Ngày 30 tháng 7 năm 2020, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đã tham dự Hội nghị quốc tế “Đối tác nghị viện về hợp tác văn hóa, giáo dục vì sự phát triển bền vững” được tổ chức theo hình thức trực tuyến trong khuôn khổ Đại hội đồng liên Nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á lần thứ 41 (AIPA 41) do Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch trong năm 2020. Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và tham dự của ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, lãnh đạo các Bộ, ngành, một số Đại biểu Quốc hội Việt Nam. Các điểm cầu quốc tế gồm đại diện lãnh đạo Nghị viện, nghị sỹ các quốc gia thành viên ASEAN. Về phía khách mời quốc tế tham dự hội nghị tại Hà Nội có đại diện Liên hợp quốc tại Hà Nội, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới World Bank,... Ngoài ra, Ngài Martin Chungong - Tổng thư ký Liên minh Nghị viện thế giới IPU tham dự hội nghị từ điểm cầu Thụy Sỹ và có bài phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị.
Hội nghị quốc tế “Đối tác nghị viện về hợp tác văn hóa, giáo dục vì sự phát triển bền vững” là hoạt động do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức theo sáng kiến của Việt Nam trong Năm Chủ tịch AIPA 41 nhằm thảo luận về cơ chế hợp tác liên nghị viện AIPA trong các lĩnh vực giáo dục và văn hóa phục vụ cho phát triển bền vững khu vực ASEAN theo những mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh và đánh giá cao ý nghĩa của hội nghị. Việc các Nghị viện AIPA thống nhất lựa chọn chủ đề văn hóa và giáo dục làm nội dung trao đổi trên cơ sở sáng kiến của Việt Nam cho thấy vai trò to lớn của các lĩnh vực này trong xu thế phát triển bền vững cũng như chiến lược phát triển chung của toàn thế giới và khu vực ASEAN.
Ngày nay, phát triển bền vững đã trở thành xu hướng, chiến lược phát triển chung của toàn thế giới, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ cũng như vấn đề biến đổi khí hậu đã trở thành thách thức lớn nhất cho toàn nhân loại trong thế kỷ XXI.
Trong khuôn khổ hoạt động của AIPA, việc tổ chức một diễn đàn thường xuyên để thảo luận về vai trò của Nghị viện và cơ hội hợp tác giữa các nghị viện thành viên AIPA về mục tiêu phát triển bền vững và hành động hiện thực hóa các mục tiêu này là hoạt động thiết thực và có ý nghĩa.
Trong bối cảnh hội nhập của nền kinh tế tri thức, yếu tố có vai trò quan trọng quyết định tới sự tăng trưởng và phát triển của các quốc gia, dân tộc không còn dựa vào khai thác nguồn tài nguyên truyền thống mà chủ yếu dựa vào nguồn lực con người. Văn hóa vốn được coi là nền tảng tinh thần của xã hội nhưng đồng thời cũng có vai trò điều tiết sự vận động của xã hội, vì thế được coi là động lực bên trong và trực tiếp thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giúp không chỉ đem lại sự phát triển kinh tế bao trùm, giúp xóa đói giảm nghèo, không chỉ tạo ra sự thịnh vượng về kinh tế, mà còn trở thành nền tảng tạo ra sự gắn kết xã hội, đoàn kết giữa các quốc gia, dân tộc, bảo đảm sự phát triển bình đẳng, nhân văn và có bản sắc. Văn hóa và giáo dục có mối liên hệ hữu cơ với nhau trong sự phát triển bền vững của các quốc gia, dân tộc. Hơn nữa, trong nội hàm mục tiêu phát triển bền vững về giáo dục cũng đã nhấn mạnh đến việc thúc đẩy phát triển bền vững thông qua giáo dục về sự phát triển bền vững, về quyền con người, bình đẳng giới, thúc đẩy nền văn hóa hòa bình và không bạo lực, về công dân toàn cầu và tôn vinh sự đa dạng của văn hóa và sự đóng góp của văn hóa vào việc phát triển bền vững trong thời đại công nghệ số.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đã có bài tham luận với chủ đề “Thực trạng công tác bảo tồn và kết nối di sản văn hóa khu vực ASEAN gắn với hợp tác phát triển du lịch bền vững, nguồn lực cho bảo tồn và kết nối di sản văn hóa phục vụ mục tiêu phát triển bền vững và đề xuất một số giải pháp, kiến nghị nhằm xây dựng hành lang pháp lý cho công tác bảo tồn và kết nối di sản văn hóa khu vực ASEAN”. Theo đó, Thứ trưởng Tạ Quang Đông chia sẻ: với 37 di sản đã được UNESCO ghi danh trong khu vực ASEAN (23 di sản văn hóa, 13 di sản thiên nhiên, và 1 di sản văn hóa-thiên nhiên), các nước ASEAN đặc biệt đề cao kết nối di sản văn hóa khu vực ASEAN với hợp tác phát triển du lịch bền vững. Nhờ triển khai kết nối di sản trong phát triển du lịch bền vững, năm 2019, khách du lịch quốc tế đến khu vực ASEAN đạt khoảng 143,5 triệu lượt, chiếm 9,6% tổng khách du lịch quốc tế trên toàn thế giới; tốc độ tăng trưởng đạt 6,1%, cao hơn mức tăng trưởng chung của thế giới (4%), tổng thu từ du lịch quốc tế đạt 170,9 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm 2018, trao đổi khách nội khối ASEAN chiếm 37% tổng lượng khách đến khu vực.
Trước bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và nhu cầu chuyển đổi số hiện nay, việc phát huy các tiềm năng du lịch của di sản văn hóa ASEAN không chỉ dừng lại ở phát triển bền vững để bảo tồn các giá trị của di sản, mà còn đảm bảo được lợi ích kinh tế của các quốc gia, lợi ích đối với cộng đồng ASEAN, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.
Bên cạnh việc đánh giá kết quả, tiềm năng của kết nối di sản văn hóa với phát triển du lịch bền vững trong khu vực, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đã chỉ ra một số hạn chế, thách thức. Trong đó, nguồn lực con người, nguồn lực kinh tế cho bảo tồn và kết nối di sản văn hóa phục vụ mục tiêu phát triển bền vững chưa thực sự được đầu tư như mong muốn và theo đúng yêu cầu, các nước ASEAN sở hữu di sản thế giới đang phải đối mặt với thách thức cân bằng giữa phát triển và bảo tồn...
Xác định vai trò, tầm quan trọng của di sản văn hóa là một trong các loại tài nguyên để xây dựng sản phẩm du lịch phục vụ mục tiêu phát triển bền vững và để triển khai có hiệu quả công tác bảo tồn,kết nối di sản văn hóa khu vực ASEAN, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đã đề xuất Nghị viện các nước thành viên ASEAN xem xét, sớm thông qua khung pháp lý tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hơn nữa hợp tác bảo tồn và kết nối di sản văn hóa khu vực ASEAN vì mục tiêu phát triển bền vững.
Với mục tiêu tiếp tục triển khai sáng kiến của Việt Nam trong hợp tác AIPA về văn hóa, giáo dục, hội nghị kết thúc bằng việc thông qua Nghị quyết đẩy mạnh hợp tác Nghị viện về văn hóa, giáo dục vì sự phát triển bền vững của Cộng đồng ASEAN. Theo đó, Hội nghị quốc tế “Đối tác nghị viện về hợp tác văn hóa, giáo dục vì sự phát triển bền vững” sẽ trở thành một trong các hoạt động thường niên được tổ chức trong hoạt động của AIPA trong thời gian tới.
Nguyễn Đức Thắng
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)