn sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để UNESCO có thể đưa các đoàn vận động viên quốc tế sang Việt Nam tập huấn.

Bà Lê Thị Hoàng Yến (bên trái) - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT trong buổi làm việc cùng các thành viên UNESCO tại Việt Nam

Cụ thể, bà Lê Thị Hoàng Yến cũng đề nghị phía UNESCO sớm đưa ra kế hoạch về các môn thể thao dự kiến sẽ sang tập huấn tại Việt Nam, cũng như các điều kiện hỗ trợ kèm theo. Bên cạnh đó, UNESCO nên chia kế hoạch hợp tác này thành 2 giai đoạn: trong thời điểm có dịch Covid – 19 (mang tính ngắn hạn) và sau thời điểm hết dịch (mang tính dài hạn). Tại Việt Nam, ngoài các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia thì Thủ đô Hà Nội cũng có Trung tâm Huấn luyện Thể thao cấp cao với các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động Thể thao khá tốt. Chính vì vậy, việc UNESCO lựa chọn cụ thể các môn Thể thao sang tập huấn phù hợp với thế mạnh và mức độ phát triển của Thể thao Việt Nam.

Kết thúc buổi làm việc, ông Kim Encel – phụ trách thể thao của UNESCO và Tim Voegele Dowing, đối tác chiến lược của UNESCO gửi lời cảm ơn về sự đón tiếp và ủng hộ của Tổng cục Thể dục Thể thao trước các mong muốn, ý tưởng hợp tác lâu dài giữa UNESCO và Tổng cục Thể dục Thể thao trong thời gian tới. Hy vọng, kế hoạch hợp tác này sớm nhận được sự đồng thuận và tư vấn từ phía Việt Nam giúp cho việc hợp tác trước mắt là đưa các đoàn vận động viên quốc tế sang tập huấn tại Việt Nam diễn ra được thuận lợi, mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt là nhận được sự ủng hộ từ Chính phủ và các cơ quan chức năng của Việt Nam.

 (Nguồn:  bvhttdl.gov.vn)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây