SharePoint
Liên kết web
 
 

Cần sửa đổi Luật phòng, chống bạo lực gia đình để phù hợp hơn với yêu cầu phát triển của xã hội hiện nay

06/07/2020 17:12
(TTCNTT) - Nhằm tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả trong phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ); đảm bảo quyền cơ bản và bình đẳng giữa các thành viên gia đình; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã phê duyệt Kế hoạch xây dựng Luật PCBLGĐ (sửa đổi, bổ sung). Để hiểu thêm về vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với bà Trần Tuyết Ánh - Vụ trưởng Vụ Gia đình.

- Thưa bà, Bộ VHTTDL hiện đang lập hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật PCBLGĐ, bà có thể cho biết lý do của việc lập đề nghị này là gì?

Quốc hội khóa 12 thông qua Luật PCBLGĐ đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ, thể hiện sự quyết tâm của Việt Nam PCBLGĐ, đảm bảo những quyền cơ bản của con người ngay từ gia đình, xây dựng gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là chốn bình yên của mỗi người.

Sau 12 năm triển khai, thi hành Luật, công tác PCBLGĐ đã đạt được thành tựu nhất định. Tuy nhiên quá trình triển khai, thi hành, Luật đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Những tồn tại, hạn chế này cần phải được sửa đổi và bổ sung kịp thời để đáp ứng yêu cầu PCBLGĐ trong tình hình mới là lý do Bộ VHTTDL lập Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật PCBLGĐ để thay thế cho Luật hiện nay.

Bạo lực gia đình làm suy thoái các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong mỗi gia đình. Ảnh minh họa (nguồn: Báo Pháp Luật)

- Công tác PCBLGĐ hiện nay không đồng đều giữa các địa phương, theo bà, vì sao cùng thực hiện Luật PCBLGĐ nhưng lại có sự khác nhau giữa các địa phương?

Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 04 tháng 02 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về Đẩy mạnh công tác PCBLGĐ đã chỉ ra lý do của vấn đề nêu trên là do nhiều cơ quan, chính quyền, đoàn thể chưa xác định rõ được trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thực thi chính sách, pháp luật về PCBLGĐ.

Từ các đợt kiểm tra, giám sát tại địa phương cho thấy, cấp ủy Đảng, chính quyền đóng vai trò then chốt trong chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác PCBLGĐ.

Vậy nên ở địa phương nào cấp ủy Đảng, Chính quyền mà cụ thể là người đứng đầu quan tâm, sát sao đến công tác PCBLGĐ thì ở đó các hoạt động PCBLGĐ được triển khai và đem lại những hiệu quả tích cực.

- Một số lĩnh vực được phân bổ kinh phí theo đầu người nhằm khắc phục tình trạng "xin cho" trong phân bổ kinh phí thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Việc sửa đổi Luật lần này, nên chẳng cũng có quy định cụ thể về định mức này, thưa bà?

Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cho thấy, vấn đề kinh phí ở một số lĩnh vực khác đã được phân bổ theo đầu người nhằm đảm bảo nguồn kinh phí tối thiểu để có thể triển khai các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước giao cho các cơ quan trung ương và địa phương.

Mặt khác, huy động xã hội hóa để huy động sự ủng hộ của tổ chức, cá nhân thông qua quỹ cũng đã được quy định tại các văn bản như: Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Luật Du lịch;… đặc biệt, Luật Giáo dục (2019) còn quy định rõ tỷ lệ phần trăm chi cho giáo dục, đào tạo trong tổng chi ngân sách nhà nước.

Bạo lực gia đình được ghi nhận có ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. Theo đó, bạo lực gia đình làm tổn hại trực tiếp đến sức khỏe, tinh thần, khả năng học tập, lao động của nạn nhân; làm suy thoái các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong mỗi gia đình; làm gia tăng các vụ ly hôn và gây mất trật tự, an toàn xã hội; gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế.

Thông báo số 26-TB/TW của Ban Bí thư cũng đã khẳng định: xây dựng gia đình là vấn đề lớn, hết sức hệ trọng của dân tộc và thời đại. Để xây dựng gia đình bền vững, hạnh phúc thì PCBLGĐ chính là vấn đề lớn và cấp bách hiện nay. Chính vì vậy, chúng tôi hy vọng được Quốc hội ủng hộ để có những quy định rõ hơn về điều kiện đảm bảo khi triển khai thi hành Luật.

Xin chân thành cảm ơn Bà!

Những năm gần đây, công tác PCBLGĐ đã đạt được những kết quả nhất định: nhận thức của cộng đồng, chính quyền và tổ chức, đoàn thể ngày một nâng cao, các biện pháp phòng, chống, phê phán, lên án hành vi bạo lực gia đình đã và đang triển khai ở cộng đồng ngày càng phát huy hiệu quả; số vụ bạo lực gia đình có xu hướng giảm, nhận thức của người dân đang dần thay đổi theo hướng tích cực và xuất hiện những tấm gương điển hình, tiên tiến.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại những hạn chế, bất cập như: tình trạng bạo lực gia đình còn diễn ra ở nhiều nơi với các đối tượng khác nhau; tính chất của các vụ bạo lực gia đình ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường. Bạo lực gia đình đã và đang ảnh hưởng đến thuần phong, mỹ tục, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, an ninh, trật tự xã hội, gây bất bình trong dư luận xã hội.

Để đẩy mạnh công tác PCBLGĐ trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ VHTTDL:

Chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường tuyên truyền chính sách, pháp luật về PCBLGĐ; giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; phê phán, lên án các hành vi vi phạm pháp luật về PCBLGĐ.

Tổ chức bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng cho cán bộ làm công tác PCBLGĐ các cấp. Tổ chức, triển khai hiệu quả mạng lưới quốc gia về PCBLGĐ; nghiên cứu, thành lập các cụm thi đua về công tác gia đình.

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về gia đình trong đó có PCBLGĐ.

Tổng kết, đánh giá "Chương trình hành động quốc gia về PCBLGĐ đến năm 2020", đề xuất Thủ tướng Chính phủ Chương trình giai đoạn tới.

 (Nguồn: bvhttdl.gov.vn)

 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây